leftcenterrightdel
 Sinh viên Anh, đặc biệt người từ tầng lớp lao động, đối mặt với khủng hoảng giá cả. Ảnh:iStock.
 

Cụm từ “khủng hoảng chi phí sinh hoạt” gợi lên hình ảnh các gia đình đang phải vật lộn để nuôi con cái và giữ ấm cho con trong mùa đông. Tuy nhiên, thực tế ở Anh, một nhóm nhân khẩu học khác không được đề cập đến dù một nửa trong số họ phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm. Họ là sinh viên đại học.

Hầu hết sinh viên vừa kết thúc năm học đặc biệt khi việc học tiến hành trực tuyến, đại dịch ảnh hưởng đến kết quả A-level và các kỳ thi cuối cấp khác cũng như quá trình chuyển tiếp lên đại học. Trên hết, giờ đây, họ phải vật lộn với khủng hoảng tài chính.

Cắt giảm cả nhu cầu thiết yếu

Tình hình còn khó khăn hơn đối với sinh viên thuộc tầng lớp lao động. Phân tích của Viện Nghiên cứu Tài khóa và tổ chức từ thiện giáo dục Sutton Trust cho thấy sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chiếm tỷ lệ thấp nhất tại các đại học danh tiếng.

leftcenterrightdel
 Nhiều sinh viên ở Anh đang phải chọn lựa giữa ăn uống hay học hành. Ảnh:Alamy. 

Thực tế, từ trước cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều sinh viên đã phải làm thêm để lo liệu việc học đại học. Công việc bán thời gian có thể mang lại những kỹ năng quý giá. Tuy nhiên, điều quan trọng, sinh viên phải duy trì sự cân bằng giữa công việc và học tập. Làm việc quá nhiều giờ có thể tác động tiêu cực đến việc học đồng thời gây kiệt sức.

Nhiều trường đại học khuyến nghị sinh viên làm việc tối đa 15 giờ/tuần. Mặc dù vậy, một nghiên cứu tiết lộ 9% sinh viên làm việc 21-30 giờ/tuần và 11% làm việc hơn 31 giờ.

Rõ ràng, điều này không bền vững. Nhưng đối với một số người, nó là điều không thể tránh khỏi. Làm thêm là cách duy nhất để họ duy trì cuộc sống.

Một sinh viên Birmingham, người đã làm thêm trong suốt thời kỳ đại học, chia sẻ không có sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ, người này phải cắt giảm những thứ không cần thiết, các buổi đi chơi, tiệc tùng, thậm chí không mua giày mới khi giày hỏng chỉ để đảm bảo đủ tiền học đến khi tốt nghiệp.

Với nhiều người, làm thêm không phải là mong muốn mà là điều cần làm để trả tiền thuê nhà. Khi giá cả tăng lên, việc làm thêm với thời gian như hiện tại thậm chí không đủ. Tính đến tháng 6, 11% sinh viên phải nhờ đến hỗ trợ từ ngân hàng thực phẩm.

Mặc dù sinh viên thuộc tầng lớp lao động chịu ảnh hưởng nhiều hơn, người học tầng lớp trung lưu cũng không tránh khỏi khó khăn tài chính. Nhiều người sống phụ thuộc vào cha mẹ để có chi phí sinh hoạt trong khi bản thân người lớn vẫn phải vật lộn để trang trải cuộc sống.

Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 3, 73% phụ huynh và 66% sinh viên cho biết họ “rất lo lắng” về chi phí sinh hoạt tại trường đại học. Nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra 36% phụ huynh gặp khó khăn trong việc hỗ trợ tài chính cho bản thân cũng như con cái của họ ở trường đại học. Họ đã phải tìm kiếm cách khác: 10% phụ huynh vay ngân hàng, 3% đã tái thế chấp nhà của họ để duy trì sinh hoạt và nuôi con.

Không thể bỏ mặc sinh viên chọn giữa học hoặc ăn

Cuộc sống khó khăn đến mức người ta phải đặt câu hỏi liệu cố lấy tấm bằng có thực tế với những người đang phải làm việc nhiều giờ để kiếm sống không. Thực tế đó chắc chắn khiến nhiều em từ bỏ đại học.

Đối với nhiều sinh viên thuộc tầng lớp lao động, các khoản vay tài chính tối đa dành là cách duy nhất để họ có thể đủ khả năng vào đại học. Tuy nhiên, thực trạng các khoản vay không tăng theo mức tăng của chi phí sinh hoạt khiến nhiều người có thể bỏ lỡ giấc mơ vào đại học, hoàn toàn vì vấn đề tiền bạc.

Chelsie Henshaw, nhà báo của The Guardian, từng nghĩ chính phủ sẽ không tiếp tục ngồi nhìn thảm họa này xảy ra. Nhưng ngân sách hỗ trợ sinh viên quá ít. Bà Henshaw lo ngại nhiều người trẻ sẽ không tiếp cận được nguồn hỗ trợ để có thể vào đại học như bà hồi trước.

Theo bà, lẽ ra, sinh viên không cần làm những việc ảnh hưởng đến học hành để duy trì cuộc sống ở đại học và phụ huynh cũng không cần thiết hy sinh tài chính để nuôi con như vậy. Vì thế, bà Chelsie Henshaw cho rằng chính phủ cần tăng mức vay theo mức lạm phát hoặc cung cấp gói hỗ trợ chi phí sinh hoạt phù hợp cho sinh viên.

"Ở góc độ con người, chính phủ không thể buộc sinh viên phải lựa chọn giữa học và ăn. Trên bình diện xã hội, chính phủ phải khẩn trương dồn nhiều tiền hơn cho giáo dục. Sau tất cả, những sinh viên này một ngày nào đó sẽ điều hành đất nước. Đầu tư vào giáo dục của họ là đầu tư vào tương lai của chúng ta", nhà báo Henshaw nêu quan điểm.

Theo zingnews