Nhiều du học sinh Hàn Quốc trở về nước khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Mỹ. Ảnh: 123rf.
Đại dịch Covid-19 đang lan rộng ở Mỹ, ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục, thị trường việc làm. Trong bối cảnh đó, nhiều người trẻ Hàn Quốc từng dành nhiều năm học tập, làm việc ở xứ cờ hoa, nay chọn cách hồi hương vì một tương lai an toàn hơn.
Tuy nhiên, không ít người cũng nhanh chóng nhận ra con đường trở về không trải đầy hoa hồng, theo Korea Herald.
Ở Hàn Quốc, các trường đại học, cao đẳng vẫn đang bị hạn chế vì nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Cạnh tranh tìm việc vốn đã khốc liệt, nay càng đáng sợ hơn khi vị trí việc làm ít đi nhưng số người thất nghiệp gia tăng.
Từ bỏ giấc mơ Mỹ
Hwang, 27 tuổi sống ở Seongnam, tỉnh Gyeonggi, là một trong nhiều sinh viên quốc tế đã từ bỏ con đường học vấn ở Mỹ vì đại dịch.
Trở về nước đầu tháng trước, sau khi lấy bằng thạc sĩ Lịch sử nghệ thuật Đông Á của một trường đại học ở Mỹ, anh đang lên kế hoạch đăng ký học tiến sĩ tại Hàn.
“Tôi đã quyết định trở về vì việc nộp đơn xin học tiến sĩ ở Mỹ dường như là không thể. Đại dịch thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát, do đó các lớp học trực tiếp không thể sớm trở lại. Điều này khiến tôi không thể đăng ký chương trình học mới”, Hwang nói với Korea Herald.
Sinh viên 27 tuổi cho rằng tình hình còn có thể tồi tệ hơn khi các tổ chức giáo dục ở Mỹ phải cắt giảm ngân sách, sa thải nhân viên trong thời gian tới.
“Theo tìm hiểu của tôi, rất nhiều trường đại học ở Mỹ đang phải vật lộn về tài chính, vì mất nguồn thu từ sinh viên quốc tế”, Hwang cho biết.
Người trẻ Hàn từ bỏ giấc mơ Mỹ vì một tương lai an toàn hơn. Ảnh: Reuters.
Theo một khảo sát từ Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế Mỹ vào tháng 4, giáo dục đại học đã mất gần 1 tỷ USD và sẽ mất tổng cộng ít nhất 3 tỷ USD vì sự suy giảm tuyển sinh quốc tế dự kiến cho năm học sắp tới.
Huh Jae-yeon, 18 tuổi, đã trúng tuyển vào Đại học California, Berkeley, nhưng cô sẽ không bay đến Mỹ sớm. Các lớp học sẽ được tiến hành trực tuyến. Cha mẹ cô cũng lo lắng về tình hình đại dịch.
Dù theo đuổi “giấc mơ Mỹ”, giờ đây, Huh không chắc chắn về tương lai nghề nghiệp của mình ở xứ cờ hoa.
“Mỹ dường như đang đóng cửa với sinh viên quốc tế trước cuộc khủng hoảng Covid-19. Sẽ khó khăn hơn trước để tìm việc làm ở các tiểu bang sau khi tốt nghiệp đại học”, cô nói.
Mỹ là điểm đến hàng đầu của sinh viên quốc tế trên khắp thế giới trong nhiều năm qua. Số lượng du học sinh Hàn ở đây nhiều thứ 3, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái, hơn 60.000 sinh viên Hàn Quốc học tập tại Mỹ mỗi năm, chiếm khoảng 6,5% du học sinh nước ngoài.
Chật vật tìm việc khi về nước
Sự trở về của du học sinh có thể tác động đến cuộc cạnh tranh tìm việc hoặc vị trí nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc, các chuyên gia cho biết.
Mặc dù không có nhiều thay đổi đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ từ các trường đại học địa phương có thể cảm nhận rõ hơn sức nóng cạnh tranh vì sự gia tăng đối thủ từ các tổ chức giáo dục nước ngoài.
Ông Kim So-young, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, nói: “Câu chuyện là rất khác với các công việc đòi hỏi trình độ cao. Nhà tuyển dụng trong nước đều thích những người có bằng cấp từ các trường đại học nước ngoài có uy tín và chúng tôi biết rất nhiều trong số họ đã quay trở lại Hàn Quốc”.
Cạnh tranh việc làm khốc liệt hơn khi nhiều du học sinh trở về nước. Ảnh: Financial Times.
Để giúp những người tìm việc được đào tạo tốt và chuyên sâu hơn trong khi chờ đại dịch lắng xuống, giáo sư Kim đề nghị chính phủ và các trường đại học cung cấp thêm học bổng sau tiến sĩ và các vị trí nghiên cứu tạm thời.
Trái ngược làn sóng di cư, một số sinh viên vẫn quyết bám trụ Mỹ với hy vọng biến khủng hoảng thành cơ hội. Họ tin rằng cuộc hồi hương của sinh viên quốc tế và người tìm việc sẽ làm giảm sự cạnh tranh ở Mỹ.
Lee, một nhà phân tích tài chính 27 tuổi ở Chicago, nói: “Ngay trước cuộc khủng hoảng, tôi đã nghĩ đến việc xin visa vào năm tới hoặc bắt đầu đăng ký các chương trình MBA tại Hoa Kỳ. Tôi thực sự hy vọng cuộc thi MBA sẽ dễ dàng hơn khi có ít người nộp đơn do đại dịch”.
Lee nói thêm rằng mình nghiêng về kế hoạch nộp đơn vào các chương trình MBA hơn, với hy vọng rằng Mỹ sẽ sớm trở lại bình thường và một lần nữa chào đón sinh viên quốc tế khi anh hoàn thành chương trình học.
Khó khăn chung của du học sinh
Trước đó, New York Times cũng đưa tin du học sinh các nước khó khăn vì trường đóng cửa mùa dịch.
Trước cơn khủng hoảng, nhiều gia đình giàu có đưa con cái về nước trước lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, còn nhiều bạn trẻ kém điều kiện hơn, sống tại ký túc xá nhiều năm qua hiện phải lặn lội tìm nhà để thuê.
Nguồn thu nhập của họ cũng mất trắng do nhiều nơi làm thêm đóng cửa do dịch bệnh. Một số người phải tới những nơi phát đồ ăn miễn phí cho người nghèo để xin thực phẩm.
Chính phủ Mỹ cũng có những can thiệp kịp thời để giúp đỡ các sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, để phù hợp với tiêu chí “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, các du học sinh và sinh viên nhập cư thiếu giấy tờ không được nhận trợ cấp từ khoản ngân sách 6 tỷ USD.
Nhiều trường đại học cho biết họ đang nhanh chóng giúp đỡ các du học sinh bằng cách mở giới hạn số phòng ký túc xá, hỗ trợ đưa sinh viên về nước và vận động chính phủ liên bang tài trợ kinh phí.
Trong đó, Đại học New York, nơi có nhiều sinh viên nước ngoài hơn bất kỳ trường nào khác, đã tạo sẵn các khoản trợ cấp khẩn cấp dành cho các du học sinh.
Mặc dù vậy, ngay chính các sinh viên Mỹ cho biết sự trợ giúp của trường đại học chưa thấm vào đâu so với những chi phí thực tế.
Ngoài ra, những du học sinh kịp trở về quê hương trước lệnh phong tỏa cũng không chắc có được quay trở lại Mỹ để học tiếp không.
Đối với những sinh viên vội vàng ra sân bay để kịp về nước tránh dịch, họ cũng lo ngại phải đối mặt với những vấn đề pháp lý khi quay trở lại Mỹ hoàn thành chương trình học.
Mercy Idindili, sinh viên năm hai ngành Thống kê ở Đại học Yale, bắt buộc phải quay trở về Tanzania sau khi nhận được một loạt thông báo từ phía nhà trường. Ban quản trị trường khẳng định “sẽ chỉ có vài trường hợp ngoại lệ” cho phép du học sinh ở lại Mỹ trong thời điểm này.
Mọi lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài đều đóng cửa thời hạn, đồng thời Bộ Ngoại giao nước này cũng đình chỉ việc xử lý thị thực cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, visa của Mercy sẽ hết hạn vào tháng 7 tới.
Theo zingnews