Các nhà sinh vật học đã làm một thực nghiệm: Thả khoảng hơn chục con nhím gai ra ngoài bãi đất trống trong những ngày mùa đông giá lạnh. Để sưởi ấm, những con nhím này liền quây quần một chỗ theo bản năng, nhưng khi đến gần, chúng sẽ bị gai của những con bên cạnh đâm nên phải tách nhau ra.
Vì lạnh, chúng lại áp sát, lại bị gai đâm, lại tản ra, rồi lại áp sát… Sau vô số lần vật lộn giữa bị đóng băng và bị đâm, cuối cùng những con nhím cũng tìm được một khoảng cách thích hợp, để có thể sưởi ấm lẫn nhau mà không bị gai đâm.
Đây là “quy luật con nhím” trong tâm lý học, nhấn mạnh vào “hiệu ứng khoảng cách tâm lý” trong mối quan hệ giữa các cá nhân.
Giữ khoảng cách thích hợp mới có thể thoải mái bên nhau, không vượt quá giới hạn mới có thể đồng hành cùng nhau lâu dài. Giữa người với người chung sống xưa nay đều như vậy, khoảng cách quá xa hoặc quá gần đều là thảm họa.
Ảnh minh họa.
Trong đời chắc hẳn bạn đã từng gặp kiểu người này: Rõ ràng không thân thiết nhưng họ luôn hỏi bạn: "Đã mua nhà chưa, có xe chưa, lương bao nhiêu, bao giờ kết hôn, sao chưa sinh con?”.
Những câu hỏi riêng tư và có tính tò mò kiểu này sẽ khiến người ta có phần khó xử.
Bạn cần phải suy nghĩ kỹ về những gì nên nói và những gì không nên nói. Sự giáo dục của con người và trí tuệ cảm xúc thường được phản ánh theo ý nghĩa cân đối trong giao tiếp giữa các cá nhân.
Chúng ta cần biết rằng cuộc sống có những giới hạn và sẽ có tai họa nếu bạn vượt qua nó. Không tỏ ra thân thiết với người quen sơ chính là tôn trọng người khác, đó cũng là thể hiện sự tu hành của bản thân.
Một số người có thể mong muốn thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với người khác nên họ gọi nhau là anh em và trò chuyện thân tình ngay khi mới bắt đầu. Như mọi người đều biết, một mối quan hệ thực sự vững chắc được tạo dựng theo thời gian và không thể giả tạo bằng vài lời nói.
Khi kết giao với mọi người, thực sự không cần phải vội vàng, tình cảm đến đâu thì hãy làm đến đó; đừng nên “quan hệ ba phần, nhiệt tình bảy phần”.
Bạn sẽ luôn tìm được người cho phép bạn nói những gì bạn muốn mà không cần dè dặt, nhưng cho đến lúc đó, hãy cẩn thận với những gì bạn nói và những gì bạn làm.
Biết quan hệ như thế nào, biết nói gì là biểu hiện sự trưởng thành thực sự của một người.
Có câu nói: “Đối với người thân, khoảng cách là sự tôn trọng; đối với vợ chồng, khoảng cách là sự mỹ lệ; đối với bạn bè, khoảng cách là sự bảo vệ; đối với đồng nghiệp, khoảng cách là sự hữu hảo; đối với người xa lạ, khoảng cách là lịch sự”.
Ảnh minh họa.
Mối quan hệ thoải mái nhất không bao giờ là thân mật mà là duy trì một khoảng cách nhất định.
Có một cặp vợ chồng già ở Nhật Bản, ông rất tinh tế tỉ mỉ và kỹ càng chu đáo, còn bà thì tùy tiện bất cẩn và có phần cẩu thả. Tuy tính cách hai người rất khác nhau nhưng họ lại có cuộc sống đằm thắm và êm đềm. Bởi vì bí quyết của họ rất đơn giản: không can thiệp quá nhiều đến cuộc sống của đối phương.
Ông không thích ăn rau, bà cũng không vì “ăn rau tốt” mà ép ông ăn; còn khi bà muốn mua thứ gì đó, ông cũng không cản trở bà mà chỉ cần “bà vui là được”. Mặc dù đôi khi cũng không tránh khỏi xích mích xung đột, nhưng họ sẽ không nói những lời gay gắt ác độc mà nhẫn nại câu thông, lý giải lẫn nhau.
Tình yêu cần có “khoảng cách” thích hợp chứ không phải “xa cách”, quan hệ cần có “giới hạn” chứ không phải “cục hạn”.
Khoảng cách phù hợp là cách tốt nhất để chúng ta thể hiện tình yêu của mình. Ngay cả những người bạn đời thân thiết nhất cũng là hai người độc lập, cũng cần không gian và sự tự do riêng.
Tục ngữ có câu: “Cá để ba ngày sẽ bốc mùi, khách ở ba ngày sẽ chán ghét” chính là nói về đạo lý này. Món cá dù thơm ngon đến đâu, để mấy ngày cũng sẽ bốc mùi; khách dù thân thiết đến mấy, ở lâu ngày cũng sinh ra chán ghét.
Điều này nói lên rằng bất kỳ việc gì cũng không thể quá mức. Chỉ có một khoảng cách thích hợp mới có thể giảm bớt xích mích, tranh chấp không cần thiết và khiến nhau thoải mái hơn.
“Xã giao nghìn vạn điều, khoảng cách điều đầu tiên”, trong xã giao có hàng nghìn vạn điều cần biết cần học mà trong đó khoảng cách là điều trước tiên.
Ttrong phần đời còn lại, chúng ta nên sẽ cố gắng là một người giữ ý thức chừng mực để khiến người khác thoải mái và bản thân mình dễ chịu, nó không chỉ dừng lại ở phép lịch sự mà còn là không thẹn với lòng.
Theo giadinhonline.vn