Nghệ sĩ Chí Trung tiết lộ, sân khấu kịch phía bắc đang ngã ngựa, vì làm ra không có người xem

Đó là hướng đi mới của Nhà hát Tuổi Trẻ, giữa thời sân khấu kịch ế khách, chẳng có người xem. 

Nghệ sĩ không thể “sống mòn” nhờ tiền ngân sách mãi!

Những ngày qua, câu chuyện Hãng Phim truyện Việt Nam làm ăn thua lỗ, nợ đến hơn 20 tỉ đồng tiền thuê đất gây xôn xao dư luận. Trong khi các nghệ sĩ thắc mắc về chuyện chậm trả lương, người dân cũng đặt câu hỏi: Tại sao phải đóng thuế để nuôi hãng phim - nơi cho ra đời những bộ phim chỉ bán được vài vé và lỗ suốt 20 năm nay?

Đặc biệt không chỉ hãng phim, hàng loạt nhà hát ở Hà Nội cũng đang lâm vào cảnh ế khách, nghệ sĩ miệt mài dựng vở, nhưng chẳng có khán giả mua vé. Thậm chí, có nơi phát vé mời còn không đắt.

Từng có nhiều năm lăn lội với sân khấu kịch, NSƯT Chí Trung thẳng thắn tiết lộ: “Tôi phải nói sự thực, có những vở diễn chúng tôi làm rất hay, nhưng không thể giúp nhà hát sáng đèn liên tục. Chua xót, có đêm diễn bán được 9 vé”.

Có phải vì điều này mà nghệ sĩ phía bắc, do các nhà hát đang được bao cấp, nên thụ động, chiều chuộng bản thân và không dám dấn thân làm một điều gì mới mẻ hơn để lôi kéo khán giả?

Trả lời câu hỏi này, nghệ sĩ Chí Trung thừa nhận: “Nghệ sĩ phía bắc quen với nếp nghĩ cái gì làm ra cũng có người xem. Và bây giờ chúng ta đang bị ngã ngựa, hóa ra chẳng ai xem cả.

Đơn giản vì chúng ta làm ra những cái rất giống nhau, trung tính, nửa vời và không vì khán giả. Tôi nghĩ các nghệ sĩ sân khấu kịch phía bắc cần “chuyển mình”, không thể sống mòn nhờ tiền ngân sách mãi được”.

Muốn tồn tại, phải thay đổi

Theo lộ trình, đến năm 2020, 12 nhà hát đồng thời là đơn vị sự nghiệp của Bộ VHTTDL sẽ phải thực hiện việc tự chủ 100% kinh phí hoạt động của mình. Nếu cắt “bầu sữa ngân sách”, sân khấu kịch Hà Nội sống sao?

NSƯT Chí Trung chia sẻ hướng anh và các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ đi: “Tôi nghĩ lúc này tất cả nghệ sĩ ở các nhà hát đều đang ngồi lại bàn, để tìm cách. Với Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi cho rằng chỉ sân khấu ca nhạc mới mở khóa được trái tim xã hội. Chúng tôi đã bắt đầu khởi động dự án “Đồng hành 100 năm âm nhạc Việt Nam” với 24 đêm nhạc trong nhiều năm, mở đầu là các đêm nhạc Lam Phương.

Mọi người cứ nói đang làm chính kịch mà chuyển sang ca hát, hay bolero là bán mình. Tôi lại nghĩ nghệ sĩ là phải phục vụ quần chúng, phục vụ số đông. Bolero thì đã sao, không có chuyện sang hèn, hay thụt lùi ở đây. Nghệ sĩ nếu cứ ôm lấy thánh đường của mình, dưới hàng ghế khán giả không có một ai, thì cũng chẳng có ý nghĩa gì?”.

                                                                                Theo Lao động.vn