Tham vọng của cha mẹ áp lên con cái

Ở Trung Quốc, quốc gia mà phần lớn phụ huynh cho rằng học giỏi và điểm cao đóng vai trò quyết định trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm, hàng chục triệu học sinh đang ngụp lặn trong các lớp học thêm sau giờ tan trường.

Nhiều học sinh Trung Quốc phải liên tục đi học thêm sau giờ học để đáp ứng kỳ vọng của gia đình - ẢNH: CNBC
Nhiều học sinh Trung Quốc phải liên tục đi học thêm sau giờ học để đáp ứng kỳ vọng của gia đình - Ảnh: CNBC

Theo thống kê năm 2021, doanh thu của ngành công nghiệp dạy thêm tại Trung Quốc đã vượt quá 800 triệu NDT (125 tỷ USD). Tại đây, ngay cả những học sinh giỏi cũng cần có gia sư riêng với mục đích thêm điểm, tạo lợi thế trong các kỳ thi quan trọng.

Wan Changru, bà mẹ có hai cô con gái đang tuổi ăn học, chia sẻ: “Con gái tôi học giỏi nhất lớp ở trường THCS và giáo viên yêu cầu con tôi cần có điểm trung bình là 98. Tất nhiên đây là một yêu cầu không dễ nhưng mọi điểm số đều được tính để con tôi có thể được chọn vào trường THPT tốt. Tôi chỉ yêu cầu con gái làm theo hướng dẫn của giáo viên”.

Nỗi lo chung của các bậc cha mẹ Trung Quốc là nếu con cái không vào được những trường top đầu thì khi lớn lên, mức lương, vị thế xã hội và công việc sẽ không tốt bằng bạn bè. Vì nỗi lo đó, họ đã bắt ép con học ngày học đêm ngay từ khi con còn nhỏ. Đông đảo học sinh tâm sự, các em không được phép xem ti vi, chơi điện tử, đi chơi với bạn bè… mỗi khi nhận điểm không tốt.

Judy, nghiên cứu sinh tiến sĩ, là một trong những người thuộc thế hệ "gà công nghiệp" đầu tiên ở Trung Quốc, tâm sự: “Suốt 12 năm đèn sách, chưa bao giờ tôi có khái niệm về các kỳ nghỉ hay cuối tuần bởi lúc nào cũng phải vùi đầu vào sách vở, lịch học thêm”. Từ ba tuổi, Judy đã được cha mẹ đăng ký vào lớp tiếng Anh với mức phí đến 10.000 NDT/năm. Lớn thêm một tuổi, cô lại kín lịch với các lớp khiêu vũ, vẽ tranh, thư pháp và đàn tranh.

Không chỉ học sinh mà ngay cả những bậc phụ huynh có tư tưởng tiến bộ cũng không hiểu nổi cách dạy con độc đoán của một bộ phận cha mẹ.

Zhou Ying, người cha có con trai sắp vào tiểu học, cho biết: “Có một người mẹ đã chia sẻ với tôi về lịch trình hằng ngày của cậu con trai năm tuổi. Nó giống như một trò chơi mô phỏng nào đó, nơi bạn có thể nuôi dưỡng một đứa trẻ thành một nhân vật siêu nhiên”. Theo đó, cậu bé phải học 27 chữ Hán mới mỗi tuần, giải 60 bài toán, học tiếng Anh qua ứng dụng trực tuyến, ghi nhớ các bài thơ cổ. Thậm chí gia đình cô ấy còn không ngại chi hơn 200.000 NDT (30.500 USD)/năm cho học phí mẫu giáo và các lớp học ngoại khóa cho con. 

Tan Suyi, chuyên gia tâm lý cho trẻ em, cho biết một số cha mẹ chỉ đơn giản đang chuyển những lo lắng của bản thân sang con cái của họ, hoàn toàn bỏ qua những gì con họ thực sự muốn hoặc cần. Tan nói: “Sự lo lắng lan truyền giống như bệnh cúm đối với các bậc cha mẹ trong các nhóm trò chuyện nuôi dạy con cái. Tôi nghĩ rằng các bậc cha mẹ nên rời những nhóm trò chuyện đó, ngồi xuống nói chuyện với con cái và lắng nghe con mình thay vì chỉ nuôi dưỡng những mong muốn của bản thân và trút hết lên con”.

Nhiều học sinh đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng

Tara tâm sự cô đã trải qua khoảng thời gian khủng hoảng tâm lý vì những tiêu chuẩn khắc nghiệt trong vấn đề học tập mà gia đình áp đặt - ẢNH: THEO PAPER
Tara tâm sự cô đã trải qua khoảng thời gian khủng hoảng tâm lý vì những tiêu chuẩn khắc nghiệt trong vấn đề học tập mà gia đình áp đặt - Ảnh: THEO PAPER

Không thể phủ nhận cách nuôi dạy áp đặt và cực đoan của một bộ phận cha mẹ Trung Quốc có thể giúp con cái họ vào được nhiều trường đại học danh tiếng, thậm chí giành được học bổng du học ở Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên, nó cũng để lại không ít hệ lụy.

Tara (sinh năm 1998, Bắc Kinh), hiện là nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Đại học Harvard, tâm sự ngay từ tuổi mẫu giáo, cô phải luôn nỗ lực để đứng đầu. Chính điều này đã ảnh hưởng khá nhiều đến lối suy nghĩ của cô, từ đó hình thành nơi cô nỗi sợ vô hình. Mỗi khi có bất kỳ ai vượt lên hoặc bằng điểm, cô đều cảm thấy bất an và không biết phải đối mặt với cha mẹ thế nào. Cô phải vật lộn với những suy nghĩ này suốt khoảng thời gian dài.

Trong khi đó, nỗi sợ về thứ hạng cũng trở thành rào cản lớn trong lòng Judy, khiến cô không hề cảm thấy tự tin trong công việc sau này: "Ở trường có điểm số để đánh giá tôi là giỏi hay kém nhưng khi ra ngoài xã hội, họ sẽ lấy gì để đo năng lực làm việc của tôi? Nếu không phải là người giỏi nhất, tôi phải làm sao?".

Vài trường hợp trên cũng chỉ là bề nổi trong tảng băng chìm, bởi cách giáo dục áp đặt của các bậc phụ huynh còn gây nên hệ lụy không tưởng, điển hình là rất nhiều thanh niên Trung Quốc bị cuốn vào vòng xoáy thất nghiệp. Trong suốt một thập niên qua, quốc gia tỷ dân đang bị “thừa” cử nhân đại học.

Zak Dychtwald, Giám đốc điều hành của Young China Group, một công ty chuyên nghiên cứu thị trường, cho biết: “Năm 1998, chỉ có 1 triệu sinh viên được nhận vào các trường cao đẳng, còn trong năm nay có gần 11 triệu sinh viên tốt nghiệp”. Số lượng sinh viên ra trường lớn nhưng thị trường việc làm không mở rộng khiến giới trẻ Trung Quốc rơi vào khủng hoảng.

Chen Huizhi, sinh viên tốt nghiệp năm 2021, từng theo học ngành truyền thông ở London trước khi trở về Bắc Kinh trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, cho hay: “Tôi thấy việc tìm việc ở thời điểm này thực sự rất khó, đặc biệt là tìm được một công việc phù hợp với bản thân và khiến bạn hài lòng”.

Cố tìm lối thoát cho bản thân

Tại Trung Quốc, học sinh phải học ngày học đêm để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ
Tại Trung Quốc, học sinh phải học ngày học đêm để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ

Khốn khổ vì những kìm kẹp của gia đình, nhưng chỉ một phần nhỏ các học sinh tại Trung Quốc dám mạnh dạn đưa ra ý kiến và nỗ lực thoát khỏi “địa ngục” mang tên kỳ vọng của cha mẹ. Feng Shuqi (sinh năm 2000, Thiên Tân) học cấp III ở Canada, tốt nghiệp Đại học Toronto, tâm sự mãi cho đến khi đấu tranh để được đi du học, cô mới thật sự tìm thấy chính mình.

Trước khi học THPT, cô phải chịu áp lực học hành vô cùng kinh khủng. Do gia đình có truyền thống hiếu học nên bản thân Shuqi luôn phải hoàn thành các tiêu chuẩn mẹ và bà của cô đặt ra. Sau kỳ thi cấp III, lần đầu tiên cô tranh luận gay gắt với mẹ về điểm thi rồi xin phép được du học Canada. Theo Shuqi, đó chính là bước ngoặt đã thay đổi cuộc đời cô.

Từ khi ra nước ngoài, cô độc lập, tự tin hơn, không ngại thể hiện quan điểm cá nhân, trở thành một người hoàn toàn khác so với cô bé ít nói, chỉ biết học hành trong quá khứ. Sau những gì đã trải qua, Shuqi đã quay trở lại giúp đỡ nhiều em học sinh các cấp cách tiếp cận với phương pháp học tập phù hợp nhất. Tương tự Shuqi, Tara cũng theo học ngành giáo dục, ấp ủ dự định giúp những đứa trẻ phát triển toàn diện thay vì chỉ cố theo đuổi điểm số để làm hài lòng gia đình.

Nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh, cuối năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra quy định cấm dạy thêm vì lợi nhuận và yêu cầu các trường giảm tải lượng bài tập. Mặc dù lệnh đã được ban hành, thực chất thanh thiếu niên Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn được tự do. Các bậc cha mẹ vẫn tìm đủ mọi cách đăng ký cho con vào các lớp học “chui” hay thuê gia sư về dạy tại nhà vì không muốn con bị tụt lại phía sau. 

Theo phunuonline.com.vn