Năm đầu đại học ở Hàn Quốc thường bắt đầu với việc gặp gỡ những người bạn mới trong các buổi định hướng. Tân sinh viên cũng được mời tới dự nhiều hoạt động ngoại khóa và tận hưởng cuộc sống đại học đầy sôi động qua các lễ hội, sự kiện có sự tham dự của nhiều người.
Nhưng với những em vào đại học sau khi Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020, năm đầu tiên rất khác so với anh chị khóa trước. Việc gặp gỡ và kết bạn mới khó khăn hơn bất cứ lúc nào khi đại dịch Covid-19 buộc họ phải tuân thủ giãn cách xã hội.
Một sinh viên đại học ở thành phố Seoul, Hàn Quốc, học online qua Zoom hồi tháng 3/2020. Ảnh: Korea Times
"Trước khi vào đại học, tôi mơ đến những buổi tụ tập, tới bar cùng bạn bè sau giờ học và vui vẻ tham dự các lễ hội ở trường", Jeong Jee-hee, sinh viên năm hai chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Nữ sinh Sookmyung, nói.
Thế nhưng, giấc mơ của Jeong không như mong đợi. Suốt học kỳ đầu tiên, Jeong ở nhà, ngồi trước màn hình máy tính và học qua Zoom. "Đã 1,5 năm kể từ khi vào đại học, tôi biết rất ít bạn cùng lớp. Tôi khó có bất kỳ cơ hội nào để gặp họ ngoài đời", Jeong chia sẻ.
Jeong không đơn độc. Một cuộc khảo sát do Alba Cheonguk, website tìm kiếm việc làm bán thời gian, cho thấy năm 2020 cứ 10 sinh viên năm nhất lại có 7 em lỡ những trải nghiệm mới về cuộc sống ở đại học. Trong hơn 3.000 người được hỏi, 96% nói mong chờ được tận hưởng đời sống học đường. 73% trong số này trả lời không thể có được trải nghiệm như mong muốn do Covid-19.
Khi được hỏi thích những trải nghiệm nào, 31% người nói rằng "buổi định hướng cho sinh viên năm nhất và những cuộc đi chơi thâu đêm", "các lễ hội ở trường (19%)", "blinde dates - buổi hẹn hò giữa hai người chưa từng biết nhau (10%)" và "những bữa tiệc bắt đầu và kết thúc kỳ học (9%)".
"Tôi muốn kết thêm nhiều bạn có chung mối quan tâm và tham gia hoạt động ở câu lạc bộ. Tôi cũng thích tham dự nhiều cuộc thi ở trong và ngoài trường. Nhưng với việc mọi thứ đều phải thực hiện online như hiện nay, tôi thấy thật khó để làm việc đó", sinh viên họ Seo ở Seoul nói, cho biết đã kết thúc năm đầu tiên học trực tuyến.
Sinh viên mặc đồ tốt nghiệp đứng trong khuôn viên Đại học Sungkyunkwan ở thành phố Seoul hôm 16/8. Ảnh: Yonhap
Bên cạnh việc khiến sinh viên không thể tham gia hoạt động xã hội, đại dịch cũng ảnh hưởng tới đời sống học thuật của họ. Seo tâm sự: "Việc trao đổi với các giáo sư qua bài giảng online bị hạn chế nhiều. Nếu học trên lớp, chúng tôi sẽ dễ dàng đặt câu hỏi và nhận phản hồi từ họ".
Còn Jeong nhớ lại: "Một lần nọ, màn hình bị đơ do lỗi kết nối. Tôi đã rất lo lắng vì sợ phần kiến thức đó có trong bài kiểm tra. Tôi đã phải nhờ giáo sư gửi lại bài giảng". Jeong và Seo là hai trong số nhiều sinh viên Hàn Quốc cảm thấy không thoải mái với các lớp học trực tuyến.
Từ khi đại dịch bùng phát, nhiều sinh viên cho rằng việc các trường vẫn thu đầy đủ học phí nhưng chất lượng lớp học online không đảm bảo so với học trực tiếp và họ không được sử dụng cơ sở vật chất ở trường như hội trường, thư viện, phòng tập hay nhà ăn, là bất hợp lý.
Tháng 7/2020, khoảng 3.500 sinh viên khắp nước này đã khởi kiện Bộ Giáo dục cùng 42 trường đại học, yêu cầu trả lại tiền vì những gián đoạn trong việc học. Họ đề nghị trả 855 USD cho sinh viên học đại học tư và hơn 400 USD cho những bạn học đại học công.
Dịch bệnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sinh viên năm đầu mà còn cả những bạn năm ba, năm tư. "Tôi đang mong chờ đến năm ba để đăng ký chương trình trao đổi sinh viên. Tôi nghĩ cơ hội học ở nước ngoài là một trong những trải nghiệm tốt nhất dành cho sinh viên đại học", nữ sinh họ Lee, chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn học Nga ở Đại học Hàn Quốc, cho hay.
Thế nhưng Covid-19 đã phá hủy kế hoạch sang Nga năm ngoái của Lee sau khi chương trình trao đổi buộc phải hoãn. "Thật chán. Rất khó để học tiếng Nga mà không được giao tiếp trực tiếp với người bản xứ", Lee nói.
Do không được trải nghiệm cuộc sống học đường ở đại học, số lượng sinh viên chọn nghỉ học đang tăng lên, theo một khảo sát gần đây của Job Korea, công ty cung ứng lao động. Job Korea khảo sát 1.470 người, trong đó 44% nói rằng có kế hoạch nghỉ phép vào học kỳ mùa thu. Con số này cao hơn 19% trong một cuộc khảo sát tương tự năm 2019.
Lý do được 60% sinh viên đưa ra là vì muốn có các chứng chỉ hoặc tham gia nhiều chương trình thực tập. Trong khi đó, 30% sinh viên năm nhất lại không muốn học online.
Sinh viên biểu tình ở Seoul hôm 3/4, đề nghị các trường trả lại học phí vì cho rằng chất lượng các lớp học online thấp với học trực tiếp. Ảnh: Yonhap
Tuy nhiên, những trải nghiệm không mấy dễ chịu mà sinh viên đại học đang trải qua có thể tiếp diễn vào học kỳ mùa thu, khi nhiều trường đại học đã quyết định duy trì các lớp học online giữa làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư ở nước này.
Đại học Quốc gia Seoul thông báo sẽ giữ các lớp học trực tuyến đến cuối tháng 9. Nhiều trường khác ở Seoul, trong đó có Đại học Yonsei và Đại học Hàn Quốc, cho biết sẽ tiếp tục học từ xa phụ thuộc vào các biện pháp giãn cách xã hội mức 4.
Theo vnexpress