|
|
Một phòng tự học ở Trung Quốc. (Nguồn: sixthtone) |
Hai năm trước, vào một ngày mùa Đông có gió và lạnh lẽo ở Bắc Kinh, Chen Changwen, tiến sỹ ngành truyền thông của Đại học Quốc gia Singapore, tìm đến một không gian làm việc chung ở quận Haidian của thành phố.
Nằm trong một tòa nhà văn phòng bình thường được bao quanh bởi các khu chung cư, phòng làm việc chung ẩn mình trong một mê cung gồm các cửa hàng làm tóc, in ấn và chụp ảnh. Bước vào bên trong, Chen được chào đón bởi sự im lặng tuyệt đối. Mọi người đều đắm chìm vào màn hình máy tính hoặc sách của mình, không ai buồn liếc nhìn khi có người tới.
Chen cố gắng hết sức để không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của họ. Số ghế và quy định về cơ sở vật chất được đăng trên bảng thông báo hoặc được cung cấp qua ứng dụng nhưng vấn đề xảy ra là Chen không biết mật khẩu wifi ở đó.
Lúng túng, Chen thận trọng vỗ nhẹ vào vai một thanh niên gần đó, phá vỡ sự tập trung của anh ta và lập tức nhận về một cái nhìn khó chịu.
Khi Chen đưa ra câu hỏi, người thanh niên nhìn chằm chằm vào Chen trong năm hoặc sáu giây trước khi gạt Chen ra: "Tôi không phải là nhân viên ở đây, anh hỏi tôi làm gì?" Ngạc nhiên trước thái độ đó, Chen lẩm bẩm xin lỗi trước khi bỏ đi.
Chen cho biết: "Rõ ràng là tôi đã vi phạm một quy tắc bất thành văn của phòng làm việc chung, nhưng phải mất một thời gian nữa tôi mới hiểu hết mức độ nghiêm trọng của sai lầm đó."
Trong sáu tháng tiếp theo, Chen sẽ đến khảo sát tổng cộng 13 không gian làm việc chung tương tự - người Trung Quốc gọi là “phòng tự học” dành cho sinh viên, sinh viên mới tốt nghiệp và người thất nghiệp - ở khắp Bắc Kinh và thành phố Tây An.
Sau chuyến khảo sát, Chen càng tin rằng câu trả lời giận dữ của người thanh niên phía trên không phải là một trường hợp cá biệt, mà là một phần của xu hướng chống đối xã hội trong bối cảnh giới trẻ đang trải qua cuộc sống quá căng thẳng ở Trung Quốc.
Không gian chung cho những người cô đơn
Những phòng tự học đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản và Hàn Quốc vào những năm 1980 trước khi xuất hiện muộn màng ở Trung Quốc đại lục vào năm 2014.
Những phòng tự học này trở nên phổ biến sau năm 2019, một phần nhờ bộ phim truyền hình nổi tiếng Hàn Quốc “Reply 1988.” Trong bộ phim này, các nhân vật thường xuyên đến những phòng tự học như vậy.
|
|
Đến năm 2021, có khoảng 5.000 phòng tự học rải rác ở hầu hết các tỉnh thành ở khắp Trung Quốc. |
Phòng tự học điển hình được thiết kế đơn giản, chỉ nhằm mục đích cung cấp cho khách hàng một không gian để học tập và không có gì hơn thế. Hầu hết các chủ sở hữu muốn giữ chi phí ở mức thấp và họ thích trang bị các phòng đơn giản với các dãy bàn tiêu chuẩn, tủ nhỏ để đựng đồ và một số thứ khác.
Đến năm 2021, có khoảng 5.000 phòng tự học rải rác ở hầu hết các tỉnh thành ở khắp Trung Quốc. (Nguồn: sixthtone)
Giống như không gian làm việc chung, mọi người có thể trả tiền thuê chỗ ngồi theo giờ, ngày hoặc thậm chí cả năm, với giá dao động từ 20 đến 100 nhân dân tệ một ngày (3 đến 15 USD) tùy thuộc vào địa điểm, cơ sở và thương hiệu.
Mặc dù các phòng tự học có những điểm tương đồng với không gian làm việc chung nhưng chúng hầu như không có sự chia sẻ hoặc giao tiếp giữa các cá nhân. Thay vào đó, mọi thứ đều được thiết kế để giảm thiểu sự tương tác.
Người quản lý ba phòng tự học nhấn mạnh rằng những không gian này không chỉ có ngăn kéo và bàn làm việc, chúng đã được sắp xếp một cách thông minh, đặc biệt chú ý đến việc mỗi đồ vật có thể khiến khách hàng mất tập trung như thế nào.
Điều đó bao gồm cả những chi tiết như vị trí đặt thùng rác. “Mỗi chỗ ngồi trong phòng đều được trang bị thùng rác,” người chủ giải thích. “Bạn có thể nghĩ: điều này là để thuận tiện cho người dùng phải không? Thực ra đây chỉ là một yếu tố. Nguyên nhân chính là để giảm thiểu việc đi lại, tránh gây ảnh hưởng đến người khác."
Các phòng tự học mà Chen từng ghé qua sử dụng đồ nội thất tương đối giống nhau, nhưng hầu hết đều chia không gian thành các khu vực khác nhau, tạo ra những ngóc ngách khác nhau về cường độ ánh sáng, mức độ tiếng ồn và loại ghế.
Nó có vẻ như quá mức cần thiết, nhưng nền văn hóa này thu hút những cá nhân như Beibei, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học và đã thi trượt kỳ thi tuyển sinh sau đại học. Không còn là sinh viên nữa, cô cần một nơi học mới khi chuẩn bị thi lại. Nhà và những không gian công cộng khác đều bị loại bỏ.
Cô giải thích: “Khi đang học, mọi thứ dường như trở nên hấp dẫn hơn và tôi thấy mình chỉ muốn nằm xuống giường bất cứ khi nào tôi cảm thấy hơi buồn chán."
Đến phòng tự học, mọi cám dỗ ở nhà sẽ biến mất và chẳng có ai làm phiền bạn cả, Beibei cho biết.
Sự khắc nghiệt
Mong muốn dành hết sự tập trung cho việc ôn thi của Beibei có thể lý giải được trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường việc làm Trung Quốc, nơi bằng cử nhân vẫn chưa thể đảm bảo một công việc tốt.
Hơn 4,5 triệu người tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học vào năm 2021, tăng gần gấp ba lần so với một thập kỷ trước. Khoảng 1,42 triệu người tham gia kỳ thi công chức trong năm đó, tăng 40% so với năm 2020.
Theo tỷ lệ đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học thì cứ ba thí sinh thì có hai người sẽ phải đối mặt với quyết định khó khăn là nên thi lại hay tìm việc luôn.
Số liệu thống kê của kỳ thi công chức thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Không có gì lạ khi bắt gặp những bản tin về hàng trăm ứng viên cạnh tranh cho một vị trí việc làm.
Do vậy, bầu không khí căng thẳng ở nhiều phòng tự học cũng là điều dễ hiểu. Nhiều người có kế hoạch học tập nghiêm ngặt, với thời gian biểu chi tiết đến từng phút. Sự gián đoạn có thể làm hỏng lịch trình học tập cả ngày của họ.
Zaozao, một cô gái 25 tuổi làm kế toán trong một tổ chức do chính phủ tài trợ, giải thích áp lực như sau: “Tôi cảm thấy cuộc sống được chia thành nhiều giai đoạn. Khi không đạt được mục tiêu ở giai đoạn tiếp theo, tôi cảm thấy cuộc sống của mình đang trì trệ. Vì vậy, tôi rất nóng lòng đạt được mục tiêu đó càng sớm càng tốt để có thể thực hiện bước tiếp theo của cuộc đời."
|
|
Một phòng tự học ở Trung Quốc. (Nguồn: sixthtone) |
Dù đang có một công việc ổn định nhưng Zaozao vẫn tin rằng mình cần nâng cao trình độ học vấn để thăng tiến trong sự nghiệp và chuẩn bị cho khả năng bị sa thải trong tương lai - lý tưởng nhất là theo đuổi bằng thạc sỹ ở Trung Quốc hoặc ở nước ngoài.
Quyết tâm này bắt nguồn từ bài học đau đớn mà cô học được từ mẹ mình, người dành phần lớn cuộc đời làm y tá tại một bệnh viện công trước khi bị sa thải vào những năm 1990.
Suy nghĩ của Zaozao cũng là quan điểm của nhiều thanh niên Trung Quốc, ngay cả trong số đó có những người dường như đã đạt được mục tiêu cuối cùng là đảm bảo một công việc ổn định.
Lớn lên trong một hệ thống giáo dục lấy thi cử làm trung tâm, họ coi việc không học tập và trượt các kỳ thi là bằng chứng cho thấy họ đang “trì trệ” hoặc tụt lại phía sau. Ngược lại, chú ý và có khả năng học tập không chỉ đơn giản là vượt qua một kỳ thi - nó có nghĩa là một người có thể tiến tới giai đoạn tiếp theo của cuộc đời.
Mặt tích cực, dù hơi khắc nghiệt, của niềm tin này là bất kỳ nỗi đau nào trải qua trong quá trình học tập đều có thể chịu đựng được và thậm chí là đáng mong muốn. Các bài đăng trên Zhihu, một nền tảng hỏi đáp phổ biến ở Trung Quốc, thường khẳng định sự cần thiết của việc chịu đựng đau khổ khi mọi người nói về trải nghiệm khắc nghiệt trong học tập.
Một người đăng bài viết: “Hành động đúng đắn thường đi ngược lại với bản năng tự nhiên của chúng ta." “Chỉ những điều cảm thấy không thể chịu đựng được và khó khăn mới có thể mang lại sự thay đổi như mong muốn.”
Một bài đăng khác của Zhihu cho rằng những thách thức phải trải qua là điều “không thể tránh khỏi” trong quá trình hoàn thiện bản thân. Không có đau khổ thì không thể tiến bộ được.
Mặt trái của quan điểm này trở nên rõ ràng khi chúng ta quan sát thấy sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong giới trẻ Trung Quốc trong những năm gần đây.
Phụ thuộc quá nhiều vào giáo dục
Từ những năm 1980, sự di động xã hội ở Trung Quốc đã phụ thuộc nhiều vào giáo dục. Điều này đã nuôi dưỡng niềm tin cá nhân mạnh mẽ là kiến thức có thể thay đổi số phận của một người.
Di động xã hội còn gọi là sự cơ động xã hội hay dịch chuyển xã hội, là khái niệm xã hội học dùng để chỉ sự chuyển động của những cá nhân, gia đình, nhóm xã hội trong cơ cấu xã hội và hệ thống xã hội. Di động xã hội liên quan đến sự vận động của con người từ một vị trí xã hội này đến một vị trí xã hội khác trong hệ thống phân tầng xã hội. |
Mặt trái của điều này là nhu cầu phải liên tục cạnh tranh với các đồng nghiệp của mình hoặc có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Nhu cầu học tập liên tục đã trở thành gánh nặng khiến nhiều người cảm thấy vô vọng và vô dụng, đặc biệt nếu và khi việc học tập không mang lại kết quả.
Sự cạnh tranh không ngừng này đang cạn kiệt và với việc di động xã hội không còn dễ dàng đạt được nữa, các cá nhân ngày càng chuyển sang các phòng tự học để tìm nơi trú ẩn an toàn. Những không gian này hứa hẹn về sự phát triển và cải thiện bản thân, ngay cả khi chúng khiến mọi người ngày càng gầy đi.
Tất nhiên, có những phản ứng khác đối với hiện tượng này. Đã có những người trẻ Trung Quốc theo đuổi văn hóa "nằm thẳng" hay "nằm yên, mặc kệ sự đời" - chỉ làm những gì tối thiểu để sống qua ngày và không phấn đấu vì điều gì khác. Nhưng không phải ai cũng dám làm như vậy. Đối với phần còn lại, vẫn có cuộc đua vô tận ở phía trước./.
Theo vietnamplus