Nghệ nhân nhân dân Thanh Hương trong một lần biểu diễn ca Huế thính phòng - ẢNH: NGUYỄN Ý NHI
Theo tin từ nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB ca Huế thính phòng, Nghệ nhân nhân dân Thanh Hương (tục danh Nguyễn Thị Thương) đã vĩnh viễn ra đi vào chiều 24.8 tại tư thất 238 Đặng Tất, xã Hương Vinh, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cùng với Nghệ nhân nhân dân Minh Mẫn, người cũng đã rời cõi tạm từ 2 năm trước, Nghệ nhân nhân dân Thanh Hương được xem là cây đại thụ của ca Huế, là “báu vật nhân văn sống” của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Dẫu không được đào tạo qua trường lớp bài bản nhưng bằng niềm say mê, những tố chất thiên bẩm từ nhỏ, nghệ nhân Thanh Hương đã sớm học tập, lĩnh hội nhiều bài bản của ca Huế; về sau dù đời sống gặp nhiều khó khăn, nghệ nhân vẫn tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ học trò, con cháu thông qua những buổi sinh hoạt ca Huế thính phòng hoặc những giờ lên lớp giảng dạy cho con cháu.
Nghệ nhân nhân dân Thanh Hương (phải) và Nghệ nhân nhân dân Minh Mẫn trong một lần sinh hoạt, biểu diễn ca Huế thính phòng. Hai cây đại thụ của ca Huế nay đã rời cõi tạm - ẢNH: NG.THƯỢNG HIỂN
Ghi nhận những đóng góp to lớn của hai nghệ nhân gạo cội, tháng 3.2019, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho nghệ nhân Thanh Hương và truy tặng danh hiệu này cho nghệ nhân Minh Mẫn.
Giới mộ điệu và các học trò của Nghệ nhân nhân dân Thanh Hương đều xem bà là tấm gương về sự cống hiến cho ca Huế, cho nghệ thuật; là người đến với ca Huế, nâng niu, dưỡng nuôi loại hình nghệ thuật này bằng tất cả tình yêu thanh khiết như chính tên gọi của nghệ nhân.
Lễ di quan Nghệ nhân nhân dân Thanh Hương - “báu vật nhân văn sống” của ca Huế sẽ diễn ra lúc 4 giờ 30 ngày 28.8, sau đó an táng tại nghĩa trang thôn Đồng Chầm, P.Hương Hồ, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo thanhnien