Thực tế, những dịch vụ này đã xuất hiện vài năm qua song rộ lên trở lại sau hàng loạt bê bối bắt nạt của người nổi tiếng bị phanh phui gần đây.

Từ vụ cặp song sinh "nữ thần bóng chuyền" Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong, cầu thủ bóng chày Yoo Jang-hyuk đến nam diễn viên Ji Soo, vấn nạn bạo lực học đường tồn tại âm ỉ ở Hàn nay càng trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng.

dich vu bao ke nan nhan bao luc hoc duong anh 1

Vụ diễn viên Ji Soo thừa nhận hành vi quấy rối tình dục, bắt nạt, đánh đập, trấn lột bạn học là một trong những bê bối lớn nhất của người nổi tiếng liên quan đến bạo lực học đường. Ảnh:Naver.

Các dịch vụ thường được phụ huynh sử dụng để bảo vệ con em mình là "Samchon Package" (tạm dịch: gói "Ông chú)" hay "Evidence Package" (tạm dịch: gói "Bằng chứng").

Đối với gói "Ông chú", sau khi được gia đình của học sinh thuê, các công ty cung cấp dịch vụ này cử những nhân viên lực lưỡng, thường là nam giới 30-40 tuổi, có vẻ ngoài bặm trợn hộ tống nạn nhân đi học, đe dọa, cảnh báo các học sinh bắt nạt khách hàng của mình.

Với gói "Bằng chứng", người được thuê sẽ điều tra, thu thập bằng chứng về hành vi của kẻ bắt nạt để sử dụng cho mục đích khởi kiện, khiếu nại của gia đình khách hàng.

Ngoài ra, các công ty còn có nhiều dịch vụ khác như đe dọa phát tán thông tin cá nhân của kẻ bắt nạt lên mạng xã hội hay đến công ty nơi phụ huynh người này làm việc biểu tình, gây sức ép.

Giá của các dịch vụ này dao động từ khoảng 3 triệu won (2.600 USD)/2 ngày đến 5 triệu won (4.300 USD)/3 ngày.

dich vu bao ke nan nhan bao luc hoc duong anh 2

Hàn Quốc là quốc gia tích cực đưa vấn nạn bạo lực học đường lên màn ảnh. Ảnh:Angry Mom.

Theo một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, số học sinh cho biết bị bắt nạt đã tăng từ 37.000 năm 2017 lên khoảng 60.000 em năm 2019.

Sự nổi lên của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ "bảo kê" cho thấy nạn nhân và gia đình họ không hài lòng với các phương án trừng phạt và giải pháp mà các cơ quan có trách nhiệm đưa ra.

Khi phụ huynh của các nạn nhân yêu cầu giúp đỡ, nhà trường thường cố gắng giải quyết vấn đề thông qua cơ chế xử phạt riêng, điển hình là ủy ban tự quản về bạo lực của trường, thay vì báo cáo sự việc cho cảnh sát.

Bên cạnh đó, các ủy ban này cũng không tổ chức giải quyết ngay khi sự việc được tố cáo mà sau khoảng 15 ngày, vì cần có thời gian để sắp xếp lịch trình cho những người tham gia, bao gồm giáo viên, luật sư và chủ tịch hội phụ huynh.

Trước thực trạng đó, phụ huynh của các nạn nhân thường tin tưởng vào hiệu quả của các biện pháp trừng phạt cá nhân hơn là dựa vào kỷ luật nhà trường hay các đơn thư gửi đến cảnh sát.

Theo  Zing