Sinh viên Vũ Văn Kiên giới thiệu hoạt động học tập ở Học viện MEPHI
Để phục vụ cho việc vận hành các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận của Việt Nam trong tương lai sẽ cần vài nghìn người với những trình độ chuyên môn ở cấp độ khác nhau. Trong đó, yêu cầu về trình độ đại học là hơn 800 người, cao đẳng nghề hơn 900 người và gần 400 lao động phổ thông. Bởi vậy mà hiện nay, số sinh viên Việt Nam đang được đào tạo tại Nga trong lĩnh vực này là khá nhiều.
Cách đây 5 năm, Học viện Hạt nhân Obninsk khởi động dự án đào tạo chuyên gia Việt Nam làm việc tại nhà máy do Nga xây dựng. Đến nay, con số học viên đã lên đến khoảng 2.000 với 5 khóa hóa học chính thức và 1 khóa dự bị đang diễn ra. Trong số đó, 28 học viên khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp vào năm 2017 tới.
Tại Học viện Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia (MEPHI), ông Vladimir Kondakov, Phó Giám đốc cho biết: “Trên thực tế, khả năng học tập của sinh viên Việt Nam ở chỗ chúng tôi là rất cao. Các em học rất tốt và công tác đào tạo cũng rất tốt. Dù ở năm thứ nhất có nảy sinh vấn đề về ngôn ngữ, nhưng các em rất nhanh chóng khắc phục và nói chung là đến năm thứ ba thì các em đều bắt nhịp tốt”.
Vũ Văn Kiên - sinh viên năm thứ nhất tại MEPHI là người được Nhà nước cử sang học tập theo Dự án liên Chính phủ về xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Trả lời câu hỏi có cảm tưởng gì khi được cử sang Nga và theo ngành này, Kiên khẳng định: “Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân thì MEPHI, ngôi trường tôi đang học tập, là một trường đứng đầu không chỉ của Nga mà còn trên toàn thế giới. Do vậy, việc được học tập tại đây đối với tôi là một niềm tự hào”.
Kiên cũng cho biết, nhà trường tạo cho các sinh viên Việt Nam nói riêng và các nước khác nói chung những điều kiện tốt nhất để học tập. Họ nhận được những sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ Ban lãnh đạo Nhà trường và cả các thầy, cô cùng bạn học từ nhiều nước khác nhau trong các khóa. Những cơ hội giao lưu, cọ xát để nâng cao trình độ tiếng Nga được tổ chức thường xuyên… Kiên cũng muốn nhắn gửi tới những bạn bè cùng trang lứa là nếu các bạn yêu thích môn vật lý, ngành học về năng lượng nguyên tử thì “du học Nga là một sự lựa chọn không tồi”.
Ở Học viện Năng lượng Nga, các sinh viên đều trải qua chương trình đào tạo chuyên ngành mang tên “Nhà máy điện hạt nhân: thiết kế, vận hành và kỹ thuật”. Họ có hai đợt thực tập ở các nhà máy điện hạt nhân trên nước Nga - đó là 2 tuần với sau năm thứ tư và 4 tuần sau khi kết thúc năm thứ năm. Đối với sinh viên Việt Nam thì nơi đến thực tập sẽ là những nhà máy điện hạt nhân sử dụng thiết kế sẽ được xây dựng ở Việt Nam. Nhóm sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học tại Học viện này sẽ tốt nghiệp vào năm 2017. Và trong những năm tới, số sinh viên Việt Nam được cử sang đây học tập sẽ còn tiếp tục tăng lên, để đáp ứng kịp thời và đầy đủ cho các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ở Việt Nam.
Theo Thế giới và Việt Nam