Ngày đi học, tôi mong mọi bài thi của mình đều được điểm 10. Sau khi ra trường, tôi mong cuộc đời mình mãi được 10 điểm: vào trường đại học tốt, có được công việc lương cao tại một công ty tốt, gặp một người bạn đời sáng sủa, lịch sự, sống trong một căn nhà tiện nghi ở trung tâm thành phố, tận hưởng cuộc sống vật chất đủ đầy.
Đây là tiêu chí của một cuộc đời điểm 10 điển hình. Tôi không chắc rằng mình có thực sự muốn thế hay không, nhưng ba mẹ và mọi người xung quanh đều muốn tôi như thế. Bức tranh đó được vẽ trong lòng mọi người quá đỗi giống chiếc hộp sắt không kẽ hở. Nó đè bẹp chúng ta ngay khi chúng ta manh nha muốn sống một cuộc đời đúng nghĩa.
"Hãy cố gắng hơn nữa". Tôi nghe câu nói đó mỗi ngày từ gia đình, trường lớp, đến mọi chương trình truyền hình: Vượt lên số phận, Tấm gương vượt khó học giỏi… và ám ảnh tôi đến mức mọi sự thất bại trong cuộc đời như trượt đại học, không tìm công việc được mức lương cao… đều do tôi chưa đủ cố gắng.
Tôi thầm hỏi, nếu tôi được điểm 1 trong kỳ thi hay sau này chỉ có một công việc bình thường với mức lương bình thường thì như thế nào?
Trong Quyền tách khỏi đám đông, tác giả Jung Heejae xem trường hợp gắng sức này là hình thức "tự bóc lột". Tác giả đã cảnh báo, nếu xã hội hiện đại cứ đi theo hướng này thì thời đại mà chứng trầm cảm, căng thẳng thần kinh trở thành căn bệnh quốc dân, phổ biến như cảm cúm sẽ không còn xa.
Jung Heejae dẫn câu chuyện hồi đầu năm 2001, tỉnh trưởng Masuda Hiroya ở Nhật Bản đã cho quảng cáo trên báo về "Phong trào không cố sức". Người dân Nhật Bản trên toàn quốc mở trang báo ra thì trong đó in đầy các trang quảng cáo "Chúng ta làm ơn đừng cố sức nữa", "Hãy sống chậm lại đi". Quảng cáo này báo động số đông về tình trạng kiệt sức trong xã hội 21.
Những chương trong Quyền tách khỏi đám đông giống như chiếc máy trợ thở vô hình, khiến cảm giác ngột ngạt bức bối của những ai đang phải gồng mình quá sức được dịp lắng xuống. Hãy hít một hơi thật sâu và nếu nhận ra bạn đã căng mình quá đáng, hãy điều chỉnh lại tâm thế của bản thân.
Jung Heejae đề cập rằng, chúng ta ở trường được dạy rất nhiều thứ, nhưng điều ta cần nhất là kỹ năng hạnh phúc thì lại không được dạy.
Quyền tách khỏi đám đông không cổ động thói lười biếng hay phóng túng, cũng không khuyến khích mọi người làm ngược lại mọi quy chuẩn, cuốn sách chỉ muốn nêu thông điệp rất rõ ràng rằng, chừng nào bạn còn vắt giò lên cổ để chạy theo một hình mẫu nào đó mà chưa từng ngừng lại trò chuyện với bản thân, thì ngày đó bạn chưa thực sự sống một phút giây nào cả.
Mỗi cuộc đời là chiếc khuôn do mỗi người tự nắn nên sao cho vừa với niềm hạnh phúc chính mình. Như một bản nhạc thiền, Quyền tách khỏi đám đông cho bạn chậm lại, hít thở để sau đó tự nhận ra, đã đến lúc chọn sống hạnh phúc theo cách của riêng mình.
Theo tuoitre