“Tứ đại mỹ nhân” điện ảnh Sài Gòn ngày trước: Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Kim Cương - Ảnh tư liệu
Trong hai năm thực hiện cuốn sách in màu, nhiều ảnh và dồi dào tư liệu này, tác giả đã sang Mỹ một tháng, tìm lại "những người muôn năm cũ", những người còn giữ được ký ức sống động về điện ảnh Sài Gòn ngày trước.
Điện ảnh miền Nam: dập dìu tài tử, giai nhân
"Nói tới điện ảnh miền Nam là phải nói tới các tài tử, giai nhân. Kiều Chinh sang trọng, cốt cách đúng tiêu chuẩn của một tài tử nhất; Thẩm Thúy Hằng đẹp nhất, còn Kim Vui vừa đẹp vừa quyến rũ. Tài tử nam thì Trần Quang quyến rũ nhất với phái nữ vì hàng ria con kiến và đôi mắt đa tình" - bà Nga Dung, một Việt kiều thành đạt ở Houston (Texas, Mỹ), nói với tác giả.
Khó có thể kể hết chỉ trong một câu nói, nhưng những cái tên trên thực sự gợi nhớ về một thời dập dìu tài tử minh tinh, một thời phim ảnh Sài Gòn sôi động, giải trí câu khách ồn ã lẫn với những đau đáu nghệ thuật không thành.
Đó là "tứ đại mỹ nhân" Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Kim Cương, là Trần Quang - "Rhett Butler Việt Nam", Thanh Lan, "thần Vệ nữ" Kim Vui, Thành Được, Hùng Cường, La Thoại Tân, các đạo diễn Lê Dân, Lê Hoàng Hoa, Lê Mộng Hoàng, Hoàng Vĩnh Lộc, Thái Thúc Nha...
Có nhiều cái tên, nhiều bức ảnh đến vậy nhưng cuốn sách lấy tiêu đề Người tình không chân dung - tên bộ phim của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc - như một cuộc kiếm tìm của Lê Hồng Lâm với "người tình điện ảnh" không rõ mặt của chính anh.
Điện ảnh miền Nam trước 1975 đa số là phim giải trí hướng tới khán giả bình dân nhưng không phải là vô giá trị. Điều Lê Hồng Lâm làm được là cho ra đời công trình đầu tiên, nỗ lực ghi nhận và đánh giá công bằng nền điện ảnh ngắn ngủi đó.
Mặc dù vậy, cuốn sách vẫn chưa thể là bức chân dung thực sự rõ mặt của "người tình" ấy. Tác giả thừa nhận điều anh nuối tiếc nhất là số lượng phim xem được vẫn quá ít ỏi và đặc biệt, anh chỉ có thể gặp phỏng vấn một vài nhân chứng quan trọng, trong khi rất nhiều đạo diễn lớn và diễn viên miền Nam thời kỳ 1954-1975 đã qua đời.
Một thời vàng son và thăng trầm
Điện ảnh Sài Gòn, hay rộng hơn là điện ảnh miền Nam trước 1975, tồn tại trong khoảng 20 năm từ 1954 đến 1975. Có khoảng 300 bộ phim được sản xuất, nhưng ngày nay hầu hết bản phim đã hư hỏng hoặc biến mất vĩnh viễn. Khán giả chỉ có thể xem lại qua YouTube hoặc một số bản phim được phục chế, phát hành dưới dạng Blu-ray hoặc DVD nhưng chất lượng mai một.
Lợi thế của Lê Hồng Lâm là kho tư liệu điện ảnh anh tự bồi đắp qua gần 20 năm làm báo về điện ảnh. Đó không chỉ là các bộ phim mà còn là những thông tin, sự kiện, tư liệu phỏng vấn và tác nghiệp.
Sách có lối viết báo chí, với cách trình bày dễ đọc, dễ hiểu so với kho tư liệu khá dàn trải cho thấy dụng công rất lớn của tác giả. Không chỉ xem hàng chục bộ phim thời kỳ đó, Lê Hồng Lâm còn khảo cứu các số báo điện ảnh nhiều năm liền: tuần báo Điện Ảnh, Truyện Phim, tuần báo Đời, Thế Giới Nghệ Sĩ.
Thêm vào đó là một số hồi ký giá trị như của đạo diễn Lê Dân, nhạc sĩ Phạm Duy (từng là đạo diễn điện ảnh), nghệ sĩ Kim Cương, sách Ảnh trường kịch giới của Hồ Trường An, sách Nghiên cứu phim của Warrant Buckland.
Trong phần 1, Lê Hồng Lâm giới thiệu với khán giả về một thời vàng son, một thời thăng trầm của điện ảnh Sài Gòn thông qua biên niên sử về 20 năm điện ảnh Sài Gòn. Trong đó, điểm sáng là năm 1957, giai đoạn 1969-1973 với các phim tiêu biểu: Đất lành, Ánh sáng miền Nam, Xin nhận nơi này làm quê hương, Loan mắt nhung, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Sau giờ giới nghiêm, Hè muộn...
Phần 2 đặc sắc với những cuộc trò chuyện của tác giả và các minh tinh, tài tử hay nhà làm phim: Kiều Chinh, Kim Vui, Trần Quang, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Hồng Đào...
Ghi dấu ấn đậm nét là Kiều Chinh (nay đã 83 tuổi), nữ tài tử miền Nam duy nhất phát triển được sự nghiệp tại Hollywood. Nhạc sĩ Phạm Duy nói bà "là một nghệ sĩ khả kính, đi vào chiến trường nghệ thuật đầy ma thuật mà vẫn giữ được tấm lòng trong sạch". Diễn viên Kiều Chinh nói trong cuốn sách: "Tôi mong có một bộ phim lớn nói về Việt Nam với tất cả văn hóa, con người, thay vì chỉ nói đến chiến tranh".
Với công thức gợi tình, tội phạm và anh hùng nhằm câu khách, phim giải trí Sài Gòn ngày trước từng bị báo chí nhắc nhở và lên án vì cảnh nóng. Đó là các phim Xin đừng bỏ em, Mãnh lực đồng tiền, Nàng, Trống mái, Điệu ru nước mắt, Vết thù trên lưng ngựa hoang... Trước tình trạng này, báo Đời (1971) có chuyên đề về "Năm Heo: Phim sexy tung hoành", công kích cảnh nóng trong phim ảnh và yêu cầu giới làm phim "vừa vừa thôi". |
Theo tuoitre