Tôi thấy nick của em trai hiện dưới một bức hình trên mạng xã hội. Bức hình được chú thích lời đứa con trai nói năng hỗn hào, ngang ngược với mẹ già. Bình luận của em tôi đại ý: “Thương bà già đứt ruột. Mấy thằng bất hiếu thế này đáng bị đập”.

Bình luận ấy, như mọi bình luận khác trong dãy dài những lời chê trách cậu con trai và bày tỏ nỗi thương cảm bà mẹ già. Đáng lẽ tôi sẽ không để ý, vì nó rất hợp lý, rất bình thường với cảm xúc con người. Vì chị em tôi bấm chọn nhau là bạn thân trên mạng xã hội, nên bất cứ gì em đăng đều sẽ ưu tiên nổi lên trên newsfeed và đập vào mắt tôi.

Cái “còm” khiến tôi băn khoăn. Em tôi là con trai trưởng, từ nhỏ được cưng chiều nên xưa giờ đối xử với mẹ tôi không tốt, nếu không nói là rất tệ. Em từng la mắng, chửi bới cha mẹ với những lời khủng khiếp, khiến hàng xóm và chị em trong nhà, ai cũng sợ.

 

Mỗi lần chạm mặt em, tôi và chị gái chỉ sợ xảy ra xích mích, luôn tìm cách rời đi thật nhanh. Cậu em út cũng không bao giờ giao tiếp với anh trai, chung cảm giác “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Tình cảm anh em, cha mẹ con thật lợt lạt, căng thẳng, khó hóa giải.

Tôi vẫn thấy khó giải thích, không hiểu sao em có thể lên mạng xã hội than khóc cho một người mẹ nào đó, bất bình cho một hoàn cảnh trong tấm hình chưa rõ đúng sai (rất có thể đó chỉ là sự dàn dựng câu view) mà quên mất mình từng quăng vào cha mẹ những lời tệ bạc, những hành động ngược đãi nặng nề.

Nhìn xung quanh, tôi thấy khá nhiều người năng nổ, đầy trắc ẩn trên mạng xã hội như vậy. Trong một loạt kịch truyền hình của HTV, tôi ấn tượng mãi cảnh bà trung niên nọ mở điện thoại xem gì đó, thương thân phận nhân vật quá nên bà ngồi khóc mãi không dừng. Đúng lúc ấy, có đứa trẻ nghèo bán vé số ghé vào hiên nhà mời mua. Bà đã không mua, còn mắng xối xả, miệt thị, xua đuổi đứa trẻ.

Bà trung niên trong kịch và em tôi đều dễ xúc động, thấu cảm với những sự kiện, nhân vật thương tâm trên các phương tiện truyền thông, trong khi họ vô cảm, ích kỷ với những người ngay bên cạnh mình, trong đời thật.

Không thiếu những người biểu hiện thật tốt đẹp trên trang cá nhân hay giữa chốn đông người. Họ có nhiều người theo dõi, bày tỏ tình cảm yêu quý trên mạng, nhưng bên ngoài cuộc sống thực, người xung quanh né họ, sợ họ, thậm chí lao đao vì sự ác độc của họ. Tới khi họ gặp sự cố “bể phốt”, cộng đồng mạng mới lục lại những lời “nói đạo lý” của họ và cười.

Tôi quen biết khá nhiều những người dễ dàng đi làm từ thiện, cúng dường tiền lớn, gửi tiền cho những lời kêu gọi cứu giúp các hoàn cảnh thương tâm trên mạng. Nhưng thực tế, khi bà con, gia đình họ khốn khổ hơn cả hoàn cảnh trên mạng xin giúp, họ làm lơ hoặc luôn có lý do để từ chối.

Tôi nghĩ, có lẽ ai cũng có quan điểm sống riêng, cảm xúc riêng trong mỗi hoàn cảnh, mỗi sự việc, hoặc vì một can cớ nào đó tôi chưa biết.

Thôi thì xã hội muôn vẻ, chuyện bên ngoài không dám bàn nhiều, chỉ mong em tôi nhìn những bức hình bất hiếu thì nhớ tới cha mẹ và những cư xử của mình để điều chỉnh cho kịp, kẻo sau này cha mẹ không còn, hối hận cũng vô ích. 

Theo phụ nữ TPHCM