leftcenterrightdel
Sinh viên Adenekan Ayomide làm thêm nghề lái xe taxi. 

Anh Adenekan Ayomide đang theo học năm hai tại Trường Đại học Abuja, Nigeria, khi giảng viên các trường đại học đình công vào tháng 2. Ban đầu, nam sinh 27 tuổi cho rằng cuộc đình công chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và bản thân sẽ sớm trở lại học tập. Nhưng đã nửa năm trôi qua, Adenekan hiện đang làm thêm lái xe taxi để trang trải cuộc sống. Hy vọng của Adenekan đang lụi dần.

Nam sinh chia sẻ: “Bạn bè tôi không còn nhắc đến trường học nữa. Tôi cũng không thể ngồi đợi đến khi trường mở cửa lại. Tôi phải làm thêm nhiều công việc khác nhau để nuôi sống bản thân trước đã”.

Theo Ủy ban Các trường đại học quốc gia Nigeria, đình công trong trường đại học vốn diễn ra phổ biến ở quốc gia châu Phi này. Tính từ năm 2000, hơn 100 trường đại học trên cả nước đã ghi nhận ít nhất 15 cuộc đình công, ảnh hưởng đến việc học tập của 2,5 triệu sinh viên. Tuy nhiên, cuộc đình công hiện nay gây ảnh hưởng nặng nề hơn đến lĩnh vực giáo dục đại học, vốn đang xoay xở tìm cách phục hồi sau dịch Covid-19.

Giám đốc phụ trách các vấn đề công tại Ủy ban Các trường đại học Nigeria, Haruna Lawal Ajo, cho biết hơn 90% giảng viên đại học Nigeria hiện đang đình công nhằm phản đối chế độ đãi ngộ và đầu tư cho giáo dục. Các giảng viên yêu cầu chính phủ và Bộ Giáo dục Nigeria cải thiện điều kiện làm việc như tăng tài trợ cho các trường đại học, tăng phúc lợi xã hội cho giảng viên... và nâng lương.

Giảng viên Sabi Sani, Trường Đại học Abuja, cho biết: “Giảng viên đại học tại Nigeria đang rơi vào tình trạng túng quẫn. Sau 12 năm dạy học, mức lương hiện tại của tôi thậm chí không đủ trả học phí cho các con”.

Tuy nhiên, Chính phủ Nigeria từ chối tăng phúc lợi cho giảng viên và cải thiện cơ sở vật chất cho các trường đại học trên cả nước. Các cuộc đàm phán trong nửa năm qua đã rơi vào bế tắc và dập tan hy vọng trường học sẽ sớm hoạt động trở lại.

Trong thời gian này, nhiều giảng viên chuyển ra nước ngoài để có cơ hội việc làm tốt hơn và cải thiện mức sống. Các chuyên gia cảnh báo tỷ lệ giảng viên di cư sẽ đẩy ngành Giáo dục Nigeria rơi vào tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên giàu kinh nghiệm; từ đó, làm giảm chất lượng dạy và học đại học trong cả nước.

Sinh viên là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất vì chất lượng đào tạo giảm sút khiến cơ hội việc làm của các em cũng ngày càng hạn chế.

Giống như Adenekan, sinh viên Nigeria đang tìm kiếm việc làm để tồn tại. Dù không học đại học, các em vẫn phải đóng các khoản phí như thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt... Hay ít nhất, các công việc giúp quãng thời gian chờ đợi không trôi qua vô nghĩa.

Chị Amidat Ahmad, sinh viên Trường Đại học Abuja, dự kiến nộp đơn xin thôi học và chuyển ra nước ngoài. Trong thời gian này, nữ sinh đi làm thêm và tự học ngoại ngữ tại nhà.

“Cuộc sống của tôi hiện rất bế tắc. Tôi đang làm thêm hai công việc, một trong số đó là học nghề thợ đóng giày. Biết đâu kỹ năng này sẽ giúp tôi tìm được công việc tốt hơn trong tương lai. Nếu không làm thêm, cuộc đời tôi đã trôi qua vô nghĩa trong sáu tháng qua”, chị Amidat bày tỏ.

Theo GD&TĐ