leftcenterrightdel
Câu chuyện của những người có hai quê hương trên trang sách luôn nhiều sức nặng, chạm đến tâm thức của độc giả 

Trở về trong trang viết

Trong kế hoạch tháng 3/2022 của Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP.HCM, hồi ký Con gái của chim phượng hoàng của Isabelle Muller (sinh năm 1964, nhà văn người Pháp gốc Việt, hiện sinh sống tại Đức) dự kiến được ra mắt. Đây là cuốn sách tiếp nối câu chuyện đã được kể trong tự truyện Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng (NXB Trẻ, 2018). Nếu như tác phẩm trước đó là về cuộc đời bà Đậu Thị Cúc - mẹ của Isabelle - thì Con gái của chim phượng hoàng chính là câu chuyện cuộc đời của nhà văn.

Isabelle Muller là nhà văn - doanh nhân thành đạt tại Đức, là người sáng lập Quỹ Loan (Loan Stiftung) chăm sóc trẻ em nghèo miền cao phía Bắc. Cuộc đời của chị, được nghe kể là một hành trình đầy đau đớn và vượt lên mọi nghịch cảnh nơi xứ người. Chị Vũ Yến - NXB Tổng hợp TP.HCM, người trực tiếp làm việc và gắn bó với Isabelle - nói rằng dù sống tại Pháp và Đức, nhưng tính cách, tâm hồn của nhà văn hoàn toàn là của người Việt Nam.

“Chị đã từng về quê nhà Hà Tĩnh vào những năm thập niên 1990 và cả tuổi thơ lớn lên trong những lời kể của mẹ về Việt Nam. Ký ức ấy vẫn theo chị suốt quá trình trưởng thành và cho đến bây giờ. Isabelle từng nói, trở về nguồn cội và sáng lập Quỹ Loan hỗ trợ trẻ em nghèo cũng là cách chị có thể cùng đưa mẹ trở về quê hương” - chị Vũ Yến tâm tình. 

Angie Chau (sinh năm 1974) là nữ nhà văn thuộc thế hệ nhà văn Việt Nam thứ hai tại Mỹ, từng được trao giải UC Davis Maurice về tiểu thuyết vào năm 2009.

Những người thầm lặng (tựa gốc: Quiet as they come) là tác phẩm đầu tiên của Angie Chau được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam. Không phải hồi ký hay tự truyện, Những người thầm lặng là tuyển tập truyện ngắn có bối cảnh ở San Francisco những năm thập niên 1980. Đó là câu chuyện về những người Việt Nam di dân trong cuộc hòa nhập và thích nghi với miền đất mới. Nhưng họ phải sống giữa hai tâm thức: ký ức về quê hương xứ sở và những xung đột văn hóa, xung đột thế hệ trên đất Mỹ. 

leftcenterrightdel
 

Tiếng nói của thế hệ mới

Nguồn cội - Chuyện về những người hai quê hương là cuốn sách vừa phát hành của Nguyễn Đan Thy, cô gái sinh ra tại Việt Nam, sang Mỹ định cư từ năm 12 tuổi. Tác phẩm là tiếng lòng của tác giả cũng như nhiều người trẻ có “hai quê hương”, luôn thấy mình bị mắc kẹt giữa hai bản dạng văn hóa, luôn phải đi tìm câu trả lời mình thuộc về nơi nào.

“Khi người ta hỏi tôi từ đâu đến, tôi nói tôi sinh ở Việt Nam rồi chuyển đến đây lúc đang học cấp II. Vậy nên tôi đến từ cả hai nơi: Sài Gòn và Houston. Tôi tự hào vì mình có hai căn tính, trân trọng sự khác biệt và đa dạng trong mình. Tôi là sự pha trộn của những mảnh ghép” - Đan Thy bày tỏ.

Nguồn cội - Chuyện về những người hai quê hương không chỉ là câu chuyện riêng của tác giả, mà đó còn là tiếng nói thay cho những người trẻ khác đang sống giữa những sự giao thoa văn hóa và ý thức về giá trị bản sắc của cộng đồng mình. Còn Ocean Vương, chàng trai trẻ trên đất Mỹ đang “nổi đình nổi đám” với tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (tiểu thuyết bestseller của New York Times, được trao hàng loạt giải thưởng tại Mỹ, vừa được Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành) đã xem văn chương là con đường của tự do. Trong buổi livestream giao lưu với độc giả Việt Nam mới đây, Ocean Vương đã có một câu trả lời rất ấn tượng: “Lịch sử của người Việt ở Mỹ lúc nào cũng là phục vụ, nếu là nhà văn, tôi muốn thay đổi điều đó. Bước đến mảnh giấy trắng đã là tự do, nếu mình đến nơi đó mà vẫn còn phục vụ cho người Mỹ thì mình lại mất tự do của bản thân mình rồi. Cuốn sách này được viết như một lá thư của hai người Việt Nam nói chuyện với nhau, còn người Mỹ muốn nghe muốn hiểu thì đứng bên ngoài, để hiểu văn hóa Việt Nam”. 

leftcenterrightdel
 

Đọc Ocean Vương, vẫn thấy câu chuyện của ba thế hệ trong cuộc di cư từ làng quê Việt Nam sang đất Mỹ, cùng những xung đột văn hóa mà một đứa trẻ Việt phải trải qua nơi xứ người. Nhưng Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một sự cất tiếng khác của người trẻ bản lĩnh, mà ở đó là sự khẳng định giá trị của chính mình, của bản sắc văn hóa; ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu và sự sống, mà đặc biệt là tôn vinh vẻ đẹp của người mẹ - người phụ nữ. 

The Washington Post nhận định: “Với một xuất thân bên rìa hết sức xa lạ, Vương đã viết nên một tác phẩm trữ tình về quá trình tự khám phá chính mình, vừa thành thật đến choáng váng, vừa phổ quát trong từng câu chữ”. Sau Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, tác giả sinh năm 1988 này chuẩn bị ra mắt tiếp tập thơ Time is a mother. Ocean Vương nói rằng anh yêu và tôn trọng cả tiếng Anh và tiếng Việt, nhưng xúc động nhất là khi Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được chuyển ngữ sang tiếng Việt, anh thấy như mình đã được “về nhà”… 

Theo phunuonline