Phục trang và chiếc mũ bị cho là không đúng sử trong phim 'Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long' - ẢNH: T.L

Điều quan trọng là ê kíp làm phim cần phải trang bị đầy đủ hiểu biết, kiến thức về lịch sử                                               

Nhà thiết kế Công Trí


Trang phục Việt hao hao kiểu Tàu, in hình vua sư tử

Khi hình ảnh một số trang phục của nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga (Thanh Hằng đóng) trong phim dã sử Quỳnh Hoa nhất dạ xuất hiện đã gây tranh cãi dữ dội trên các diễn đàn về cổ phong và trong giới nghiên cứu lịch sử, cổ phục với nghi vấn: “Thái hậu triều Đinh - Tiền Lê sử dụng trang phục Mãn Thanh (Trung Quốc)?”. Một số khán giả đã phát hiện ra trang phục màu đỏ của diễn viên Thanh Hằng mặc có kiểu dáng theo hơi hướm thời Thanh của Trung Quốc với tà áo kéo từ trái qua phải và giữ lại bằng hàng nút tàu - một dạng thức trang phục quá xa lạ so với người Việt vì áo giao lĩnh của VN có thiết kế và cách mặc khác. Đáng nói, nhân vật lịch sử Dương Vân Nga sống ở thế kỷ 10, trong khi thời Thanh vốn ở thế kỷ 17.

Trước đó, phim điện ảnh Mỹ nhân của đạo diễn Đinh Thái Thụy nói về thời Trịnh - Nguyễn phân tranh đầy biến động ở thế kỷ 17 cũng nhận chỉ trích của khán giả khi bộ quan phục của một diễn viên trong phim lại in hình giống nhân vật vua sư tử trong phim The lion king của Walt Disney (Mỹ), còn chiếc mũ gắn ngọc ở giữa được cho là ảnh hưởng từ mũ trong phim Bao Công của Trung Quốc. Hay như phim truyền hình Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long cũng bị cho là có nhiều sai lầm trong thiết kế trang phục, trông không khác gì cổ phục Trung Quốc, đặc biệt mũ/mão của vua. Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức - trong buổi trò chuyện về trang phục trong phim khi ra mắt cuốn Ngàn năm áo mũ cuối năm 2014, từng chỉ ra sai sót của phim Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long: “Mũ vua phải có đúng 12 tua, mỗi tua có 12 hạt, cố định vậy vì đây là con số thiêng, trong khi thiết kế mũ vua trong phim chỉ có 9 tua”. Ngoài ra, phim chiếu mạng Bí mật Trường Sanh cung bị khán giả phản ứng khi đạo nhái hai bộ phim truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc là Diên Hy công lược, Như Ý truyện về cả ý tưởng lẫn sản xuất ở nhiều khâu.

Trang phục của phim Quỳnh Hoa nhất dạ bị cho là giống thời Mãn Thanh - ẢNH: T.L – ĐPCC

Cần tham khảo chuyên gia để làm “đúng” hơn “đẹp”

Khi trao đổi với các nhà làm phim, đa số cho rằng phục trang luôn là vấn đề “khó nhằn” cho các phim lịch sử, dã sử bởi không có nhiều tư liệu chính xác thời điểm đó và họ thường chọn vẻ đẹp phục trang thay vì đúng tuyệt đối. Chính vì muốn chạy theo cái đẹp, nên dù thực hiện kỳ công nhưng ê kíp phim Quỳnh Hoa nhất dạ vẫn tạo ra bộ trang phục lai căng cho nhân vật Dương Vân Nga như công chúng nhận xét, bởi họ chưa tìm hiểu lịch sử thấu đáo. Anh Tôn Thất Minh Khôi - một nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, thẳng thắn: “Chiếc áo này đã sai, sai cả về không gian lẫn thời gian. Quan điểm của tôi là: phim dã sử thì hãy dã sử, fantasy (giả tưởng, kỳ ảo) thì fantasy, nhưng đã áp vào một nhân vật lịch sử có thật, một giai đoạn có thật, thì phần phục trang vẫn phải tham khảo và đối chiếu một cách nghiêm túc. Sự sáng tạo về mặt lịch sử nếu không dựa trên một nền tảng sẽ trở thành sự lai căng vô cùng nguy hại”. Trước phản ứng của dư luận, đạo diễn Lý Minh Thắng của Quỳnh Hoa nhất dạ cho biết: “Sẽ ghi nhận mọi ý kiến đóng góp, tiếp thu để hoàn thiện các thiết kế phục trang tiếp theo vì phim đến đầu năm 2021 mới khởi quay”.

Cũng vì cái khó của phục trang buộc phải chính xác của dòng phim lịch sử, nên các nhà làm phim Việt thường chọn thể loại dã sử để có quyền sáng tạo từ nội dung, bối cảnh đến nhân vật, phục trang. Tuy nhiên, các bộ phim dã sử đang thực hiện của điện ảnh Việt lại đưa nhân vật lịch sử có thật lên phim để thu hút sự chú ý của khán giả. Đây mới chính là lý do khiến cộng đồng yêu sử Việt, các hội nhóm nghiên cứu cổ phục... lên tiếng phản ứng khi phát hiện những sai sót, bởi nếu cứ sai mãi thì nhiều khán giả sẽ có cái nhìn không đúng chuẩn về lịch sử.

Nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh, hiện đang làm phim dã sử Trưng Vương, chia sẻ: “Chúng tôi mất gần 5 năm làm việc với nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử và 10 họa sĩ để tìm hiểu, sáng tạo trang phục, hoa văn, vật dụng, vũ khí, bối cảnh và câu chuyện liên quan đến Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, phim này không gọi là phim lịch sử mà sẽ là phim huyền sử - dã sử vì có bối cảnh 2.000 năm trước. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể đối chiếu, so sánh thêm nhiều tư liệu và thực hiện trang phục làm sao vừa chuẩn với thẩm mỹ hiện đại vừa kết hợp từ kiểu dáng truyền thống của lịch sử”. Nhà thiết kế Công Trí thì nhìn nhận: “Cách dung hòa hay nhất là cần phải lấy cái lõi chính và đúng từ các trang phục ở thời đại đó để phát triển thêm cho trang phục, tất nhiên không nên làm quá đà để sai hết sử. Thế nên, điều quan trọng là ê kíp làm phim cần phải trang bị đầy đủ hiểu biết, kiến thức về lịch sử”.

Có thể nói trong vòng 2 - 3 năm gần đây, phong trào phục dựng cổ phong, nhất là của giới trẻ yêu sử Việt, đã có những tác động sâu rộng, giúp nâng cao kiến thức của công chúng về trang phục xưa. Vì thế, ngoài việc tìm đến các chuyên gia hàng đầu về lịch sử, nhà sản xuất phim Bích Liên đề xuất: “Các ê kíp làm phim cần chủ động tham khảo tài liệu từ các hội nhóm, những người nghiên cứu trẻ về dạng thức của các loại trang phục để thực hiện sao cho không quá sai lệch; hoặc có thể trưng cầu lấy ý kiến trên các fanpage về mẫu trang phục đó để điều chỉnh kịp thời nếu sai sót, thì sẽ đỡ gây tranh cãi và thiệt hại khi phim ra mắt”.

Theo thanhnien