Có điều lạ là nghệ thuật dân gian độc đáo ấy xuất hiện từ thời Từ Đạo Hạnh (thế kỷ XII) ít được biết đến rộng rãi ở nước ta. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội từ năm 1918 mà mãi tới năm 1950 mới thấy rối nước xuất hiện trong phong trào phục hồi vốn truyền thống. Có lẽ do rối nước chỉ gắn với lễ hội phồn thực không gian 15, 16 làng ven sông Hồng, mỗi năm diễn Xuân Thu nhị kỳ hoặc chỉ diễn trong vùng. Giới nghệ sĩ thành thị ít ai để ý, có thể họ chỉ cho là trò vui nơi “bùn lầy nước đọng”.
Sau những năm 1950, rối nước lại xẹp xuống do bom đạn Mỹ và chỉ thực sự lên ngôi từ sau Đổi mới do sự khuyến khích của chính quyền, sự thiết tha của dân làng và giúp đỡ của Quỹ Thụy Điển Việt Nam phát triển văn hóa (ba lần tài trợ tất cả các làng có rối nước, cùng Bảo tàng Dân tộc học tổ chức các buổi biểu diễn thường xuyên).
Giờ thì rối nước đã nổi tiếng thế giới. Tôi nhớ năm 2003, cùng hai anh Đình Quang và Nguyễn Huy Thiệp đi dự Festival Pháp ngữ tổ chức ở Cahors, một thành phố nhỏ miền Nam nước Pháp nổi tiếng về rượu vang đỏ và gan vịt béo. Chúng tôi đến chậm, khoảng 10 giờ đêm. Buổi biểu diễn rối nước sắp hết, khoảng 300 khán giả vẫn hào hứng theo dõi trò của chú Tễu.
Kết thúc, tiếng vỗ tay như sấm, hoan hô các diễn viên trong bể nước.
Thật khó tưởng tượng, cách đây hơn nửa thế kỷ, những người nông dân sông Hồng bị thực dân Pháp khinh miệt gọi là nhaque (nhà quê) lại được mến phục trên đất Pháp đến thế! Chị bạn nhà văn Mỹ Lady Borton kể lại chuyến rối nước Việt Nam lần đầu tiên sau chiến tranh vào Mỹ khó khăn như thế nào: Đúng lúc chúng tôi bước vào Nhà Quốc tế thì rạp đã chật cứng, không cách gì len vào, may gặp Don Luce tiến lại gần chúng tôi. Anh nổi tiếng từ khi tố cáo trùm cọp ở Côn Đảo. Trong 20 năm nay, anh làm công việc giới thiệu Việt Nam cho người Mỹ. Don Luce đưa chúng tôi lên “chuồng gà” (dãy ghế xếp tầng cao nhất). Tít dưới xa, sân khấu được thay bằng một bể nước hình chữ nhật, rộng bằng một căn phòng lớn. Phía sau là một hàng tre trước cửa tam quan một ngôi đền đỏ, mái cong.
Trên cao nhìn xuống chỉ thấy những chiếc gậy tre điều khiển con rối bằng gỗ. Có các cảnh người đánh cá và con cá tung tăng, rồng phun lửa, những điệu múa thờ… Những nghệ sĩ biểu diễn bài hát, điệu múa, nhạc truyền thống làm say mê khán giả Mỹ như tổ tiên họ từng làm say mê khán giả Việt từ hàng nghìn năm nay.
Bỗng có một trò bất ngờ. Tiếng đàn bầu, đàn tranh, tiếng sáo rộn rã. Hai con công gỗ nhảy ra từ sau rặng tre. Công là một loài chim gốc ở Đông Nam Á, sống trên cạn. Con rối nước lại xuất phát từ đồng bằng sông Hồng, trồng lúa nước, nơi đây, người và vật sống cả ở mặt nước lẫn trên cạn. Hai con công gỗ bước đi trịnh trọng và nghênh ngang như từ bao thế kỷ nay. Bỗng có quả trứng lắc lư giữa vợ chồng nhà công, rồi một chú công con vọt ra, đi lại tung tăng. Khán giả vỗ tay nhiệt liệt.
Tôi khẽ bảo Don: “Anh có vẻ thích thú nhỉ?”, trong bóng tối “chuồng gà”, tôi thấy nét vui tươi của Don. Nhiều năm nay, Don đã cố gắng hết sức tham gia hàn gắn vết thương Mỹ - Việt. Anh đã đưa hàng trăm người Mỹ sang thăm Việt Nam. Một chủ tiệm cà phê trong đoàn thích rối nước quá nên tìm cách đưa được một đoàn sang Mỹ. Công việc đâu phải dễ. Xin phép rồi, đưa đoàn sang Mỹ đã khó! Tối trình diễn ra mắt, người Mỹ gốc Việt đứng chặn cửa rạp, chống lại sự có mặt của người Việt từ miền Bắc đến. Nhưng rồi có tin đồn là múa rối nước “thần tiên” lắm, tin đi như làn gió nhẹ lướt trên những cây mạ mới cấy… Người biểu tình giải tán. Có người len vào rạp xem thử, rồi vài ngày sau, thấy họ vào rạp ngồi chung với khán giả và vỗ tay hoan nghênh. Cuối cùng là lân la vào hỏi chuyện diễn viên, tìm hiểu từ người thật đến con rối. Thế là môn nghệ thuật dân tộc độc đáo đã góp phần hóa giải mối kỳ thị giữa hai dân tộc Mỹ - Việt.
Hữu Ngọc /Theo Thế giới và Việt Nam