Các sinh viên đang theo học đại học tại Mỹ đã chuyển sang học trực tuyến trong mùa dịch COVID-19. Trong ảnh: sinh viên tại ĐH Harvard, bang Massachusetts ngày 10-3 - Ảnh: Reuters
Hôm 3-4, các du học sinh Việt Nam đang học tập ở Úc như ngồi trên lửa khi Thủ tướng Scott Morrison khuyến cáo khách du lịch và sinh viên nước ngoài nên sớm rời Úc nếu không còn khả năng trang trải chi phí trong bối cảnh nước này phải huy động mọi nguồn lực để chống dịch COVID-19.
Úc là một trong những ví dụ điển hình về việc chính phủ các nước phải ứng biến và thay đổi liên tục khi nhận thấy tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn ước đoán ban đầu.
Khi gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đóng cửa biên giới, ưu tiên đối nội hơn đối ngoại để chống dịch, sinh viên quốc tế, bao gồm sinh viên Việt Nam, khó tránh khỏi cảm giác hoang mang, lo lắng vì bị "bỏ rơi".
Khó khăn chồng khó khăn
Theo học tại ĐH Macquarie (Sydney) từ năm 2019, Như Nguyễn là một trong số rất nhiều sinh viên Việt Nam phải cập nhật thông tin mỗi ngày về chính sách của Úc, trong bối cảnh nước này phải ra thông báo và điều chỉnh liên tục để đối phó dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19).
"Công tác chống dịch ở Úc lúc đầu chưa tốt, có lẽ vì sợ gánh nặng lên kinh tế. Một số người dân ngoài ra cũng lơ là trong việc bảo vệ bản thân. Nhưng sau đó, chính phủ đã đưa ra biện pháp phòng dịch nghiêm khắc hơn như đóng biên giới hoặc hạn chế ra đường không cần thiết, và những biện pháp này theo tôi thấy thật sự hiệu quả" - Như nói với Tuổi Trẻ.
Tại Mỹ có khoảng 1,1 triệu du học sinh đang học tập và sinh sống. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tất cả các trường có du học sinh chiếm tỉ lệ lớn đều đã mở các lớp trực tuyến.
Tính đến ngày 23-3, 72% trong số 36 trường ĐH tham gia khảo sát của trang tin Quartz cho biết họ yêu cầu sinh viên rời khỏi ký túc xá, trong khi số còn lại để sinh viên tự lựa chọn. Tất cả các trường đều cho biết họ sẽ cho phép những sinh viên không thể trở về nhà được ở lại trường hoặc tìm chỗ ở khác.
Để lựa chọn ra về là một quyết định khó khăn, du học sinh có nguy cơ mất thị thực hoặc bỏ qua cơ hội đăng ký các khóa cao học nếu như rời khỏi Mỹ quá lâu. Sở Di trú và hải quan Mỹ (ICE) đã nới lỏng quy định để cho phép sinh viên duy trì thị thực đủ lâu để yên tâm học tập qua mạng.
Du học sinh còn đối diện với vấn đề phân biệt đối xử. Nguyễn Thùy Linh, một sinh viên tại Dallas (Texas), chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Tình trạng bài ngoại ngày một tăng, một số chính trị gia Mỹ gốc Á đã lên tiếng nhưng chính phủ vẫn chưa hành động. Thành thật, đa số người châu Á, trong đó có cả tôi, hiện vẫn rất lo lắng khi ra ngoài mua thực phẩm. Một số thậm chí mang theo súng để tự vệ".
Cần chuẩn bị tài chính vững
Có thể thấy tình trạng các nước siết chặt biện pháp giữ khoảng cách xã hội, đóng cửa nhà hàng, cửa hàng... tạo ra khó khăn riêng biệt cho du học sinh, vì đa số phải trang trải chi phí bằng công việc làm thêm.
Câu chuyện ở Úc có thể là bài học cho du học sinh Việt cũng như người Việt nói chung khi đối diện với những giai đoạn bất ổn. Họ có thể bảo đảm lợi ích thông qua việc chuẩn bị thật tốt cho hành trang du học hoặc cập nhật đầy đủ các quy định mới khi có biến động.
Tại các nước có nhiều du học sinh Việt Nam và quốc tế như Mỹ hoặc Úc, thông tin của chính phủ luôn được cập nhật qua nhiều đường khác nhau. Điều quan trọng là nắm bắt được thông tin chính thống, tuân thủ và tìm thấy giải pháp bảo vệ lợi ích tối đa.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Như Nguyễn kể trong hội du học sinh, mọi người bàn luận những thông tin quan trọng mà chính phủ đề cập để vượt qua dịch bệnh, những cách để nhận trợ cấp cho đối tượng có quốc tịch, những vấn đề tương tự liên quan đến du học sinh và cư trú tạm thời.
Ngoài ra, trong bất kỳ trường hợp nào, việc chuẩn bị đầy đủ khả năng tài chính khi đi du học cũng là điều cần thiết, nếu không phải nói bắt buộc. Đây chính là cách để du học sinh tự chủ trong những trường hợp khẩn cấp.
"Khi sang Úc du học, các du học sinh đã phải đáp ứng nhiều điều khoản. Một trong số đó là khả năng tự trang trải chi phí sinh hoạt trong năm đầu tiên. Vậy nên khi Thủ tướng Morrison nói ai không đủ khả năng thì nên về nước, theo tôi là có phần đúng" - Nguyễn Ngọc Minh Trân, sinh viên ĐH Macquarie, nhận xét.
Hỗ trợ sinh viên từ quỹ hưu bổng Biểu ngữ kêu gọi chống phân biệt đối xử với sinh viên quốc tế ở TP Melbourne, Úc - Ảnh: Feminist Campus Đại sứ quán Việt Nam tại Úc ngày 4-4 đã giải thích rõ khuyến cáo khách du lịch và sinh viên nước ngoài về nước nếu không tự lo được vấn đề tài chính của Thủ tướng Scott Morrison. Theo đó, đối với gần 600.000 du học sinh nước ngoài, Chính phủ Úc khuyến khích trông cậy vào hỗ trợ của gia đình, việc làm bán thời gian (cho phép tối đa 40 giờ trong 2 tuần) và từ nguồn tiết kiệm cá nhân để trang trải chi phí. Những sinh viên đã ở Úc hơn 1 năm có thể xin rút tối đa 10.000 AUD (hơn 140 triệu đồng) từ quỹ hưu trí trong năm tài khóa hiện nay để phục vụ cuộc sống. Chính phủ Úc cũng sẽ tiếp tục làm việc với ngành giáo dục để thảo luận các biện pháp hỗ trợ khác cho sinh viên quốc tế. Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Vũ Tuấn - nhân viên công ty truyền thông ở Melbourne - giải thích tiền hưu bổng là khoản tiền bắt buộc mà người chủ sử dụng lao động phải trả cho nhân viên khi ký hợp đồng lao động. Trong một số trường hợp đặc biệt, như dịch COVID-19 hay chương trình mua nhà tiết kiệm, những người có visa cư trú tạm thời tại Úc (du học sinh, người đi làm) khi về nước có quyền rút tiền từ quỹ này ra. Để làm thủ tục này, bạn cần phải chuẩn bị nhiều giấy tờ liên quan như: hộ chiếu, ID, visa hết hạn, giấy tờ chứng minh bạn đã rời khỏi Úc. |
ASEAN kiến nghị hỗ trợ sinh viên quốc tế Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Úc, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gửi thư kiến nghị, mong muốn Úc hỗ trợ gần 150.000 sinh viên thuộc ASEAN. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đại sứ Việt Nam tại Úc Ngô Hướng Nam cùng các đại sứ ASEAN tại Canberra đã gửi thư chung tới bộ trưởng giáo dục, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Úc - ASEAN và các bộ trưởng giáo dục và việc làm của tất cả 6 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ của Úc. Theo TTXVN, các đại sứ và Ủy ban cao cấp ASEAN bày tỏ sự cảm thông tới chính phủ và nhân dân Úc, tin rằng tất cả sẽ vượt qua khó khăn hiện nay. Theo các đại sứ ASEAN, du học sinh ASEAN cũng đang trải qua một loạt vấn đề khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống và quyết định tiếp tục học tập tại Úc, trong đó có thể kể tới tình trạng mất việc làm bán thời gian, dẫn tới khó khăn tài chính và nguy cơ vô gia cư. Ngoài ra sinh viên ASEAN cũng lo lắng về vấn đề học tập ở Úc, quyền lợi chăm sóc y tế, vấn đề quay lại Úc để tiếp tục việc học... |
Theo tuoitre