leftcenterrightdel
 Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Đoàn công tác của Ba Lan do Ngài Tomasz Rzymkowski, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Ba Lan, dẫn đầu.

Tại buổi tiếp, Ngài Tomasz Rzymkowski cho biết, Chính phủ Ba Lan rất quan tâm đến việc tăng cường hợp tác giáo dục với Việt Nam. Để thắt chặt quan hệ hợp tác giáo dục hai nước, Ba Lan sẽ tăng học bổng diện Hiệp định cho Việt Nam từ 20 lên 50 suất mỗi năm.

Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của sinh viên Việt Nam khi theo học tại Ba Lan, Ngài Tomasz Rzymkowski cho biết lưu học sinh sau khi về nước sẽ trở thành cầu nối để giới thiệu con người, đất nước và văn hoá Ba Lan đến Việt Nam. Ngài Tomasz mong muốn hai bên tăng cường hợp tác đào tạo để lưu học sinh Việt Nam bắt kịp xu thế tại Ba Lan và trên thế giới.

Bên cạnh chương trình trao đổi sinh viên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Ba Lan đồng thời đề nghị, các cơ sở giáo dục đại học hai bên thúc đẩy hợp tác, trao đổi chuyên môn và nghiên cứu khoa học.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi làm việc.

Nhấn mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Ba Lan, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cảm ơn Chính phủ và Bộ Khoa học và Giáo dục Ba Lan đã hỗ trợ giáo dục Việt Nam.

Cụ thể, trong các năm vừa qua, phía Việt Nam đã cử sinh viên, nghiên cứu sinh sang Ba Lan học tập. Nhiều người sau khi tốt nghiệp đã trở về nước và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thống nhất với các ý kiến trao đổi của Ngài Tomasz Rzymkowski, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Ba Lan mở rộng chương trình đào tạo cho lưu học sinh Việt Nam ở các lĩnh vực mà Ba Lan có thế mạnh.

Hai bên tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học; thúc đẩy giao lưu giữa sinh viên, giảng viên và xây dựng mạng lưới cựu sinh viên Việt Nam – Ba Lan.

Tại buổi làm việc, hai bên cũng dành thời gian trao đổi về việc giảng dạy tiếng Ba Lan tại Việt Nam và dạy tiếng Việt tại Ba Lan, thúc đẩy việc hợp tác về du học.

Hiện, 113 lưu học sinh Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Cộng hoà Ba Lan. Các chương trình đại học, cao học tại Ba Lan được công nhận chất lượng tốt tại châu Âu và trên thế giới.
Về phía Ba Lan, sinh viên chủ yếu sang Việt Nam thực tập ngắn hạn từ 2 – 10 tháng, chưa có học sinh sang học chuyên ngành. Các ngành thực tập gồm Tiếng Việt, Quan hệ quốc tế, Tâm lý học. Các trường tiếp nhận lưu học sinh gồm Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Theo giaoducthoidai