Nhà sử học Shim Baek Kang có nhiều năm nghiêm cứu lịch sử, đồng thời là tác giả của hơn 20 tác phẩm liên quan đến lĩnh vực này. Ông học tiếng Trung tại Đại học Sư phạm Đài Loan và lấy bằng tiến sĩ lịch sử tại Đại học Yanbian (Trung Quốc)
“Thời gian tới, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ thắt chặt hơn trước khi có sự tương đồng về mặt lịch sử của hai dân tộc”. Đó là nhận định của Shim Baek Kang, một nhà sử học có niềm đam mê vô tận với việc nghiên cứu về lịch sử buổi đầu dựng nước của Hàn Quốc, đồng thời là Chủ tịch của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul. Trả lời tờ The Korea Times, ông cho biết Việt Nam và Hàn Quốc là anh em ruột thịt, có chung nguồn gốc từ bộ tộc Maek.
Tuyên bố trên của nhà sử học người Hàn dựa trên sự giống nhau trong các tài liệu và Hán tự cổ. Trong Đại Việt sử ký toàn thư (1479) do nhà sử học Ngô Sĩ Liên biên soạn, Văn Lang là nhà nước đầu tiên của người Việt và trải qua 18 đời vua Hùng. Theo truyền thuyết của Việt Nam, Lạc Long Quân cùng Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, 50 người con xuống biển, 50 người con lên núi. Trong số những hậu duệ của hai vị sau này trở thành vua Hùng, bắt tay xây dựng hình hài đất nước thuở ban sơ. Căn cứ này cho thấy nước ta có nguồn gốc từ bộ lạc Maek, mà theo tiếng Hán cổ, Maek nghĩa là Lạc. Đáng nói, các tài liệu cổ từng được ghi chép của Hàn Quốc cũng cho thấy quốc gia này cũng có nguồn gốc từ bộ lạc Maek.
Bản sao của cuốn Đại Việt sử ký toàn thư là một trong những tài liệu quan trọng giúp ông Shim Baek Kang đối chiếu, so sánh với nhiều tài liệu của Hàn Quốc để đưa ra các nhận định trên
Đặc biệt, hai nhà nước đầu tiên của Việt Nam - Hàn Quốc cũng có nhiều nét giống nhau. Cả Văn Lang (2879 - 258 TCN) lẫn Gojoseon (2333 đến 100 TCN) đều trải qua 18 đời vua và tồn tại trong khoảng 2.000 năm. Hơn nữa, cha đẻ của các vị vua này được gọi là Hwanung (Hoàn Hùng). Trong đó, chữ “Hùng” của “Hoàn Hùng” lẫn vua Hùng đều xuất phát cùng một Hán tự. Điều đó đồng nghĩa với việc bộ lạc Maek chính là nguồn gốc chung lý giải cho nguồn gốc nhà nước đầu tiên của Việt Nam và Hàn Quốc.
Theo ông Shim Baek Kang, bộ lạc Maek có từ khoảng năm 5000 TCN tại Hồng Sơn, thành phố Xích Phong, nằm trong Khu tự trị Nội Mông ngày nay của Trung Quốc. Năm 1908, các nhà khảo cổ học phát hiện một ngôi mộ hoàng gia, bàn thờ tế lễ và đền thờ tổ tiên cho thấy một nền văn minh có cấu trúc hoàn thiện. Bộ lạc này được cho là xuất hiện sớm hơn 2.000 năm so với bộ lạc Hán (Trung Quốc), đặt nền tảng cho tiền đề cho rằng Maek là bộ lạc đầu tiên, lâu đời nhất và là nguồn gốc của các bộ lạc sau này.
Một số tài liệu lịch sử đề cập rằng tổ tiên xa xôi của người Hàn là bộ lạc Maek. Quốc gia cổ đại Gojoseon còn được gọi là Bal Joseon, trong đó “Bal” được sử dụng thay thế cho Maek. Theo cuốn Classic of Mountains and Rivers, tập sách địa lý lâu đời nhất của Đông Nam Á, Buyeo (một quốc gia tồn tại khoảng một thế kỷ trước khi Gojoseon sụp đổ) cũng có bộ lạc Maek cư ngụ.
Chữ "Hùng" trong Hoàn Hùng (Hàn Quốc) và Vua Hùng (Việt Nam) đều xuất phát từ một Hán tự
Những người này được biết đến với nền văn hóa đặc trưng là thờ mặt trời với các vật tổ và chim được xem là một biểu tượng tâm linh tối cao. Sự thống trị của Trung Quốc đã dẫn đến việc nhiều tài liệu cổ của cả hai quốc gia đều bị thất lạc. Trong số đó có Đại Việt sử ký (1272) của nhà sử học Lê Văn Hưu viết và tạo cơ sở cho cuốn Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên. Tuy nhiên, tại một số di tích lịch sử, các vật tổ và hình ảnh chim Lạc vẫn được tìm thấy ở nhiều nơi, trong đó có Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội.
Theo The Korea Times, nhiều quốc gia vẫn xem những câu chuyện về Hoàn Hùng và Lạc Long Quân là những thần thoại được ra đời để tượng trưng cho sự thống trị và sức mạnh tinh thần. Tuy đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng theo ông Shim Baek Kang cả trong truyền thuyết lẫn lịch sử, Việt Nam và Hàn Quốc đều có nhiều điểm giống nhau đáng kinh ngạc.
Phân tích của nhà sử học Shim Baek Kang nhận được sự chú ý của công chúng hai quốc gia, nhất là trong bối cảnh Việt Nam - Hàn Quốc đang ngày càng phát triển mối quan hệ hơp tác, hữu nghị trên nhiều lĩnh vực từ ngoại giao, kinh tế, văn hóa cho đến giáo dục. Hiện nay, các tập đoàn kinh tế, tổ chức giáo dục, văn hóa Hàn Quốc ngày càng tìm kiếm cơ hội và đẩy mạnh đầu tư, hợp tác với Việt Nam. Đối với chính phủ của Tổng thống Moon Jae In, Việt Nam là một người bạn thân thiết, đối tác quan trọng của Hàn Quốc trên trường quốc tế. Đặc biệt, khi cả hai quốc gia có chung một nguồn gốc, tình cảm giữa hai dân tộc được dự đoán sẽ thêm phần bền chặt, gắn bó dài lâu.
Theo
Thanh Niên