Quyết định 'đuổi cổ' du học sinh Mỹ gây bức xúc
Cập nhật lúc 12:18, Thứ tư, 08/07/2020 (GMT+7)
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nói việc 'đá đít' du học sinh có chương trình học online tại Mỹ là 'tàn nhẫn và bài ngoại'.
Hôm 6/7, cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo sinh viên quốc tế giữ visa F-1 và M-1 sẽ phải về nước nếu có chương trình học 100% online, trừ khi họ đổi sang chương trình học trực tiếp. Những người ở lại bị coi là cư trú bất hợp pháp, có thể bị trục xuất. Hiện chưa rõ bao nhiêu người sẽ bị ảnh hưởng. Quyết định này đang khiến nhiều sinh viên và chính trị gia bức xúc.
Thông tin được đưa ra cùng ngày Đại học Harvard tuyên bố sẽ chuyển tất cả khóa học sang hình thức online trong năm học mới do Covid-19. Harvard cũng hạn chế số sinh viên được phép sống trong khuôn viên trường.
Harvard là một trong những trường áp dụng học online trong mùa thu này. Ảnh: AP.
Theo Chronicle of Higher Education, 8-9% trường đại học ở Mỹ có kế hoạch chuyển sang giảng dạy trực tuyến trong khóa học mùa thu. Chủ tịch Đại học Harvard Larry Bacow bày tỏ: "Chúng tôi lo ngại chỉ đạo mới của ICE khiến sinh viên quốc tế, đặc biệt những người có chương trình học trực tuyến, chỉ có rất ít lựa chọn: chuyển trường hoặc về nước".
Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren nói: "Đá sinh viên quốc tế khỏi Mỹ ngay giữa đại dịch vì trường của họ chuyển sang học online. Thật vô nghĩa, tàn nhẫn và bài ngoại". Cực đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cũng có ý kiến tương tự.
Elizabeth Spiers - nhà báo kiêm giảng viên Đại học New York - cho biết nhiều sinh viên phụ thuộc vào visa và sẽ không thể theo chương trình học online vì khác biệt múi giờ giữa Mỹ và quốc gia của họ.
Furlonge-Walker, người đang có visa F-1 nói với BBC: "Tôi không thấy bất kỳ ý nghĩa hay lý do nào đằng sau quyết định này. Vào thời điểm mọi người đang cố gắng vực dậy tinh thần và trở lại bình thường, sao họ lại ra một quyết định gây ảnh hưởng đến nhiều người?".
Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy năm 2019 đã cấp hơn 373.000 visa. Nước này có hơn 1 triệu sinh viên quốc tế học chương trình đại học hoặc sau đại học trong năm 2018 - 2019. Số này chiếm khoảng 5,5% tổng số sinh viên cả nước. Trong đó, gần ba phần tư sinh viên đến từ châu Á - 48% là người Trung Quốc và 26% là Ấn Độ.
Theo Ione