leftcenterrightdel
 Ngày càng có nhiều học sinh tốt nghiệp lớp 11 chọn GDNN.

Các chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược và kinh tế tri thức thuộc Trường Kinh tế cao cấp Moskva, đã phân tích những thay đổi hiện nay trong nền giáo dục Nga. Một số thay đổi phản ánh xu thế dài hạn, số khác chỉ mới xuất hiện, kể cả dưới tác động của các cú sốc bên ngoài.

Lộ trình học tập

Đến cuối những năm 2010, hầu hết học sinh Nga tốt nghiệp lớp 9 tiếp tục vào học trung học phổ thông; chỉ hơn 40% theo học các chương trình giáo dục nghề nghiệp (GDNN); khoảng 70% học sinh học hết lớp 11 chọn giáo dục đại học; cứ 5 học sinh thì có 1 em tiếp tục vào học trường cao đẳng; cứ 10 em thì có 1 em rời khỏi hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, trong năm “đại dịch” 2020, bức tranh này đã có những thay đổi, theo đó, tỷ lệ học sinh học hết lớp 11 vào đại học giảm từ 70% năm 2019 xuống còn 64%; 6% “tự giải phóng” này được phân thành hai luồng: Một số theo học các chương trình đào tạo trung cấp, số khác quyết định không tiếp tục học tập trong hệ thống giáo dục năm đó.

Năm 2021, các chỉ số này bắt đầu phục hồi: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 rời khỏi hệ thống giáo dục ít hơn năm trước (5,4% so với 6,6%); tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học lên đại học tăng lên 68%.

Việc chọn nghề hiện nay được thực hiện ở giai đoạn tốt nghiệp lớp 9, hơn nữa, thời gian gần đây, lộ trình quen thuộc “trường trung học cơ sở - trung học phổ thông - đại học” đang cạnh tranh với lộ trình “trường trung học cơ sở - chương trình giáo dục nghề nghiệp”.

Nhìn chung, vẫn như xưa, giáo dục đại học được ưu tiên, đặc biệt là đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, mức độ phổ biến của nó thấp hơn một chút so với các năm 2009 - 2014, khi 76 - 78% học sinh tốt nghiệp lớp 11 vào đại học. Một số thay đổi của chiến lược giáo dục có liên quan đến các quá trình trực tiếp diễn ra trong giáo dục đại học. Ví dụ, việc giảm điều kiện nhập học của những thí sinh học kém và ít động lực học tập là kết quả của những biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, được thực hiện trong những năm 2010.

Đồng thời, nhu cầu về giáo dục nghề nghiệp của thanh niên cũng tăng lên đáng kể. Theo thông lệ, chỉ học sinh lớp 9 mới có nhu cầu giáo dục nghề nghiệp, nhưng đang xuất hiện xu thế gia tăng nhu cầu về loại hình đào tạo này ở học sinh lớp 11.

Hai chiến lược chính đặc trưng cho những học sinh tốt nghiệp lớp 9 chọn giáo dục nghề nghiệp là: “GDNN là mục đích tự thân” và “GDNN là bàn đạp vào đại học” (được 13% học sinh tốt nghiệp THCS ủng hộ).

leftcenterrightdel
Số hóa giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục. 

Số hóa giáo dục

Số hóa là một trong những điều kiện bảo đảm cho việc đổi mới chiến lược giáo dục. Nó được coi là cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng của quá trình giáo dục.

Ngoài ra, vai trò của số hóa hệ thống giáo dục đã tăng lên đáng kể vào năm 2020, khi việc áp dụng bắt buộc các biện pháp phòng chống dịch đã khiến hàng loạt các tổ chức giáo dục chuyển sang làm việc từ xa.

Những yếu tố có ảnh hưởng đến sự phát triển của môi trường giáo dục kỹ thuật số là: Thiếu thiết bị hiện đại và trình độ bảo đảm phần mềm chưa đáp ứng yêu cầu của các tổ chức giáo dục. Năng lực kỹ thuật số của giáo viên, theo đánh giá của chính họ, cần được nâng cao.

Lãnh đạo các trường đại học thừa nhận sự cần thiết hoàn thiện kỹ năng máy tính chuyên sâu của đại bộ phận giảng viên. Chỉ ở 50% số trường đại học, giảng viên có kỹ năng được đánh giá “tốt”. Các trường đại học hàng đầu cũng có tỷ lệ như vậy, nhưng giảng viên các trường này cần phải làm chủ các thiết bị hiện đại hơn. Đối với 40% giảng viên, việc học cách sử dụng các chương trình máy tính chuyên nghiệp vẫn là một trong những ưu tiên về mặt phát triển nghề nghiệp.

leftcenterrightdel
 Kỹ sư di truyền học - một ngành học mới.

Tiềm năng nâng cao kỹ năng số cho sinh viên

Xét về trình độ kỹ thuật số, sinh viên các trường đại học vượt các bạn cùng trang lứa đang theo học các chương trình GDNN và học sinh THPT. 85% sinh viên đại học có kỹ năng phần mềm, kỹ năng xử lý thông tin số và giao tiếp số. Kỹ năng bảo mật số ít phổ biến hơn: Chỉ 70% sinh viên sử dụng phần mềm diệt virus; chỉ một nửa số sinh viên có trình độ cơ bản về kỹ năng cài đặt và điều chỉnh các thiết bị kỹ thuật số, hệ điều hành hoặc phần mềm.

Trình độ năng lực kỹ thuật số của sinh viên các trường đại học phụ thuộc vào lĩnh vực đào tạo. Đứng đầu là sinh viên toán và kỹ thuật, còn sinh viên các ngành nhân văn, xã hội và y tế thì kém xa.

Những nghề của tương lai

Trong những năm gần đây, sự đổi mới công nghệ đã diễn ra hết sức mạnh mẽ trên thế giới và ở Nga. Song song với việc đổi mới quy trình kinh doanh, nhân tố này đã làm thay đổi yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Giờ đây, họ mong muốn người lao động nắm được các kỹ năng mới, hơn nữa, nhấn mạnh vào việc áp dụng các kỹ năng số và kỹ năng kỹ thuật.

Những yêu cầu mới đã trở thành một thách thức đối với hệ thống giáo dục, bởi vì, do tính cứng nhắc của mình, giáo dục đáp ứng các đổi mới công nghệ chậm hơn nhiều so với thị trường lao động. Thị trường luôn luôn thiếu các chuyên gia những ngành nghề cấp thiết, và để xóa bỏ sự chênh lệch cung cầu, cần phải vận động đồng thời theo hai con đường:

Cần thay đổi giáo dục cơ sở có tính đến việc hình thành các năng lực và ngành nghề mới cần thiết. Phát triển giáo dục bổ túc như một “con đường cấp tốc” để nắm vững các kỹ năng kỹ thuật số và công nghệ riêng.

Những người vừa mới chọn nghề cần được cung cấp các công cụ giúp họ định hướng trong việc lựa chọn ngành nghề, xác định lĩnh vực kiến thức hấp dẫn và hứa hẹn, tiếp thu những năng lực cần thiết nhất: Năng lực kỹ thuật số, năng lực làm việc đồng đội, năng lực quản lý, điều này cho phép họ thích ứng với nhu cầu thị trường. Còn những người đã có ngành nghề cần phải nhanh chóng đào tạo lại và bổ túc những kỹ năng còn thiếu.

 Hơn 50% trường đại học có kế hoạch tiếp tục chuyển các bài giảng hoặc các khóa đào tạo nói chung của giảng viên trường mình sang hình thức trực tuyến (bao gồm cả hình thức hội nghị trực tuyến). Ưu tiên các hình thức dạy học kết hợp có sử dụng các khóa học trực tuyến. Theo ý kiến của các giảng viên, việc chuyển sang các hình thức dạy học mới chỉ hợp lý, nếu các khóa học trực tuyến có uy tín cao, được trình bày bởi các chuyên gia đáng tin cậy trong lĩnh vực tương ứng của họ, chẳng hạn như các giáo sư tầm cỡ quốc tế.

Theo GD&TĐ