Sài Gòn chuyện đời của phố như chính tên gọi của nó, đã bộc lộ
cái đặc tính đô thị của Sài Gòn
Bắt những điều tưởng chừng không có tự sự phải lên tiếng, Phạm Công Luận cũng kể câu chuyện của chính mình, câu chuyện của một người đi sưu tập những "mẩu Sài Gòn", mà từ những "mẩu" ấy, biết bao ý tưởng được khơi gợi cho những công trình dài hơi khác.
Cuộc kiểm kê này phải diễn ra, và may mà Phạm Công Luận đã làm điều đó, một cuộc kiểm kê là cần thiết bởi ta cần phải hiểu rõ thành phố ta đang sống, đã có những gì và sắp mất những gì.
Một tiếng ngâm thơ trong chương trình phát thanh Tao Đàn, một bức ảnh chân dung ngả màu trong hiệu ảnh qua bao biến cố…
Hôm qua chúng ta mất đi màu gạch lát trong đại sảnh khách sạn, hôm nay chúng ta mất đi một hàng cây trên con đường đầy thơ nhạc.
Rồi ngày mai chúng ta còn mất những gì?
Sài Gòn của chúng ta rồi sẽ còn lại những gì?
Sài Gòn chuyện đời của phố như chính tên gọi của nó, đã bộc lộ cái đặc tính đô thị của Sài Gòn, trong đô thị ấy có những điều cao sang, có những thứ bình dân.
Đô thị ấy vừa chất phát ở cái thuở sơ kỳ hình thành nên đô thành một thuở, đồng thời thể hiện được nét quý phái, thanh lịch của một trong những thành phố phát triển bậc nhất, lại vừa mang tính mở, tính dung nạp như là cốt cách của Nam bộ.
Chúng ta có thể thấy những điều căn cốt ấy được duy trì, nhưng cũng có những giá trị tốt đẹp đang dần phai lạt, chúng ta có thể dễ dàng đổ cho quy luật. Cái quy luật muôn thuở của sự phát triển và đánh đổi cho sự phát triển.
Tôi sợ rằng những gì viết ra trong bộ sách Sài Gòn chuyện đời của phố, mai sau, lại trở thành câu chuyện cổ tích mà nàng công chúa ngủ quên nơi đấy mang tên Sài Gòn.
Có lẽ ý thức được điều đó, Phạm Công Luận quyết định dừng bộ sách của mình ở con số 5. Công việc kiểm kê vẫn chưa hoàn tất, nhưng phụ bản Sài Gòn phong vị báo xuân xưa như món quà chia tay khép lại công trình kéo dài nhiều năm của Phạm Công Luận.
Thời gian trôi qua như một lời hẹn, mỗi năm một tập ra đời, nói tiếp những điều chưa kịp nói. Nhưng rồi hành trình nào cũng phải đến điểm dừng.
Năm năm, năm tập sách, một phụ bản Sài Gòn phong vị báo xuân xưa, hành trình đi xuyên qua những con phố Sài Gòn, lắng nghe lời của từng viên đá, phím đàn, từng mẩu báo nhỏ… lắng nghe lời thì thầm của chúng, để chuyển lại cho thế hệ những người yêu Sài Gòn tiếp theo, hành trình ấy, Phạm Công Luận đã hoàn tất.
Phạm Công Luận như làm hộ cho các cây bút viết về Sài Gòn thế hệ sau cái việc kiểm kê các món "đặc sản" của Sài Gòn, một Sài Gòn của hôm qua, của hồi ức và kỷ niệm, của nhớ và quên.
Ông làm cái việc kiểm kê của mình thật chậm, thật tỉ mỉ, từ những điều nhỏ bé thân thuộc như chuyện Gặm bánh mì ở Sài Gòn, Tiếng rao trên đường phố Sài Gòn, Gỏi khô bò ông già của "Ông già Chemises Noire"…
Những thứ vẫn ngày ngày hiện diện trong một Sài Gòn hiện đại hóa của hôm nay, mà bản thân chúng đã chứa đựng trong mình một lịch sử.
Theo Tuổi trẻ