Bìa cuốn sách "Thà cứ một mình rồi quen"

Tiếp tục khai thác đề tài thân phận người phụ nữ, được xem là sở trường của mình, Nguyễn Anh Đào dành phần lớn trong tổng số 20 truyện ngắn lần này để một lần nữa khóc cười với họ. Những người phụ nữ trong truyện của Anh Đào đều trải qua những mất mát, cay đắng, va đập trong cuộc sống nhưng sâu trong tâm can họ vẫn là khát khao kiếm tìm hạnh phúc mãnh liệt.

Đó là người phụ nữ tên Xuân – “nạn nhân” của ngày loạn lạc hơn 40 năm trước, dẫn đến gia đình chia lìa. Hơn 40 năm trôi qua, mẹ mất, ba và anh trai ở đâu cũng chưa biết, còn Xuân ngày ngày ngồi trên bờ biển xếp mười lăm hòn sỏi thành hình trái tim, mòn mỏi đợi chờ cho một ngày đoàn viên. (Truyện Trò chơi định mệnh). Lại có cuộc đợi chờ mờ mịt, mà người ở lại chỉ biết bám víu vào mùi hương bạc hà như một sự ám ảnh; còn người đi thì không hứa hẹn ngày về. Tình yêu của đã từng nồng nàn, say đắm vậy mà sau cùng lại trở thành biệt ly. Để rồi đối diện với những kỷ niệm cũ, lòng cô cứ rưng rưng, “lúc ồn ào dữ dội như sóng, lúc lại mịn màng như cát”. (Truyện Cửa sổ nồng hương bạc hà).

Được viết bởi một nhà văn nữ, lại từng trải qua những đổ vỡ trong cuộc sống, có lẽ vì vậy mà các truyện ngắn viết về phụ nữ của Nguyễn Anh Đào đầy thổn thức. Bạn đọc sẽ còn bắt gặp trong Thà cứ một mình rồi quen những người phụ nữ như Hòa của Tàn tro còn lại, Lam của Lửa từ trái tim em, Giang của Những đồng xu may mắn… Với lối viết tinh tế, đi sâu vào nội tâm nhân vật, những truyện ngắn về phụ nữ của Nguyễn Anh Đào đã chạm đến trái tim người đọc cho dẫu đề tài mà chị mang đến không còn mới lạ trong văn chương.

Bên cạnh thân phận người phụ nữ, nhà văn Nguyễn Anh Đào còn mở rộng biên độ sang nhiều đề tài, nhờ vậy tập truyện lần này mang đến nhiều câu chuyện, nhiều số phận cũng như dư vị khác nhau. Ở những đề tài này, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào lại giống như những câu chuyện đời, thật đến nao lòng. Như một quan niệm, văn chương là gì nếu không phải là thân phận con người thì truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào đang tiệm cận rất gần quan niệm này.  

Qua vài nét phác họa của Nguyễn Anh Đào, dường như bạn đọc không tránh khỏi cảm giác rưng rưng khi bắt gặp ông Bảy: “Chợ sáng chợ chiều gì cũng thấy ông ngồi đó xin, cái miệng cười hềnh hệch suốt, ai cho gì cũng gật gật rồi lại đưa cái nón lên xin người khác”. Nhân vật ông Bảy hiện lên vừa đáng thương vừa tội nghiệp, nhưng điều neo lại trong tâm trí người đọc ở nhân vật này lại chính là tình cảm, tấm lòng của ông. (Truyện Lao xao hoa mận trắng).

Cảm giác rưng rưng ấy lại đến khi bạn đọc gặp bà Tư, một người mẹ có con trai bỏ đi với lời hẹn mươi hôm sẽ về ăn bánh tét bà nấu. Nhưng rồi thời gian đằng đẵng trôi đi, Trình - cậu con trai của bà Tư vẫn bặt vô âm tín. Chỉ vì lời hẹn đó mà bà Tư đều đặn ngày ngày nấu bánh tét, với một lý do: “Lỡ thằng Trình nó về, bánh đâu nó ăn”. Lời hẹn mơ hồ đó trở thành niềm đau đáu trong lòng bà Tư, để rồi bất kể ngày mưa, bà vẫn cặm cụi nấu bánh tét: “Củi ướt bốc khói mù mịt, không có chỗ thoát ra ngoài làm bà ho sặc sụa. Nhưng bà vẫn kiên trì thổi vào mớ tro và những cây củi đang khói cho tới khi ngọn lửa bùng lên trở lại. Bà lui ra, ho rũ rượi, tóc tai bù xù”. (Truyện Khói bếp mùa xuân).

Nhà văn Nguyễn Anh Đào, sinh năm 1981, hiện sống tại Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Trước Thà cứ một mình rồi quen chị đã có nhiều tác phẩm được xuất bản như: Ngày em làm người lớn (2007), Chỉ cần em biết khóc (2012), Tiếng đàn khuyết (2015), Đom đóm lập lòe (2016), Giếng hoang (2016). Các tác phẩm của Nguyễn Anh Đào không cầu kỳ về bút pháp, được viết bởi văn phong giản dị nhưng lại chất chứa trong đó rất nhiều tình cảm từ người viết.  

Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Anh Đào, tập truyện ngắn lần nay ra đời trong hoàn cảnh bản thân có nhiều cảm xúc, bối cảnh các truyện ngắn cũng phong phú hơn, không còn bó hẹp trong không gian nhỏ của một gia đình, của một vùng quê nghèo khó nào đó nữa mà nó đi xa hơn về khoảng cách địa lý, xa hơn về bối cảnh thời gian, thời cuộc. Dù vẫn đau đáu với những số phận của người phụ nữ, nhưng tập truyện này là những người phụ nữ mạnh mẽ, mắt lấp lánh niềm vui.

                                                         Theo Thế giới và Việt Nam