Sống thật với mình và mọi người
Cuối tháng Mười một vừa qua, Nhà xuất bản từ điển Merriam-Webster (Mỹ) đã chọn “authentic - xác thực” là từ đại diện của năm 2023. Họ tuyên bố: “Dù đây là một phẩm chất đáng mơ ước, tính xác thực rất khó xác định và thường gây tranh cãi”. Theo từ điển Merriam-Webster, “xác thực” có thể mang nhiều ý nghĩa, tùy theo hoàn cảnh sử dụng. Nó có thể biểu thị cho tính chất thật, không giả hay bắt chước, hoặc thể hiện một người hành động đúng với tính cách, tinh thần của chính mình. Trong một số trường hợp, tính xác thực còn thể hiện một khái niệm đáng được chấp nhận, có thể tin tưởng và dựa trên thực tế.
Việc sử dụng thuật ngữ “xác thực” phổ biến hơn trong năm 2023 khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) làm mờ đi ranh giới giữa “thật” và “giả”, cùng với đó là xu hướng “sống thật với chính mình”. Nhà xuất bản ghi nhận nỗ lực của nữ ca sĩ Taylor Swift (Mỹ) cùng những người khác khi họ tạo nên xu hướng bằng những tuyên bố về việc tìm kiếm tiếng nói và con người đích thực của chính mình. Hầu hết các câu chuyện của họ xoay quanh vấn đề liệu ta có đang hành động như một người bình thường, đáng tin cậy và thân thiện với người xung quanh. Đó là điểm khác biệt quan trọng, vì việc “sống giả” có thể khiến bạn bị xa lánh. Ngược lại, truyền tải thông điệp chân thực có thể giúp bạn nổi tiếng và truyền cảm hứng cho người khác.
|
Áp lực xã hội, đánh giá của người khác khiến nhiều người không dám sống thật với chính mình - Ảnh minh họa: Alamy |
Sống thật với bản thân bao gồm việc chấp nhận và thể hiện con người thật của chúng ta chứ không phải một phiên bản mà xã hội mong đợi hoặc chấp nhận. Tính xác thực này gắn bó sâu sắc với ý thức giá trị và sự hiểu biết về bản thân của mỗi người. Brené Brown - giáo sư xã hội học tại Đại học Houston, tác giả cuốn sách Braving the Wilderness - lưu ý: chúng ta không nên hy sinh tính “xác thực” để được chấp nhận. Thay vào đó, nó nên được coi là nền tảng của những mối quan hệ có ý nghĩa. Khi thành thật với chính mình, chúng ta sẽ thu hút những người đánh giá cao con người thật của ta, nuôi dưỡng những mối quan hệ lành mạnh, trọn vẹn hơn.
Là chính mình trong công việc
Vài năm trước, Jodi-Ann Burey - một nhà văn nổi tiếng người Mỹ gốc Jamaica - đã nhận công việc mới. Cô đã bày tỏ tham vọng và sự nhiệt tình sau khi tổ chức nơi cô làm việc nói rằng họ luôn khuyến khích người lao động thể hiện con người thật. Cô đặt rất nhiều câu hỏi, trình bày những ý tưởng mới và thách thức tư duy nhóm. Nhưng sau vài tuần đảm nhận vai trò mới, người giám sát của Burey yêu cầu cô hãy hòa nhập hơn với mọi người. Burey chia sẻ: “Hãy mang con người đích thực của bạn đến nơi làm việc là một câu khẩu hiệu thường được các công ty sử dụng và tôi sẽ rất vui nếu nó biến mất. Việc yêu cầu tôi sống thật sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có những hoàn cảnh cho phép tôi thành thật mà không đi kèm rủi ro”.
Theo báo cáo gần đây của Hays - một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Mỹ, nơi làm việc vẫn là không gian mà nhiều người cảm thấy không được là chính mình, vì sợ bị đánh giá. Báo cáo - dựa trên cuộc khảo sát với hơn 5.300 người lao động và nhà tuyển dụng ở Anh - cho thấy, một số nhóm người nhất định dễ cảm thấy lạc lõng tại nơi làm việc hơn những nhóm khác.
Hơn một nửa (51%) số người được khảo sát cho biết, họ từng cảm thấy cơ hội trúng tuyển công việc mới bị hạn chế do lý lịch cá nhân hoặc các yếu tố nhận dạng khác bao gồm tuổi tác, người phụ thuộc, khuyết tật, dân tộc hoặc quốc tịch, giới tính hoặc bản dạng giới, tôn giáo hoặc tín ngưỡng cũng như hoàn cảnh kinh tế xã hội. 34% phụ nữ trong nghiên cứu cảm thấy cơ hội làm việc bị hạn chế do giới tính, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 12% ở nam giới.
Khi nói đến sự phát triển nghề nghiệp, nghiên cứu cũng chỉ ra những bất bình đẳng tương tự. Gần một nửa số người tham gia (48%) cho biết, đã có lúc họ cảm thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp tại tổ chức hiện tại bị hạn chế do lý lịch hoặc yếu tố nhận dạng cá nhân. Dan Robertson tại Hays nhận xét: “Nếu nhân viên không cảm thấy họ có thể là con người thật của chính mình, điều đó sẽ đem đến tác động tiêu cực cho phúc lợi của họ và cuối cùng là khả năng giữ chân lao động, văn hóa công ty”.
Theo phụ nữ TPHCM