|
|
Loạt trường đại học top đầu châu Á như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán đã thí điểm sang đánh giá sinh viên bằng thang A-F. |
Mới đây, bài viết “Bỏ điểm số - Cải cách đánh giá sinh viên trong môn Khoa học sinh học” của báo Đại học Bắc Kinh đã gây ra làn sóng bàn luận sôi nổi trong cộng đồng giáo dục Trung Quốc.
Bài báo nói về việc các sinh viên tại đại học hàng đầu châu Á, dưới áp lực của những kỳ thi đánh giá học tập khắc nghiệt, cuối cùng lại “mắc kẹt trong một vòng cạnh tranh không cần thiết chỉ để cải thiện thêm 1 hoặc 2 điểm”.
Để giải quyết vấn đề này, Trường Khoa học Đời sống thuộc Đại học Bắc Kinh đang thử nghiệm một phương pháp mới. Trường thực hiện một cuộc cải cách, trong đó loại bỏ GPA (điểm trung bình) và sử dụng phương pháp đánh giá theo cấp độ để đánh giá thành tích của sinh viên.
Trường đã sử dụng các chữ cái như A, B, C, D, F để thể hiện mức độ thể hiện của sinh viên, thay vì sử dụng hệ thống tỷ lệ phần trăm hoặc hệ thống điểm số.
Theo hệ thống mới, kết quả học tập của sinh viên được tính theo thang điểm 5 cấp độ từ A đến F thay cho thang điểm 100. Sinh viên đạt trên 85 điểm sẽ nhận điểm A trong khi dưới 60 điểm quy thành điểm F.
Không chỉ Đại học Bắc Kinh, trên thực tế, một số trường cao đẳng thuộc dự án 985 (dự án những trường đại học top đầu thế giới của Trung Quốc) như Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán, Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc và Đại học Công nghệ Thượng Hải đã nỗ lực cải cách hệ thống điểm, ứng dụng đánh giá phân cấp.
“Cách tính điểm mới này giúp chúng em không còn lo lắng phải tranh giành cao hơn bạn bè. Nó cũng khuyến khích chúng em dành nhiều thời gian hơn cho các dự án học thuật, nghiên cứu thay vì chỉ mải mê vào điểm số”, một sinh viên chia sẻ với tờ Six Tone.
Tuy nhiên, một số sinh viên lo lắng cách tính điểm mới sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ du học. Theo đó, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài thường yêu cầu ứng viên nộp bảng điểm hoặc điểm trung bình học tập ở đại học trong khi thang điểm A – F sẽ không chứng minh cụ thể năng lực của sinh viên.
Giải quyết mối lo trên, ông Vương Thế Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học Đời sống, cho biết nhà trường sẽ cấp chứng chỉ cho sinh viên đăng ký chương trình sau đại học ở nước ngoài. Những chứng chỉ này sẽ giải thích về hệ thống chấm điểm mới.
“Khi khóa sinh viên đầu tiên trúng tuyển các trường đại học nước ngoài bằng phương pháp đánh giá mới, những nghi ngờ trong dư luận sẽ giảm bớt”, thầy Vương tin tưởng.
Xóa bỏ tư duy ‘trò chơi có tổng bằng 0’
Từ lâu, điểm số đã trở thành “ngoại tệ mạnh” (hard currency), hàm ý thứ tài sản có giá trị cao và được công nhận trên toàn cầu đối với sinh viên đại học Trung Quốc.
Những con số này rất quan trọng vì chúng có tác động trực tiếp đến nhiều khía cạnh khác nhau trong hành trình học tập và nghề nghiệp của sinh viên như đăng ký học sau đại học, du học, nhận giải thưởng và đánh giá cũng như nâng cao cơ hội việc làm.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt để giành được những điểm số này có thể khiến một số sinh viên “mắc kẹt trong vòng xoáy căng thẳng và áp lực không cần thiết”.
|
|
Việc chuyển đổi phương thức đánh giá được kỳ vọng giúp sinh viên tập trung vào nâng cao trải nghiệm tổng thể thay vì chạy theo điểm số. |
Áp lực về điểm số đang khiến một số sinh viên tập trung vào việc “chải chuốt” điểm ngay từ năm thứ nhất. Điều này có nghĩa là các em chọn những khóa học dễ hơn với điểm số cao hơn, tránh những khóa học có vẻ thử thách nhưng mang lại lợi ích cho kiến thức tổng thể.
Để đạt được điểm cao hơn, sinh viên đang nỗ lực làm những việc như báo cáo thí nghiệm. Nhưng thay vì thực sự hiểu rõ các nguyên tắc, họ thường tập trung vào việc đáp ứng các quy tắc cụ thể. Ví dụ như một số người viết báo cáo dài chỉ để đáp ứng yêu cầu về trang. Đó là việc đáp ứng các tiêu chí hơn là thực sự học tập.
Dù nhận thức được mặt trái của tâm lý “điểm là tất cả” nhưng nhiều sinh viên tự đẩy mình vào hoàn cảnh khó khăn. Các em đầu tư thời gian và công sức đáng kể nhưng thu được rất ít lợi ích thực sự.
Dần dần, sinh viên bị cuốn vào một “trò chơi có tổng bằng 0”, nghĩa là sinh viên này thắng có nghĩa là người khác phải thua. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn, làm lu mờ những trải nghiệm học tập thực sự.
Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt nghi vấn liệu hệ thống thứ bậc không làm thay đổi bản chất của vấn đề. Chỉ là những sinh viên từng bị điểm thấp vì lo lắng giờ lại đạt điểm B vì lo lắng.
Theo thầy Vương, điểm khác biệt chính là phương pháp đánh giá mới mang lại cho học sinh cơ hội thoát khỏi “cái lồng điểm”. Khi điểm từ 85 trở lên được coi là điểm A, sinh viên không cần phải bị ám ảnh bởi những chi tiết nhỏ như số từ hoặc định dạng bài viết chỉ để có thêm 1 hoặc 2 điểm.
Tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi sinh viên tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ và nâng cao trải nghiệm tổng thể, như tham gia nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội hay các khóa học tự chọn thú vị thay vì “mù quáng” theo đuổi điểm số.
Theo vietnamnet