Phố sách Hà Nội


Sự phát triển của công nghệ ngày càng gia tăng, kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ trong hầu khắp các hoạt động của cuộc sống thường nhật. Thương mại điện tử ngày càng tỏ ra lợi thế, đe dọa sự tồn vong của mô hình kinh doanh nhỏ lẻ truyền thống, trong đó có các hiệu sách truyền thống.


Tự làm mới mình

Giai đoạn những năm 2010, mô hình các nhà sách trực tuyến tại nước ta nở rộ và đạt được những thành công đáng kể. Với nhiều ưu điểm riêng mà đặc thù hơn cả là giúp độc giả tiết kiệm nhiều thời gian, công sức đi mua sách, nhà sách trực tuyến dần trở thành người bạn thân thiết của một bộ phận độc giả, nhất là những “mọt sách” có nhịp sống công nghiệp bận rộn.

Trước nguy cơ mất dần vị thế, mất dần thị trường, các nhà sách truyền thống đã ra sức chuyển đổi cách thức kinh doanh một cách triệt để. Đáng chú ý là hai phương châm: tận dụng sức mạnh của kỹ nghệ, của hình thức kinh doanh trực tuyến, thay vì xem đó là “tình địch”; tạo sự thân thiện, gần gũi hơn với độc giả qua không gian đọc được cải thiện ở nhiều mặt.

Các nhà sách truyền thống tiến hành song song cả hai hình thức kinh doanh, vừa bán sách tại quầy, vừa giao sách đến tận nơi khách hàng yêu cầu. Công tác truyền thông cho ấn phẩm mới được đẩy mạnh trên các website cũng như trang fanpage của nhà sách. Các hiệu sách truyền thống cũng chú ý đến việc tương tác với độc giả thông qua các kênh mạng, lắng nghe các phản hồi của độc giả để từ đó tìm hiểu “gu” sách của khách hàng.

Không chỉ thường xuyên thay đổi cách trang trí không gian, bày trí sách, các nhà sách còn dành sự trân trọng cho khách hàng khi luôn quan tâm đến việc thiết kế nơi đọc để độc giả có thể thoải mái an nhiên ngồi đọc (dù không mua sách). Các hiệu sách truyền thống dần tự làm mới mình để tạo ra một không gian đa dạng, sinh động hấp dẫn, nơi mà ở đó, độc giả có thể vừa mua sách, ngắm cảnh, vừa có không gian yên tĩnh đọc sách và lại có thể gặp gỡ bạn bè, trao đổi về sách.

Câu chuyện không của riêng ai

Đây chính là hướng đi của các nhà sách truyền thống ở Trung Quốc, khi các chủ hiệu sách cũng “ngày càng chú trọng đến thể nghiệm của độc giả, cũng như chức năng “xã giao” của hiệu sách. Nhiều độc giả đang dần cho rằng “bầu không khí trong hiệu sách hiện nay ngày càng khá, thưởng thức mùi thơm của cà phê và đọc sách trong hiệu sách được coi là một trong những quãng thời gian tràn đầy hạnh phúc nhất trong cuộc sống” (theo China Radio International).

Ở Hàn Quốc, tình hình cũng tương tự, khi các hiệu sách truyền thống luôn trong tâm thế thay đổi để độc giả có nhiều lý do đến và ở lại lâu hơn. Theo đó, không gian cho văn hóa đọc cũng là không gian của phòng tranh nghệ thuật, của các buổi hội thảo… Chủ các hiệu sách truyền thống tin rằng, sự “hòa âm phối khí” này là giải pháp hữu hiệu giúp các hiệu sách truyền thống có thể cạnh tranh với các cửa hàng sách online cũng như sự phát triển của sách điện tử (ebook).

Vào cuối năm 2015, làng sách thế giới xôn xao luận bàn khi Amazon - website bán sách online vào loại hàng đầu thế giới - đã khai trương cửa hàng sách “thực” đầu tiên của họ tại Seattle (Mỹ) sau hơn 20 năm hoạt động kinh doanh trực tuyến. Dù còn nhiều điều đáng bàn xung quanh sự kiện quan trọng này nhưng nó cho thấy tín hiệu mới, tràn đầy sức sống về tương lai của hiệu sách truyền thống.

Ở Việt Nam, sự ra đời của “Phố sách Hà Nội” (Phố 19/12), “Đường sách Nguyễn Văn Bình” (TP.HCM), cũng như các đường sách, phố sách tại nhiều địa phương khác trong cả nước là biểu hiện sống động cho sự hồi sinh của nhà sách truyền thống, bên cạnh việc xuất hiện hàng loạt các hiệu sách thế hệ mới của các đơn vị kinh doanh sách tư nhân như “thành phố sách - book city”, cà phê sách…

Rõ ràng, hiệu sách truyền thống đang tự viết nên những trang sử cho chính mình. Những địa chỉ mang ý nghĩa không gian đọc này đã trở thành nơi diễn ra nhiều sự kiện ra mắt, giới thiệu sách, tọa đàm về sách, thậm chí là các buổi nói chuyện về các vấn đề văn hóa, lịch sử, triết học, kinh tế… thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt tham dự của độc giả, nhất là các bạn trẻ.

                                                         Theo Thế giới và Việt Nam