Cảnh quay 14 chàng trai bị trói tay vào nhau, nằm chịu đựng từng cơn sóng mạnh đập vào người đạt hơn 12 triệu lượt xem.

Trên bờ biển vắng người vào buổi tối, 14 người đàn ông mặc quân phục bị trói tay vào nhau, nằm trên bãi cát lạnh lẽo. Hết đợt sóng này đến đợt khác đập vào người khiến họ rùng mình, khó thở.

Bài tập luyện kết thúc sau hơn 1 giờ. Người chỉ huy ra lệnh cả đội đứng dậy, về tư thế sẵn sàng và tiếp tục hành quân.

Cảnh quay thuộc show truyền hình thực tế Fake Men (Hàn Quốc) thu hút hơn 12 triệu lượt xem. Theo nhà sản xuất, chương trình ra đời để huấn luyện các chàng trai thành những người đàn ông đích thực.

Mùa đầu tiên, kênh YouTube Physical Gallery hợp tác với cơ quan tư vấn quân sự Musat để xây dựng mô hình trại lính, nơi người tham gia phải trải qua kỳ huấn luyện kéo dài trong một tuần.

Các bài luyện tập được quảng cáo là thiết kế cho lực lượng tinh nhuệ của Hải quân Hàn Quốc. Đội ngũ hướng dẫn sẽ liên tục đưa ra những thử thách khó nhằn, đòi hỏi mỗi người phải có sức chịu đựng cao lẫn vượt qua giới hạn bản thân.

Chương trình có độ phủ sóng cao song sớm kết thúc sau mùa đầu tiên vì nhiều bê bối.

"Chương trình làm tôi muốn thử thách bản thân"

Những màn luyện tập theo phong cách quân đội nhanh chóng thu hút khán giả Hàn Quốc. Vào thời điểm mùa đầu kết thúc, kênh YouTube của chương trình có hơn 3,2 triệu lượt đăng ký và 56 triệu lượt xem, trong khi người chơi cũng trở nên nổi tiếng sau một đêm.

Trung úy Lee Geun, người hướng dẫn chính cho cả đội, trở thành ngôi sao YouTube với hơn 740.000 người đăng ký và xuất hiện thường xuyên trên các show truyền hình, quảng cáo.

Câu cửa miệng “Bạn có vấn đề về thái độ không?”, “Ngay cả bà tôi cũng có thể chạy nhanh hơn thế” trở nên viral và được nhắc đến nhiều trên diễn đàn mạng lẫn các phương tiện truyền thông Hàn Quốc.

Sau thành công này, mùa hai của Fake Men được xúc tiến với kinh phí sản xuất 100 triệu won (87.000 USD).

Show thực tế Fake Men được quảng cáo huấn luyện các chàng trai theo những bài tập dành cho đội ngũ lính tinh nhuệ của Hàn Quốc.

Thí sinh mùa mới cũng cần cạnh tranh hơn để có một vị trí cho đội hình. Một VĐV từng đạt huy chương Olympic, một cựu huyền thoại bóng đá và một ca sĩ nổi tiếng sẽ góp mặt là những gì chương trình quảng bá về mùa thứ hai.

Lý giải về việc show truyền hình huấn luyện đàn ông đích thực thu hút lượt người đăng ký tham gia đông đến vậy, hầu hết khán giả hâm mộ cho biết họ muốn những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình, giống với điều họ nhìn thấy được ở những chàng trai.

Sam Kim, á quân của chương trình K-pop Star 3, cho biết anh từng trải qua tình trạng kiệt sức và không còn khả năng sáng tạo âm nhạc.

“Tôi cảm nhận được rất nhiều điều sau khi xem Fake Men mùa 1. Tôi quyết định đăng ký tham gia làm người chơi”, Sam chia sẻ.

Choi Tae-il (29 tuổi) từng nghĩ đến việc nghỉ làm tại trường trung học trong vài tháng qua. Tuy nhiên, khi bắt đầu xem Fake Men vào tháng 8, anh bắt đầu tin rằng mình “nên nỗ lực làm tốt hơn”.

“Nhìn cảnh các thí sinh nghiến răng khiêng chiếc thuyền nặng 110kg qua đầu, tôi cũng muốn để bản thân trải qua thử thách. Nó nhắc nhở rằng tôi không phải là người duy nhất mất tự tin và cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống”, anh nói.

Đối với Kim Kyeong-sung (32 tuổi), chương trình đã mang lại cho anh sự tự tin để vượt qua thời kỳ khó khăn vì đại dịch.

“Đầu tiên, tôi băn khoăn liệu các chàng trai có thể chịu được những yêu cầu quá sức như vậy nhưng các thí sinh đã chứng tỏ sự kiên trì của họ theo thời gian. Tôi sẽ cố gắng tiếp tục mài dũa như các thí sinh trong Fake Men”, người đàn ông đang đối mặt với tình trạng công việc bấp bênh, khẳng định.

Với nhiều người xem, cảm giác nhìn các thí sinh trải qua nhiều thử thách khó nhằn đem lại cho họ nguồn động lực mới.

HLV, người chơi bị tố quấy rối tình dục

Mặc dù phủ sóng rộng rãi và truyền cảm hứng cho nam giới Hàn Quốc, Fake Men vẫn vấp phải nhiều tranh cãi và đột ngột dừng sản xuất giữa lúc là chủ đề hot của người xem.

Đầu tiên, Trung úy Lee Geun bị cáo buộc nợ nần chồng chất và từng bị sa thải khỏi quân đội do có hành vi tình dục sai trái.

Sau đó, các người chơi khác là Logan, Jung Eun-joo cũng vướng vào lùm xùm tương tự, liên quan đến truy cập trang web mại dâm và từng nhắn tin gạ tình thô lỗ.

Khi các bình luận tiêu cực bắt đầu tăng lên, Physical Gallery đã quyết định xóa toàn bộ các tập của Fake Men được đăng tải trên YouTube.

Trong thông báo, các nhà sản xuất cho biết "chịu trách nhiệm đạo đức về những tranh cãi gần đây" và "tạm dừng mọi hoạt động để suy nghĩ và sớm trở lại".

Tuy phủ sóng, show đào tạo đàn ông đích thực sớm bị hoãn sản xuất vì những thử thách bị coi là nguy hiểm cho người tham gia.

Tuy nhiên, Fake Men nhiều khả năng bị hoãn vô thời hạn. Bên cạnh những vụ bê bối đời tư làm hoen ố danh tiếng chương trình, nhiều khán giả cũng chỉ trích tính chất tàn nhẫn và nguy hiểm của các thử thách.

Một người bình luận tự xưng là cựu sĩ quan hải quân từng trải qua quy trình huấn luyện đặc biệt của quân đội Hàn Quốc chỉ trích rằng các chàng trai đã bị ép tập quá mức mà không có hướng dẫn, khẩu phần ăn hay sự chăm sóc thích hợp.

“Khóa đào tạo tinh nhuệ mà tôi biết có hệ thống và rất chuyên nghiệp. Tôi tự hỏi liệu đây có thực sự là chương trình tập luyện được tổ chức bởi những người đã trải qua nó”, người này viết.

Nhận xét này nhận được hàng nghìn lượt thích trước khi bị xóa.

Trong tập thứ tư của chương trình, một số chàng trai đã nôn mửa ngay trước máy quay và bất tỉnh sau khi chạy dưới trời nắng nóng hàng giờ mà không được phép nạp thức ăn, nước uống.

Dù hâm mộ cuồng nhiệt show thực tế này, Kim Kyeong-sung cũng tin rằng ê-kíp đã chọn chiếu những cảnh giật gân để tận dụng giá trị giải trí của nó.

Tuy nhiên, anh ấy vẫn cho rằng Fake Men đã cung cấp động lực tốt cho khán giả từ mồ hôi và nước mắt của các thí sinh.

Kim cho biết anh vẫn muốn thử sức đăng ký tham gia nếu chương trình trở lại.

“Tôi từng quen với việc gác lại hoặc do dự trong các quyết định vì quá thận trọng với những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Giờ tôi đã sẵn sàng cho một thử thách mới”, Kim quả quyết.

Theo zingnews