leftcenterrightdel
Bên cạnh giữ chân giáo viên, Singapore cần thu hút thêm nguồn lực cho ngành mầm non. 

Một trong những chính sách mới là thu hút nguồn lao động là người làm trái ngành.

Một trong những thử thách mà giáo viên mầm non Nicole Chin, sống tại Singapore, phải đối mặt trong 1,5 năm qua là tìm cách xin nghỉ phép khi bị ốm. Nicole cho biết do tình trạng thiếu giáo viên, cô cảm thấy áy náy nếu xin nghỉ phép, kể cả khi bản thân mắc bệnh.

“Nghỉ phép cũng là vấn đề khó khăn với chúng tôi vì chỉ có vừa đủ giáo viên cho mỗi lớp. Chúng tôi không có giáo viên hỗ trợ trong các tình huống phát sinh”, cô Nicole cho biết.

Tương tự, một giáo viên mầm non Singapore giấu tên cho biết thường phải soạn giáo án vào cuối tuần vì không đủ thời gian làm việc trong tuần. Cô ấy nghe nói một số giáo viên bị khiển trách vì nghỉ phép. Nếu muốn sử dụng ngày nghỉ phép, người này phải viết đơn xin nghỉ trước 6 tháng.

“Rất nhiều giáo viên Singapore đang rời bỏ ngành mầm non dù bắt đầu với tất cả đam mê”, nữ giáo viên cho biết.

Thiếu giáo viên mầm non đang là vấn đề nhức nhối đối với ngành Giáo dục Singapore. Vào tháng 10, Cơ quan Phát triển Trẻ em (ECDA) cảnh báo trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ tiêu hao trong lĩnh vực mầm non dao động từ 10 – 15%.

Ngày 29/10, Bộ trưởng Phát triển Gia đình và Xã hội Masagos Zulkili cho biết, chính phủ đang cân nhắc ban hành thay đổi nhằm cải thiện phúc lợi và điều kiện làm việc của giáo viên mầm non.

Những thay đổi bao gồm mở cửa trung tâm chăm sóc trẻ em vào thứ 7 để giáo viên các trường mẫu giáo có thêm thời gian nghỉ ngơi. Đồng thời, cân nhắc quy định nghỉ phép và chế độ bảo hiểm đối với giáo viên mầm non.

Ngoài ra, giáo viên mầm non kỳ vọng trong 2 năm tới có thể được tăng lương từ 10 – 30%. Điều này đồng nghĩa mức lương hàng tháng của giáo viên mầm non sẽ nâng lên từ 2.900 – 6.600 USD (khoảng 71,9 – 163,6 triệu đồng) vào năm 2024, tùy vào kinh nghiệm, kỹ năng và hiệu quả công việc.

Bên cạnh giữ chân giáo viên, ngành cũng cần thu hút giáo viên mới. Bộ trưởng Masagos cho biết, ngành giáo dục mầm non cần thêm 3.500 giáo viên vào năm 2025 với 3/4 mức tăng trưởng đến từ những người mới vào nghề. Họ có thể là sinh viên mới tốt nghiệp hoặc là những người lao động muốn chuyển ngành.

Hiện nay, để tạo điều kiện mở rộng lực lượng giáo viên mầm non, Singapore cho phép người lao động làm trái ngành theo học Chương trình Chuyển đổi Nghề nghiệp thời thơ ấu (ECCCP) do Viện Phát triển Trẻ em quốc gia Singapore (NIEC) hoặc Viện Quốc tế KLC (KLCII) cung cấp. Chương trình này giúp họ trau dồi các kỹ năng chăm sóc trẻ em cần thiết.

Ngoài ECCCP, người lao động trong độ tuổi trung niên có thể đăng ký các khóa học cấp chứng chỉ mầm non do NIEC hoặc các cơ quan đào tạo tư nhân cung cấp để trở thành giáo viên mầm non.

Câu chuyện của thầy giáo Reuben Cheng, 48 tuổi, là một ví dụ. 7 năm trước, khi đang làm cho một cơ quan nhà nước, thầy Reuben quyết định nghỉ việc và chuyển sang lĩnh vực mầm non. Người đàn ông muốn theo đuổi đam mê giúp đỡ trẻ em có nhu cầu đặc biệt.

Sau khi lấy chứng chỉ giảng dạy nhu cầu đặc biệt, ông Reuben đang làm việc trong Chương trình Can thiệp sớm dành cho Trẻ sơ sinh và Trẻ nhỏ Singapore. Trong vai trò mới, thầy giáo đã được đồng nghiệp, cán bộ quản lý hỗ trợ và trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng làm việc với trẻ nhỏ.

Hiện nay, nguồn nhân sự làm trái ngành đang bổ sung cho số lượng giáo viên mầm non Singapore, phần nào làm chậm khủng hoảng thiếu giáo viên tại nước này.

Theo GD&TĐ