Nguyễn Thị Thành là một trong số các người đẹp đi thi người đẹp
ở nước ngoài trở về và bị phạt


Nhiều người đẹp bất chấp quy định không cần xin phép cơ quan chức năng vẫn dự thi sắc đẹp quốc tế và khi về nước chấp nhận nộp phạt hành chính.

Cuộc tranh luận có nên bỏ việc cấp phép thí sinh Việt Nam ra nước ngoài dự thi sắc đẹp hay không đến nay vẫn chưa có hồi kết. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đưa ra hai giải pháp theo hướng thông thoáng hơn.

Phương án 1: Không quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép ra nước ngoài dự thi của các thí sinh Việt Nam. Việc tham dự của thí sinh là tự do và sẽ được thực hiện khi có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế.

Phương án 2: Tiếp tục cấp phép với thí sinh ra nước ngoài dự thi sắc đẹp, nhưng nới rộng đối tượng là top 10 thí sinh xuất sắc nhất ở các cuộc thi trong nước.


Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh muốn đi thi nước ngoài cũng phải được cấp phép

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch kiến nghị lựa chọn giải pháp 2 để tiếp tục duy trì biện pháp quản lý nhà nước trực tiếp với các hoạt động thi dự sắc đẹp quốc tế, hạn chế tình trạng loạn danh hiệu sắc đẹp.

Góp ý kiến về vấn đề này, Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) ủng hộ phương án đầu tiên: "Nên nghiên cứu quy định theo hướng hậu kiểm, các cá nhân đi thi quốc tế thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về việc tham gia thi và kết quả thi".

Đơn vị này còn đề xuất bỏ yêu cầu cơ quan nhà nước xác nhận trong bản sơ yếu lý lịch của thí sinh đăng ký thi sắc đẹp quốc tế bởi không cần thiết vì đã được thực hiện chặt chẽ khi làm thủ tục xuất cảnh.

Ông Nguyễn Quang Vinh - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - khẳng định tinh thần của Cục Nghệ thuật biểu diễn là không cần kiểm soát quá nhiều cuộc thi sắc đẹp mang tính chất giải trí nếu không vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thúy Nga - tổng giám đốc Công ty Elite Vietnam, đơn vị đầu tiên đàm phán và đem các bản quyền cuộc thi hoa hậu, người mẫu trên thế giới về Việt Nam - nhận định:

"Khi ban tổ chức gửi giấy mời cho thí sinh tức là thí sinh đó đã hội đủ tiêu chuẩn mà ban tổ chức của cuộc thi yêu cầu. Nhưng có một thực tế là ở nhiều cuộc thi nhỏ, không có uy tín, việc khai giấy tờ rất sơ sài.

Chúng ta có thể hiểu, ở Việt Nam một thí sinh đi thi sẽ phải hội tụ đủ 2 yêu cầu: có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi và thứ hai phải là thí sinh top 3 của cuộc thi nào đó, nộp hồ sơ cho Cục Nghệ thuật biểu diễn để xem xét cấp phép nếu đủ yếu tố".

Bà Thúy Nga nói: "Cá nhân tôi thấy rằng việc mở rộng biên độ giải thưởng của thí sinh trong nước là rất hợp lý và tránh lãng phí nhan sắc cho các cuộc thi.

Tuy nhiên cần bám theo tiêu chí của các cuộc thi quốc tế để cấp phép, tức là không cần phải quy định cụ thể giải trong nước của thí sinh. Chỉ cần yêu cầu là thí sinh có giải trong nước, có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi, nhân thân tốt, không vi phạm pháp luật... Đầy đủ như vậy thì cấp phép!".

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, bà Thúy Nga cho biết "vẫn ủng hộ việc nộp hồ sơ cấp phép".

"Vì như đã nói ở trên, những cuộc thi nhỏ việc xem xét hồ sơ của thí sinh rất sơ sài, qua loa, họ không thể biết rõ thí sinh đó ở trong nước như thế nào, liệu có làm điều gì phạm pháp, có đang vướng vào một xìcăngđan đình đám nào không.

Cho nên việc cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tránh được những trường hợp thí sinh trong nước có nhiều tai tiếng, xìcăngđan nhưng vẫn là đại diện Việt Nam ở những cuộc thi nước ngoài" - bà trình bày quan điểm cá nhân.

Theo Tuổi trẻ