Mỗi vùng đều có nền văn hóa mang tính riêng của mình nhưng cũng mang tính chung do cùng là vùng đất cổ thuộc trung tâm châu thổ Bắc Bộ. Văn hóa hai vùng còn giao thoa do vị trí địa lý sát cạnh nhau và địa lí hành chính nhiều lần thay đổi, ví dụ có thời gian Hoài Đức thuộc Hà Nội, rồi lại trở về xứ Đoài, Thanh Trì có thời gian thuộc xứ Đoài sau lại thuộc Hà Nội. Riêng Tả Thanh Oai xưa thuộc Hà Tây, sau chuyển hẳn về Hà Nội. Sự sống của nhiều con người, nhiều nhân vật văn hóa cũng vậy, có người thuở nhỏ ở xứ Đoài, nhưng trưởng thành lại sống và làm việc ở Hà Nội và ngược lại. Các ngành nghề cũng vậy, nhiều nghề khởi phát và hiện vẫn còn ở xứ Đoài nhưng một bộ phận đã chuyển về Hà Nội tạo nên những phố nghề ở Hà Nội…
Tuy nhiên, trong phạm vi tương đối, văn hóa xứ Đoài và văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng có những nét khác nhau, ví dụ có những nhân vật lịch sử, nhân vật huyền thoại, những lễ hội chỉ hoạt động ở 1 trong 2 vùng. Văn nghệ dân gian cũng vậy, có những truyện kể, những ca dao chỉ xuất phát và phổ biến ở trong vùng. Về văn học viết, có những tác phẩm của nhà văn này in đậm văn hóa ở vùng này hơn vùng kia, có những tác phẩm của nhà văn nọ lại là sự giao thoa, thậm chí hòa quyện của 2 miền địa văn hóa.
Trong bài này, tôi muốn đề cập đến sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa qua văn học, là phương diện nổi bật nhất của văn hóa, nếu không nói là hạt nhân của văn hóa (vì văn học là nhân học).
Trước nhất nói về văn học dân gian, về văn học dân gian hai vùng, tôi cũng không nói đến những thần thoại về cội nguồn mà chỉ nói đến những truyền thuyết sau này, vì dân tộc ta đều có chung một cội nguồn, nhất là ở 2 vùng sát cạnh nhau và đều là vùng đất cổ của đất nước và đều lưu giữ nhiều dấu tích của thần thoại, truyền thuyết xa xưa. Ví dụ truyền thuyết về các tướng lĩnh của vua Hùng (Hùng Duệ Vương) là Ngũ long giáng thế. Hay sự tích Đức Thánh Bối (Bối Khê, Tam Hưng, Thanh Oai), có nhiều phép thuật, giúp vua Trần Anh Tông làm lễ cầu mưa, đủ nước cho nhân dân cày cấy. Về sau, ngài còn giúp vua cuối đời Trần hiếm muộn sinh được hoàng tử. Đến khi Lê Lợi khởi nghĩa, ngài còn giúp cho nghĩa quân đánh thắng giặc Minh ở Mai Lĩnh, Ninh Kiều…
Chùa Thầy
Ca dao tục ngữ của 2 vùng xứ Đoài và Thăng Long đều phong phú nhưng có mấy câu có cả địa danh của 2 vùng, đó là: "Nhớ ngày mồng bảy tháng ba/ Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy"; "Chẳng vui cũng thể hội Thầy/ Chẳng trong cũng thể hồ Tây, xứ Đoài". Câu ca dao về Hà Nội: "Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/ Mịt mờ khói tỏa làn sương/ Nhịp chày Yên Thái/ Mặt gương Tây Hồ", chính do người xứ Đoài sáng tác ra (Dương Khuê, ông Nghè Vân Đình). Ca dao xứ Đoài có bài về chợ, chủ yếu là chợ xứ Đoài nhưng chợ đầu tiên được kể lại là chợ Đồng Xuân: "Vui nhất là chợ Đồng Xuân/ Kẻ buôn người bán xa gần thảnh thơi/ Hà Đông là chợ đằng xuôi/ Ngỗng vịt cũng lắm, đồ chơi cũng nhiều…".
Xứ Đoài có nhiều làng nghề, đã đi vào ca dao và hầu hết các nghề đó đều được đặt tên phố ở Thăng Long - Hà Nội. "Xứ Đoài là đất trăm nghề/ Đi buôn, làm thợ đề huề tinh tươm". "Cổ Hiền mộc chạm, đồ ngang/ Thụy Ứng làm lược cô nàng biết không" (Thăng Long - Hà Nội có phố hàng Lược). "Kẻ Mía kéo mật, hội đường/ Thợ rèn Quang Húc, Chu Chàng ươm tơ" "Đa Sĩ có lịch, có lề/ Có sông tắm mát, có nghề làm dao" (Thăng Long - Hà Nội có phố Lò Rèn, phố Hàng Đường). "Muốn ăn cơm trắng cá mè/ Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông" (Hà Nội có phố hàng Nón). Xứ Đoài đem nghề ra Thăng Long - Hà Nội nhưng chính Thăng Long - Hà Nội giúp cho nghề đó phát triển, tinh xảo hơn, ở cả Thăng Long - Hà Nội và ở quê cũ xứ Đoài.
Về văn học viết, sự giao lưu văn hóa trước nhất bắt đầu từ người viết, vì người viết lại ở những vùng giáp ranh Thăng Long, xứ Đoài, và do sự thay đổi về địa lí hành chính, khi thì thuộc Thăng Long, khi thì thuộc xứ Đoài. Chu Văn An là người Thanh Liệt, Thanh Trì nhưng Thanh Trì xưa thuộc xứ Đoài, sau mới về Hà Nội. Dòng họ Ngô Thời, người Tả Thanh Oai, Tả Thanh Oai từ xưa vẫn thuộc xứ Đoài, gần đây mới thuộc về Hà Nội. Người xứ Đoài nhiều người sống và làm việc ở Hà Nội nên có những bài thơ hay, cảm động, sâu sắc về Hà Nội như Dương Khuê với bài “Hà Thành trung thu tiết”.
Nguyễn Du quê Hà Tĩnh, đã viết nhiều bài thơ kiệt tác về Thăng Long (như “Long Thành cầm giả ca”…) nhưng đã có thời gian làm tri phủ Thường Tín và đã viết bài “Đông Lư lộ thượng dao kiến Sài Sơn” (Trên đường Đồng Lư nhìn ra thấy núi Thầy). Nguyễn Trãi quê ở Nhị Khê, tất nhiên viết bài về Nhị Khê nhưng cũng có cả chục bài viết về Thăng Long, trong đó có bài thơ: "Góc Thành Nam lều một gian/ No nước uống, thiếu cơm ăn… Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải…" và bài “Đề kiếm” chữ Hán, cả 2 bài đều thuộc loại kiệt tác.
Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước, cũng là nơi hội tụ và thăng hoa của ca trù, nhưng người xứ Đoài cũng đã góp phần tôn vị trung tâm đó với các bài hay như Dương Khuê với bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết… Vũ Đình Long quê ở Thanh Oai, xứ Đoài, là người khai sinh kịch nói Việt Nam (Chén thuốc độc) nhưng kịch nói ấy có được lên sân khấu hay chỉ để đọc thôi là nhờ Hà Nội. Hà Nội cũng là nơi Vũ Đình Long phát triển nghề xuất bản. Nguyễn Văn Vĩnh (quê Phượng Dực, Phú Xuyên) thực thi nghề làm báo tại Hà Nội…
Tiêu biểu cho sự hòa quyện của văn hóa xứ Đoài và văn hóa Hà Nội là thơ Quang Dũng. Địa văn hóa Tràng An trong thơ ông không in dấu nhiều địa danh, thi ảnh bằng địa văn hóa xứ Đoài mà chủ yếu là thể hiện phong cách, cốt cách người Tràng An thanh lịch, hào hoa. Sự hòa quyện đó có thể thấy trong từng bài thơ. Đơn cử như “Đôi mắt người Sơn Tây”, bên những câu thơ thật thà, quê kiểng của xứ Đoài như: "Mẹ tôi em có gặp đâu không/ những xác già nua ngập cánh đồng…" lại có những câu lãng mạn, hào hoa, một chút kiêu sa nữa như: "Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương" hay "Đã hết sắc mầu chinh chiến cũ/ còn có bao giờ em nhớ ta".
Sau ngày sáp nhập, lực lượng sáng tác của xứ Đoài vốn một phần đã có cơ sở ở Hà Nội, càng phát triển mạnh hơn, với tầm nhìn xa rộng hơn. Lực lượng sáng tác của Thăng Long - Hà Nội càng có thêm điều kiện để hiểu sâu thêm về lịch sử và cội nguồn và đi sâu hơn vào đời sống nông thôn trong bước đầu đô thị hóa nên thơ văn càng đằm thắm hơn, sâu chắc hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Gia Cương viết: "Xứ Đoài cổ nay hợp về Hà Nội/ Đường Lâm thành danh thắng đất Thăng Long/ Đá ong đỏ như lên màu sắc mới/ Đường làng quê hội khách tự muôn phương/ Tôi đã đến không là lần thứ nhất/ Mà dường như lạ lẫm buổi ban đầu/ Làng cổ đó là tinh hoa đất nước/ Từ ngàn xưa lưu giữ tới muôn sau". Hay Nguyễn Trọng Văn trong “Về lại Sơn Tây” viết: "Xinh như bài ca dao thẳm giữa mặt hồ/ Đỉnh Ba Vì ngả che ngang mái đầu lấm bạc/ Tôi nghĩ cỏ cây đang hát/ Tiếng thì thầm rỉ rả của lũ côn trùng rúc trong đám cỏ đêm/ Rất xa/ Nhưng không thể quên/ Thị xã mắt người nào cũng tím/ Em gái làm thơ/ Bài thơ khỏa đầy lòng giếng/ Hơi thở ngọt lừ/ Ừ, như thế đã mấy ngàn năm". Bùi Kim Anh nhận ra bên "Vạt tường cổ xiên theo năm tháng…/ pháo đài ngủ yên rêu phủ/ Ẩn chứa trong mỗi nhánh rễ chứng nhân lịch sử…", người đàn bà thị xã Sơn Tây: "… nhỏ nhắn/ một lần yêu một lần chờ đợi người ra đi ngày ấy/ để cô đơn khép lại một đời/… xâu thời gian lần mỗi chiều từng hạt…".
Không có thời gian để nói nhiều về sự phát triển của thơ văn Hà Nội sau sát nhập nhưng vì sự phát triển đó đã hiển lộ rõ suốt 10 năm và trong động lực của sự phát triển ấy có sự giao thoa càng sâu rộng hơn của hai miền văn hóa bây giờ đã hợp một nhưng đã thăng hoa và đặc sắc trong cả nét chung và riêng. Sự đặc sắc trong sự hòa điệu chung - riêng đó, chỉ có sự tinh tế và nhạy cảm trong phân tích mới cảm nhận được, và khi cảm nhận được thì đó là niềm vui sướng không gì hơn.