Phụ nữ muốn để lại tài sản cho con cháu theo cách nào?
Cập nhật lúc 18:34, Thứ sáu, 24/03/2023 (GMT+7)
Phụ nữ thường có khuynh hướng nghĩ đến gia đình khi tính toán cách sử dụng tài sản tích lũy được, và họ cũng có cách nhìn vấn đề rộng hơn.
Báo cáo mới của UBS Global Wealth Management (tổ chức cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản toàn cầu - UGWM) - tổng hợp từ nhiều kết quả khảo sát - cho thấy sự khác biệt giữa nữ giới và nam giới về vấn đề chuyển giao tài sản cho con cháu.
Theo đó, phụ nữ thường có khuynh hướng nghĩ đến gia đình khi tính toán cách sử dụng tài sản tích lũy được, và họ cũng có cách nhìn vấn đề rộng hơn.
|
|
Nhiều phụ nữ muốn để lại tài sản cho con cháu sau khi qua đời hơn là chuyển giao ngay khi còn sống - Ảnh: Getty Images |
Bà Marianna Mamou - Trưởng bộ phận “tư vấn ngoài đầu tư” tại UGWM - cho biết: “Đối với phụ nữ, chuyển giao tài sản thường có nhiều ý nghĩa hơn là truyền lại sự giàu có cho thế hệ sau; họ cũng nghĩ đến khả năng tác động tích cực đến cuộc đời của những người khác”. Chẳng hạn, cách phụ nữ đầu tư tài sản thường phù hợp với các giá trị cá nhân của họ hoặc phục vụ nhiều mục đích khác như đóng góp cho các tổ chức từ thiện, hỗ trợ những người thân mà họ tin cậy khởi nghiệp kinh doanh hoặc mua nhà...
Theo UGWM, “phụ nữ có xu hướng xem trọng việc tài sản là nguồn đảm bảo an toàn về tài chính cho bản thân và những người thân yêu của họ trong thời gian dài”.
Báo cáo của UGWM đặc biệt lưu ý sự khác biệt trong cách phụ nữ giải quyết vấn đề chuyển giao tài sản của họ cho người thừa kế so với đàn ông. Bà Mamou nói: “Ngày càng có nhiều phụ nữ thích chờ đợi và để lại tài sản thừa kế sau khi họ qua đời. Nhiều phụ nữ cũng lo về việc tranh chấp tài sản thừa kế hơn so với đàn ông”. “Một lý do khác khiến phụ nữ trì hoãn việc chuyển giao của cải khi còn sống là họ muốn duy trì sự linh hoạt trong việc chia tài sản” - bà Mamou nói thêm.
Có 65% nam giới tham gia khảo sát cho biết họ muốn chuyển tài sản cho con cháu trước khi chết, so với 61% ở nữ giới.
Một trong những lý do khiến phụ nữ ngần ngại chia của cải cho con cháu sớm ngay khi còn sống là không chắc chắn về số tài sản họ có thể cho đi, họ không biết chắc nên làm như thế nào. So với nam giới, nhiều phụ nữ chia sẻ rằng họ cảm thấy dễ dàng bàn luận về chuyện tiền bạc với gia đình hơn.
Bà Mamou nói: “Việc để các thế hệ trẻ tham gia quyết định đầu tư sẽ dẫn đến quá trình chuyển giao tài sản suôn sẻ và ít bất ngờ hơn. Hơn nữa, sự kết hợp các giải pháp đầu tư bền vững cũng có thể là một cách tốt để tương tác và thu hút thế hệ sau”. Bà Mamou kết luận: “Đầu tư cùng với con cháu chính là cơ hội tuyệt vời để truyền lại những giá trị và bài học tài chính quan trọng cho thế hệ sau”.
Điểm sau cùng mà báo cáo lưu ý là phụ nữ thường sống lâu hơn đàn ông, nên họ thường được hưởng cả phần tài sản của người chồng để lại sau khi qua đời. Do có nhiều tài sản hơn để chuyển giao cho thế hệ sau, việc phụ nữ thảo luận và lập kế hoạch về vấn đề này càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn.
Theo phụ nữ TPHCM