|
|
Đại học Columbia tụt từ hạng 2 xuống hạng 18 vì khống dữ liệu. Ảnh:Xinhua. |
Mùa xếp hạng đại học đang quay trở lại, nhưng năm nay diễn biến có vẻ ảm đạm hơn mọi năm. Hôm 17/11, trường Luật Yale và trường Luật Harvard tuyên bố không tham gia xếp hạng về trường luật của US News & World Report.
Khi thông báo ngừng tham gia xếp hạng, trường Luật Harvard cho biết bảng xếp hạng của US News đang dựa trên số liệu về khoản vay của sinh viên nhằm khuyến khích các trường tuyển những em khá giả, không cần vay nợ.
Trường Luật Yale cũng nêu quan điểm những bảng xếp hạng này không khuyến khích trường hỗ trợ những sinh viên muốn theo đuổi sự nghiệp lợi ích công.
Trước đó, Đại học Columbia thừa nhận khống dữ liệu để được "leo top" trên bảng xếp hạng của US News. Những vụ việc này mở ra loạt tranh luận về việc bảng xếp hạng đại học có thực sự minh bạch và hữu ích.
Xếp hạng đại học vẫn được coi trọng dù gây tranh cãi
Tháng trước, Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang tăng bậc trong xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education. Nhưng vừa qua, QS lại cho hai trường rớt hạng trong danh sách đại học châu Á 2023.
Dù các bảng xếp hạng gây tranh cãi, những chủ đề liên quan thứ hạng của đại học địa phương vẫn là một chủ đề được quan tâm. Tại Singapore, nhiều người vẫn dựa trên những xếp hạng này để đánh giá chất lượng của trường đại học.
Giáo sư danh dự Arnoud De Meyer, trước đây là Chủ tịch Đại học Quản lý Singapore, nói với Straits Times rằng các trường vẫn quan tâm xếp hạng dù những xếp hạng này chỉ chú ý đến những tiêu chí như chất lượng hoặc đổi mới trong giáo dục, hoặc cách một trường đại học làm giàu cho cộng đồng địa phương.
Vừa qua, Bộ trưởng Nhân lực Singapore Tan See Leng thông tin Bộ Nhân lực đang xem xét các xếp hạng quốc tế để lập danh sách 100 trường đại học hàng đầu. Danh sách này sẽ được nhà tuyển dụng sử dụng để tuyển chọn chuyên gia nước ngoài.
Giáo sư Hiroshi Ono của trường Kinh doanh thuộc Đại học Hitotsubashi (Nhật Bản) nói với Insight rằng những bảng xếp hạng có ảnh hưởng rất lớn. Ông Ono từng nghiên cứu về những tác động của xếp hạng đại học và nhận thấy bảng xếp hạng tồn tại vì chúng thuận tiện. Thay vì mất thời gian, tiền bạc để điều tra danh tiếng, vị thế của trường, điều duy nhất chúng ta cần làm là tìm kiếm tên trường trên các bảng xếp hạng.
|
|
Các nhà tuyển dụng quan tâm năng lực ứng viên thay vì xem xét yếu tố xếp hạng, danh tiếng của trường. Ảnh:Pexels Image. |
Tuy nhiên, nhà tuyển dụng lại không hoàn toàn coi trọng những xếp hạng này. Bà Jaya Dass, Giám đốc điều hành bộ phận tuyển dụng của Randstad, cho biết các công ty sẽ kỳ vọng cao hơn với những sinh viên đến từ trường top.
Đối với nhà tuyển dụng, danh tiếng của trường một phần giúp ứng viên ghi điểm, nhưng điều họ quan tâm hơn cả là năng lực của ứng viên đó.
Tiến sĩ David Leong, Giám đốc điều hành của Peopleworldwide Consulting, nhận định thứ hạng đại học không giúp ích gì trong việc tuyển dụng. Điều được quan tâm hơn là độ tin cậy và giá trị cá nhân của ứng viên đó.
Ông Leong lấy ví dụ về 11 trường hợp gian luật trong kỳ thi Luật, nhiều người trong số đó đến từ những trường đại học hàng đầu. Tuy nhiên, những điểm mạnh về danh tiếng của trường cũng không thể che lấp những giá trị đạo đức của thí sinh đó.
Nhiều trường bất lợi vì thiếu nghiên cứu khoa học
Hiện nay, hầu hết bảng xếp hạng đại học đều dựa trên những chỉ số để đánh giá chất lượng của trường. Tuy nhiên, những yếu tố nói lên chất lượng của trường là giảng dạy và học tập lại không được quan tâm nhiều trong xếp hạng các cơ sở đại học.
Giáo sư Peter Coclanis, Giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu tại Đại học North Carolina (Mỹ), nhận thấy phương pháp luận của nhiều xếp hạng đang hướng đến số lượng tác phẩm, trích dẫn và nghiên cứu khoa học. Điều này có nghĩa là những đại học thiếu nghiên cứu khoa học sẽ gặp bất lợi.
Ông Coclanis cũng cho thấy bảng xếp hạng đang "định hình" hành vi của trường đại học. Cụ thể, nhiều trường kinh doanh đã hướng dẫn giảng viên xuất bản bài viết trên 50 tạp chí mà Financial Times (một tổ chức xếp hạng đại học) dùng để đo lường và xếp hạng các trường MBA.
Do đó, những trường này có xu hướng cùng theo đuổi một phương pháp tiếp cận khuôn mẫu trong nghiên cứu và giảng dạy. Điều này tạo ra một nguy cơ là các trường sẽ trở nên giống nhau.
Về phần mình, các trường đại học thanh minh xếp hạng đại học có giá trị như một chỉ số đánh giá hoạt động của trường, nhưng không nên coi những xếp hạng là chuẩn mực để đánh giá mọi thứ.
Giáo sư Bernard Tan, Phó giám đốc cấp cao của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết bảng xếp hạng cung cấp những đánh giá độc lập về vị thế của trường đại học dựa trên phương pháp luận đã chọn.
Tuy nhiên, những xếp hạng này lại không nắm bắt được những thông tin hữu ích như chất lượng giảng dạy, khả năng tìm việc của sinh viên sau tốt nghiệp, cuộc sống của sinh viên, sự đa dạng của các chương trình hỗ trợ tài chính...
Một phát ngôn viên của Đại học Công nghệ Nanyang cũng nói rằng xếp hạng cung cấp thông tin tham khảo hữu ích cho đại học trẻ, để trường đó tự so sánh sự phát triển của mình so với những đại học lâu đời. Tuy nhiên, những xếp hạng đó không giúp họ đo lường toàn diện những điểm mạnh và sứ mệnh riêng biệt của trường trong việc phục vụ cộng đồng và xã hội.
Đáp lại những thắc mắc liên quan việc xếp hạng, QS và Times Higher Education cho biết xếp hạng của họ cung cấp những thông tin chi tiết riêng biệt, dựa trên những dữ liệu độc lập để sinh viên có thể so sánh các trường đại học trên thế giới.
Cả hai tổ chức cũng cho biết họ có quy trình đảm bảo chất lượng để giữ trọn tính toàn vẹn của dữ liệu. Nếu bảng xếp hạng chính so sánh quy mô của trường, bảng xếp hạng lẻ lại so sánh sự đa dạng của các trường đại học với những mục tiêu cụ thể hơn.
Ông Andrew MacFarlane, Giám đốc xếp hạng của QS, nói rằng những xếp hạng được coi trọng vì các trường đại học có thể dựa vào đó để thể hiện sự khác biệt và thu hút sinh viên trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Theo zingnews