Đây là cuộc khảo sát được thực hiện trong tháng 1 và 2.2023 với hơn 8.500 sinh viên thuộc Hiệp hội sinh viên nhóm Russell (Russel Group), theo tờ The Observer (Anh). Russel Group đại diện cho 24 tổ chức giáo dục ĐH hàng đầu của Anh, bao gồm ĐH Oxford, ĐH Cambridge, ĐH UCL và ĐH Edinburgh.
Truyền thông Anh như tờ The Guardian và The Observer cho rằng kết quả cuộc khảo sát phản ánh tác động của tình trạng giá cả tăng cao (còn được gọi là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt) đối với đời sống sinh viên. Cụ thể, 1/4 sinh viên tham gia khảo sát thường xuyên bị thiếu thức ăn và các nhu yếu phẩm khác.
Bên cạnh đó, hơn 50% sinh viên được khảo sát cho biết kết quả học tập của họ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Nhiều sinh viên cho biết phải làm thêm nhiều giờ để trang trải chi phí, thậm chí không đến giảng đường vì không đủ tiền mua vé các phương tiện công cộng để đi lại.
Những người có nguy cơ phải bỏ học cao nhất là sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sinh viên khuyết tật và sinh viên vừa học vừa làm. Sinh viên quốc tế, vốn không được phép làm việc hơn 20 giờ/tuần, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, theo kết quả khảo sát.
Trong một trường hợp cụ thể, Sophie Bush (20 tuổi), sinh viên năm nhất ĐH UCL, cho biết cô đã suy nghĩ nghiêm túc về việc bỏ học ngành khoa học lịch sử và triết học vì chi phí sinh hoạt tăng cao.
Cô Bush, đang sống trong ký túc xá của trường ở thủ đô London, muốn lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ, nhưng giờ đây nhận ra rằng vấn đề tài chính có thể khiến điều đó trở nên bất khả thi. Nữ sinh viên đang làm công việc bán thời gian là phục vụ bàn và cố gắng tiết kiệm tiền để có thể tiếp tục việc học, nhưng không chắc mình sẽ kiếm đủ tiền.
Chính vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng nếu chính phủ không có giải pháp cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt thì trường ĐH "chỉ dành riêng cho những người có đặc quyền nhất", hủy hoại tiến bộ vài thập niên qua trong việc mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục ĐH.
Bà Dani Bradford, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc ĐH UCL (Anh), cho biết: "Chúng ta thực sự đang đối mặt tình trạng hệ thống ĐH chỉ dành cho những người có đặc quyền nhất. Chỉ sinh viên có thu nhập hộ gia đình từ 75.000 bảng Anh trở lên mới không cân nhắc bỏ học".
Tiến sĩ Tim Bradshaw, giám đốc điều hành Russell Group, đồng thời kêu gọi chính phủ tăng cường biện pháp hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm tăng cường khoản vay ưu đãi, khôi phục chính sách tăng ngưỡng hỗ trợ cho vay tối đa-vốn đã bị đóng băng từ năm 2008.
Còn Bộ Giáo dục Anh cho biết nhiều ĐH đang tăng hỗ trợ và kêu gọi sinh viên "hãy trao đổi với nhà trường trước khi cân nhắc việc bỏ học".
Tờ The Guardian dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh cho biết: "Chúng tôi nhận thấy nhiều sinh viên đang phải chật vật với chi phí sinh hoạt. Vì thế, chúng tôi đã dành thêm 15 triệu bảng Anh ngân sách để hỗ trợ, nâng tổng ngân sách hỗ trợ sinh viên lên đến 276 triệu bảng Anh trong năm học này".
Trước đó, kết quả khảo sát hồi tháng 1 của tổ chức từ thiện giáo dục Sutton Trust (Anh) cũng cho thấy, cứ mỗi 4 sinh viên ở Anh thì 1 người có nguy cơ phải bỏ học vì áp lực tài chính và chi phí sinh hoạt leo thang. Bên cạnh đó, 1/4 trong số 1.000 sinh viên tham gia khảo sát cho rằng họ "ít có khả năng" hoàn thành chương trình học vì áp lực tài chính.
Theo Thanh niên