Văn hóa của người dân địa phương là một điểm mạnh của vùng Tây Bắc - Đông Bắc - Ảnh: THIBAULT CLEMENCEAU
Thiếu kết nối, thiếu điểm nhấn
Nhiều chuyên gia hoạt động lâu năm trong ngành du lịch đã cùng chia sẻ chung một nhận định khi nói về du lịch Việt Nam tại hội thảo đóng góp ý kiến về liên kết du lịch TP.HCM với các vùng Tây Bắc, Đông Bắc tổ chức tại Trường trung cấp Việt Giao (TP.HCM).
"Người Việt đi tour Thái Lan 4 ngày giá rẻ hơn đi tour trong nước 4 ngày. Đó là bởi vì Thái Lan làm rất tốt chuyện liên kết các nguồn lực vào chuỗi dịch vụ du lịch. Chẳng hạn, trong giá thành tour của họ không có tiền xe, nhưng đổi lại các xe đều phải ghé vào các cửa hàng, các điểm tham quan nhất định trong hệ thống.
TP.HCM, Hà Nội là các điểm du lịch có sức hút tự nhiên và cũng là các trung tâm trung chuyển. Nhưng để từ đó đưa khách đi Đông Bắc, Tây Bắc, chi phí di chuyển vẫn còn đắt đỏ.
Để làm được việc liên kết, không thể thiếu vai trò của Nhà nước, của ngành du lịch. Việt Nam có tiềm năng du lịch rất lớn nhưng vẫn chưa khai thác được. Tôi đã làm du lịch mấy chục năm, sắp về hưu mà bao nhiêu năm vẫn nói cùng một chuyện", thầy Vũ Nghiêm Hải - giảng viên ngành du lịch - chia sẻ.
Cùng quan điểm, ThS Phạm Tấn Thông cho rằng vì kết nối yếu, các tỉnh thành vẫn mạnh ai nấy làm, mỗi tỉnh làm mỗi kiểu nên sản phẩm du lịch nghèo nàn, các tour không có sự liên kết xuyên suốt, các hãng lữ hành vẫn phải tự thân vận động để có sản phẩm cho tour của họ.
Thầy Thông đưa ra ví dụ, Tây Bắc, Đông Bắc cần chọn ra các vùng đặc trưng về văn hóa, ẩm thực, du lịch mạo hiểm để làm sao kết nối với nhau thành một chuỗi hoạt động đa dạng.
Đồng thời theo thầy, cũng chính việc thiếu kết nối trong việc khai thác thế mạnh du lịch của các vùng miền khiến cho hoạt động quảng bá hiện nay thiếu điểm nhấn.
"Người ta biết đến Chiang Mai (Thái Lan) với lễ hội thả đèn lồng. Tây Bắc, Đông Bắc cũng cần chọn ra một lễ hội đặc trưng để quảng bá. Còn nếu quảng bá chung chung, sơ sài, người ta sẽ nghĩ Tây Bắc, Đông Bắc cũng chỉ có núi non và người dân tộc thiểu số thì khách từ miền Nam đi Tây Nguyên cho gần", thầy Thông nhận định.
Vẻ đẹp của Tây Bắc, Đông Bắc là người dân tộc thiểu số
Nói thêm về tính kết nối, tại hội thảo, TS Hồ Văn Tường cho rằng cần có người cầm trịch, định hướng khai thác sự đa dạng và khác biệt của các vùng miền.
Chẳng hạn, Trung Bộ tập trung vào hành trình di sản văn hóa thế giới, ẩm thực, biển đảo, tâm linh, lịch sử, cộng đồng. Đông Bắc phát triển du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, tâm linh, sinh thái.
"Sản phẩm của Tây Bắc là văn hóa các dân tộc thiểu số, trải nghiệm, cộng đồng, văn hóa ẩm thực, lễ hội. Lào Cai, Sơn La có người Mông, người Dao, người Dáy, người Thái, người Tày… với trang phục truyền thống, ẩm thực, đời sống cộng đồng rất đặc sắc.
Người thiểu số ở đây vẫn mặc trang phục truyền thống của riêng họ. Đó chính là nét đặc biệt của vùng đất này", TS Tường nêu.
Các chuyên gia du lịch cũng chỉ ra nhiều điều còn bỏ ngỏ trong việc khai thác du lịch một cách bền vững.
Một trong số đó là thực tế Việt Nam nổi tiếng với đường bờ biển dài, nhiều bãi biển nhưng chỉ có khoảng hơn 20 bãi tắm có thể đưa khách đi tour đến.
"Có rất nhiều bãi tắm rất đẹp, nhưng cơ sở hạ tầng không có nên chỉ có thể cho khách dừng chụp hình rồi đi, vô cùng lãng phí", một chuyên gia chia sẻ.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng chưa làm được việc là tận dụng chính đời sống đặc trưng của người dân các vùng miền để đưa vào các tour.
Các chuyên gia góp ý phát triển ngành du lịch tại hội thảo đóng góp ý kiến về liên kết du lịch TP.HCM với các vùng Tây Bắc, Đông Bắc tổ chức tại Trường trung cấp Việt Giao (TP.HCM) - Ảnh: VŨ THỦY
"Có những ông Tây đến Hội An thuê một con bò đi chăn, hay có những người thích trải nghiệm trồng rau, tưới rau, gặt lúa vùng cao… Đó là hoạt động trải nghiệm nông nghiệp mà chúng ta hoàn toàn có thể khai thác. Nhưng để làm được, vẫn cần vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức, liên kết người dân cùng tham gia", TS Tường đưa ví dụ.
Theo dulich.tuoitre