Sinh năm 1930, sau khi tốt nghiệp đại học, Jaime Escalante làm giáo viên dạy Toán tại một trường địa phương ở Bolivia. Năm 34 tuổi, ông đến Los Angeles, Mỹ, nhưng không xin được việc bởi không biết tiếng Anh. Mỹ cũng không công nhận chứng chỉ giáo viên của Bolivia.
Jaime Escalante bắt đầu đi học tiếng Anh trong lúc làm việc bán thời gian như rửa bát, sửa chữa máy tính... để theo học Đại học California. Mất 10 năm mới có được chứng chỉ giáo viên, Jaime Escalante đến nhiều trường xin phỏng vấn nhưng đều bị từ chối. Cuối cùng, ở tuổi 44, ông trở thành giáo viên dạy Toán tại trường trung học Garfield High, một trong những trường thiếu thốn nhất ở Los Angeles, California.
Vừa bước vào lớp, bao nhiêu hy vọng sau 10 năm được tiếp tục đứng trên bục giảng của Jaime Escalante hoàn toàn sụp đổ. Bàn ghế, cửa sổ xộc xệch, học sinh ăn mặc kỳ quái, hét lớn: "Chúng tôi không muốn học Toán, chỉ muốn học giáo dục giới tính". Nhiều học sinh còn thách thức: "Biến đi, thầy không được chào đón ở đây".
Sau khi tìm hiểu, Jaime Escalante biết học sinh trong lớp đều xuất thân từ những gia đình nghèo khó, chỉ thích đánh nhau và quậy phá. Lúc đó, ông nhận ra lý do mà nhiều giáo viên trong trường thà nghỉ việc còn hơn là phải dạy lớp này.
Jaime Escalante lúc đầu cũng chỉ hy vọng thời gian nhanh trôi để kết thúc lớp học sinh cá biệt này, nhưng dần nhận ra những đứa trẻ không xấu như ông tưởng. Gia đình chúng có hoàn cảnh đặc biệt nên không dạy dỗ cẩn thận. Sự buông bỏ của nhà trường và sự thờ ơ của phụ huynh đã khiến trẻ cảm thấy bất an, thích làm loạn để gây sự chú ý, lâu dần trở thành thói quen xấu.
"Nếu bạn giáo dục con mình như một kẻ thất bại, tương lai chắc chắn chúng sẽ thành kẻ thất bại. Nếu bạn giáo dục chúng như một người chiến thắng, tương lai trẻ sẽ trở thành người thành công", Jaime Escalante từng nói.
Người thầy sau đó quyết định không thể chỉ ngồi nhìn mà phải đưa những đứa trẻ đi đúng đường. Việc đầu tiên ông làm là tìm hiểu tâm lý học sinh trong lớp. Bởi học sinh đều có lòng tự trọng mạnh mẽ và mong muốn được công nhận, nên Jaime Escalante chuyển dạy học từ thụ động sang chủ động. Ông dán nhiều khẩu hiệu cổ vũ trong lớp và ảnh của những ngôi sao thể thao trên tường. Trước khi vào lớp, ông khuyến khích học sinh khởi động và nhảy múa như một đội cổ vũ bóng bầu dục khiến tinh thần phấn chấn.
Để thu hút học sinh nghe giảng, Jaime Escalante hiểu rằng những phương pháp dạy nghiêm túc sẽ không có tác dụng. Nhằm thu hẹp khoảng cách với học sinh, ông đã dạy theo cách mà chúng thích, ví dụ xưng hô như một ông trùm xã hội đen với những học sinh thích bạo lực. Ông ví trục x và trục y như một võ đài nơi mọi người sẽ đấm đá với nhau, và cứ thế những phương trình, công thức được ông truyền tải theo một cách hài hước nhất có thể.
Đôi khi để kích hoạt không khí lớp học, Jaime Escalante còn hóa trang cosplay, chơi các trò tương tác hay đội những chiếc mũ hài hước nhiều màu sắc để kể những chuyện cười mà ông tích lũy lâu nay. Mục đích chính của ông là để học sinh nghe và chú ý tới mình.
Có lần ông mặc đồng phục đầu bếp và cầm một con dao làm bếp vào lớp học. Bên dưới học sinh ngồi im thin thít, mọi con mắt đều nhìn chằm chằm vào người thầy. Lúc này, Jaime Escalante lấy ra một quả táo. Thực ra ông muốn giải thích phép chia toán học theo cách này. Từ đó, mỗi tiết học toán của ông đều khiến cho học sinh cảm thấy thoải mái và hứng thú hơn.
Dù hóm hỉnh, hài hước, Jaime Escalante cũng yêu cầu học sinh phải tuân thủ các quy tắc trong lớp. Nếu học sinh đến muộn hoặc gây rối trật tự, ông cũng có những hình phạt tương xứng. "Là giáo viên phải luôn tâm huyết, học sinh sẽ thấy được nhiệt huyết của mình, như vậy mới đủ điều kiện để đánh thức lòng ham học hỏi chúng", Jaime Escalante nói.
Dần dần, khi hòa nhập được với học sinh, Jaime Escalante nghe được lời tâm sự: "Ở đây chưa ai trúng tuyển đại học. Nhà nghèo, trường tồi, không còn hy vọng gì nữa. Thầy ơi xin đừng lãng phí nỗ lực của mình". Tuy nhiên, Jaime Escalante khẳng định: "Nếu em không thể nhìn thấy hy vọng, hãy để tôi trao nó cho em, bởi vì tôi là một giáo viên".
Để hiện thực hóa ước mơ, Jaime Escalante khuyến khích học sinh học theo chương trình AP, cuộc thi dành riêng cho học sinh THPT lớp 11 và 12. Những học sinh theo học chương trình và đạt điểm số cao trong kỳ thi này sẽ dùng kết quả để chứng minh với hội đồng xét tuyển mình có đủ khả năng học thuật cho chương trình đại học và cao học. Ở Mỹ thời điểm đó, chỉ có 2 trường mở khóa học AP, cũng thường chỉ dành cho con nhà khá giả ở các trường tư thục.
Jaime Escalante quyết định tự mình mở lớp học bồi dưỡng. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Giáo viên trong trường nói rằng đây đều là những học sinh kém, không thể thay đổi, còn phụ huynh cho rằng học Toán chẳng để làm gì, bọn trẻ nên ra ngoài kiếm tiền càng sớm càng tốt.
Tuy vậy, Jaime Escalante vẫn không bỏ cuộc. Ông khẳng định, không bao giờ được nghĩ học sinh không thể tiếp thu, chỉ cần có nhiệt huyết và phương pháp đúng đắn, giáo viên hoàn toàn có thể biến những học trò ngỗ nghịch nhất thành cần cù, hiếu học.
Ông đã dành cả thứ bảy, chủ nhật để bồi dưỡng cho học sinh muốn học AP. Những buổi đầu với học sinh vốn có nền tảng kém, Jaime cảm thấy rất vất vả, phải giảng đi giảng lại nhiều lần. Để tăng tính kỷ luật và sự quyết tâm, ông quy định học sinh đến trường sớm một tiếng và ra về muộn 2 tiếng vào các ngày trong tuần. Các lớp học cũng phải tiếp tục vào cuối tuần và ngày nghỉ.
"Nếu không liên tục cố gắng thì chẳng có thiên tài nào cả", Jaime thường nhắc nhở học sinh. Ông cũng nói học sinh chỉ cần mang theo một thứ duy nhất mỗi ngày, đó là khát vọng thành công. Và nhiệm vụ của ông là khơi dậy khát vọng đó. Cuối cùng điều kỳ diệu đã xảy ra. Một năm sau, tất cả 18 học sinh trong lớp đều vượt qua kỳ thi AP.
Jaime và lũ trẻ ôm nhau khóc, bởi 18 học sinh sẽ được nhận vào 10 trường đại học hàng đầu của Mỹ. Nhưng lúc này, Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS) nghi ngờ nhóm học sinh gian lận, hủy kết quả thi. Họ kết luận không thể có một trường học kém chất lượng lại có tới 18 học sinh vượt qua bài kiểm tra AP.
Khi biết tin, Jaime kiến nghị để cho học sinh của mình thi lại và nhận được sự đồng ý của ETS. Một lần nữa, cả 18 em đều vượt qua bài kiểm tra và tự tin bước vào những trường đại học tốt nhất của Mỹ.
Với thành công này, Jaime có có hội dạy học tại những trường chuyên và nổi tiếng, nhưng ông từ bỏ và vẫn dạy ở ngôi trường cũ. Trong hơn 35 năm dạy tiếp theo, ông tiếp tục đào tạo hơn 400 học sinh ưu tú đậu vào những trường nổi tiếng thế giới trong nhóm Ivy League, MIT và Harvard.
Jaime Escalante đã giành được "Giải thưởng Jefferson", "Giải thưởng tinh thần tự do" và "Giải thưởng giáo dục xuất sắc" do Tổng thống Reagan trao tặng. Giám đốc giáo dục của tờ Washington Post Jay Matthew từng nhận xét, Jaime Escalante là giáo viên thành công nhất nước Mỹ.
Năm 2010 khi Jaime Escalante qua đời, Tổng thống Obama gửi thông điệp chia buồn: "Jaime Escalante đã chứng minh cho mọi người thấy lý lịch của một người không quyết định việc anh ta có thể đi bao xa. Ông chính là nhân tố thúc đẩy niềm đam mê và quyết tâm của học sinh, để họ nhận ra tiềm năng của chính mình".
Theo vnexpress