|
|
Bảng xếp hạng trường đại học của THE đã cho thấy giáo dục châu Á đang có sự phát triển mạnh mẽ. Ảnh:China Daily |
Theo bảng xếp hạng các trường đại học năm 2023 công bố ngày 12/10 của Times Higher Education (THE), 10 vị trí đầu tiên đều thuộc 2 nước Anh, Mỹ. Tuy nhiên, khi nhìn chung, không thể phủ nhận rằng các trường đại học châu Á đang dần thu hẹp khoảng cách với trường đại học thuộc các khu vực khác trên thế giới.
"Mỹ và Anh vẫn chiếm ưu thế về số lượng đại diện ở top đầu bảng xếp hạng nhưng nhìn chung họ đang yếu dần. Trung Quốc dẫn đầu sự phát triển ở Đông Á. Ngày càng nhiều trường đại học của nước này lọt 200 vị trí hàng đầu. Còn Trung Đông đang chứng kiến một sự phục hưng thực sự trong giáo dục đại học", Forbes dẫn lời Phil Baty, biên tập viên bảng xếp hạng.
Theo đó, Trung Quốc đạt vị trí cao nhất từ trước đến nay với 11 trường nằm trong top 200, đứng đầu là ĐH Thanh Hoa (vị trí 16) và ĐH Bắc Kinh (vị trí 17). Trong bảng xếp hạng năm ngoái, 2 ngôi trường này đồng hạng 16.
|
|
Trung Quốc ghi dấu sự phát triển mạnh mẽ trong chất lượng các trường đại học. Ảnh:Guardian. |
Theo một bài báo xuất bản trên tạp chí Scientometrics năm 2022, Trung Quốc vượt qua Mỹ về số lượng nghiên cứu "có tính ứng dụng cao". Không chỉ vượt mặt về số lượng, Trung Quốc còn có nhiều nghiên cứu tầm cỡ hơn và là quốc gia có số lượng bài báo khoa học thuộc top 1% được trích dẫn nhiều nhất thế giới.
"Với xu hướng hiện tại, Trung Quốc có thể sẽ vượt mặt Mỹ trong những năm tới", ông Baty nhận định.
Năm nay, Nhật Bản có số trường đại học có mặt trong bảng xếp hạng chỉ cao thứ 2 sau Mỹ với 117 trường, trong khi Mỹ có 177 trường.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng là quốc gia có nhiều đại diện thứ 6 bảng xếp hạng với 75 trường. Viện Khoa học Ấn Độ lần đầu tiên được xếp hạng trong top 300. Đây cũng là thành tích cao nhất của nước này từ trước đến nay.
Vùng lãnh thổ Đài Loan có số đại diện có mặt trong bảng xếp hạng cao nhất từ trước đến nay. Nếu so sánh với các năm trước, Đài Loan đã có sự phát triển từ từ đáng ghi nhận. Trong vòng 5 năm, từ 2019 với 32 đại diện, giờ đây Đài Loan đã có 43 đại diện góp mặt trong bảng xếp hạng.
Các quốc gia châu Á tại Trung Đông cũng có sự trỗi dậy mạnh mẽ. ĐH King Abdulaziz ở Saudi Arabia nhảy vọt từ thứ 190 của năm ngoái lên thứ 101 của năm nay và trở thành trường đại học được xếp hạng cao nhất trong khu vực. Số lượng trường đại học của nước này cũng tăng dần theo năm với 3 trường (năm 2021) lên 6 trường (năm 2022) và năm nay là 7 trường.
Các trường đại học của khu vực Đông Nam Á (ASEAN) cũng ghi nhận sự phát triển không nhỏ.
Singapore lần đầu tiên lọt top 20. ĐH Quốc gia Singapore tăng từ vị trí thứ 21 của năm ngoái lên vị trí thứ 19 năm nay. Năm 2020 và 2021, trường này giữ nguyên hạng 25.
ĐH Darussalam Brunei của Brunei cũng tăng thứ hạng từ top 400 của năm ngoái lên top 350.
Philipines lần đầu tiên có đại diện lọt top 400 là ĐH Ateneo de Manila.
Malaysia cũng có 22 đại diện góp mặt trong bảng xếp hạng của THE. Năm 2021, THE đánh giá Malaysia, bên cạnh Pakistan, đang có những bước tiến mạnh mẽ với tốc độ tương tự Trung Quốc nhờ sự gia tăng đáng kể trích dẫn nghiên cứu. Quốc gia này cũng được đánh giá là hệ thống giáo dục đại học tăng trưởng nhanh nhất về triển vọng quốc tế.
Bảng xếp hạng của THE là một trong ba bảng xếp hạng các trường đại học uy tín nhất thế giới. Để đưa ra bảng xếp hạng này, THE đã phân tích 15,5 triệu ấn phẩm nghiên cứu, 121 triệu trích dẫn, hơn 40.000 câu trả lời cho một cuộc khảo sát học thuật uy tín hàng năm và hàng trăm nghìn dữ liệu bổ sung về môi trường giảng dạy, triển vọng quốc tế và liên kết ngành của các trường đại học.
Theo zingnews