leftcenterrightdel
Nhiều sinh viên Mỹ phải gánh khoản nợ khổng lồ từ chương trình đào tạo trực tuyến. Ảnh:Insidehighered.  

Iola Favell (sống tại California, Mỹ) muốn lấy bằng thạc sĩ giảng dạy từ một trường đại học danh tiếng. Sau khi tham khảo bảng xếp hạng Các trường đào tạo lĩnh vực giáo dục tốt nhất nước Mỹ năm 2021 của US News, Favell để ý đến chương trình đào tạo trực tuyến tại trường Giáo dục Rossier của Đại học Southern California (USC - Mỹ).

Theo nữ sinh, đây có vẻ là chương trình phù hợp với cô đến mức hoàn hảo, khi USC xếp thứ 12 trên bảng xếp hạng và có trụ sở ngay tại California. Hơn hết, chương trình đào tạo trực tuyến sẽ đem lại sự linh hoạt cho Favell.

Năm 2020, Favell nhập học tại đây. Thế nhưng, khi tốt nghiệp vào tháng 5/2021, không chỉ nhận về tấm bằng, Favell còn mắc kẹt với khoản nợ 100.000 USD.

Chỉ hơn một năm sau khi nhận bằng, Favell cùng 2 sinh viên khác theo học tại trường Giáo dục Rossier đã đệ đơn kiện USC dưới sự hỗ trợ của tổ chức Student Defense và công ty luật.

Họ cáo buộc USC cung cấp thông tin sai lệch về chương trình học trực tuyến, khiến họ phải trả nhiều tiền cho những khóa học không như ý muốn.

Ngành công nghiệp đào tạo trực tuyến

Theo Insider, mấu chốt của vấn đề là sự hợp tác của USC Rossier với các công ty quản lý chương trình trực tuyến (OPM). Theo đó, OPM đã hợp tác với các trường học để xây dựng các lớp học trực tuyến, cung cấp phần mềm và hỗ trợ kỹ thuật. Các công ty này nhận phần lớn doanh thu từ học phí của sinh viên (mức học phí tương đương với chương trình học trực tiếp).

Trong những năm đại dịch, OPM là công cụ tuyệt vời đối với các trường học. Khi sinh viên không muốn tham gia các lớp học trực tiếp, OPM đã thực hiện tất cả công việc để tạo ra các lớp học trực tuyến, tăng số lượng sinh viên đăng ký cho các trường.

Thế nhưng, đối với sinh viên, OPM lại ẩn chứa nhiều vấn đề, nhất là khi các trường/công ty tuyển sinh rầm rộ bằng cách hứa hẹn về sự thuận tiện khi theo học trực tuyến, cũng như công việc được trả lương cao sau khi tốt nghiệp.

Cuối cùng, nhiều sinh viên phải gánh khoản nợ khổng lồ từ một chương trình bắt chước trải nghiệm của khóa học trực tiếp. Nhiều chuyên gia và sinh viên cho rằng các công ty OPM đang cung cấp nền giáo dục tồi tệ với mức giá cao ngất trời.

"Các chương trình trực tuyến có thể tăng khả năng tiếp cận với giáo dục, nhưng có quá nhiều sinh viên đã bị lừa bởi những chiêu trò quảng cáo của các công ty. Nhất là khi lợi nhuận của họ phụ thuộc vào việc tuyển sinh càng nhiều sinh viên càng tốt”, Eric Rothschild, đại diện pháp lý của Student Defense, cho biết.

Khi ngành công nghiệp đào tạo trực tuyến phát triển, chất lượng các chương trình bắt đầu bị ảnh hưởng. OPM bắt đầu tuyển sinh bằng việc dùng mọi cách để quảng cáo các khóa học trực tuyến (bao gồm gửi email, gọi điện cho sinh viên nhiều lần) thay vì đầu tư vào nội dung bài giảng. Rất nhiều OPM đã cung cấp khóa học có chi phí cao, rủi ro lớn, khiến sinh viên có triển vọng việc làm thấp.

Họ chi nhiều tiền hơn vào các chương trình không mang tính chọn lọc. Điều này giúp các OPM tạo ra mạng lưới khóa học rộng lớn, từ đó tuyển sinh được nhiều sinh viên hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.

leftcenterrightdel
Khi ngành công nghiệp đào tạo trực tuyến phát triển, chất lượng các chương trình bắt đầu bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa:Unsplash.  

Liên tiếp các vụ bê bối

Khi ngành công nghiệp đào tạo trực tuyến phát triển, các vụ bê bối cũng tăng lên. Ngoài vụ kiện của Iola Favell, các chương trình đào tạo trực tuyến thạc sĩ ngành Công tác xã hội của USC cũng vướng vào các vấn đề pháp lý.

Trong tháng 5, các sinh viên kiện USC, cho rằng khóa đào tạo trực tuyến cung cấp chương trình giảng dạy lỗi thời, khiến triển vọng nghề nghiệp giảm sút so với những người theo học trực tiếp. Từ đó, sinh viên tốt nghiệp trực tuyến phải gánh khoản nợ sinh viên khổng lồ và các vị trí việc làm không đủ khả năng để trả món nợ đó.

Bên cạnh đó, các sinh viên cũng cáo buộc USC đối xử phân biệt khi cố ý nhắm mục tiêu vào người da màu và cựu quân nhân - nhóm người thiểu số, có nhiều khả năng đăng ký học.

Không những thế, năm 2019, Los Angeles Times đưa tin USC đã tìm cách tăng số lượng sinh viên và doanh thu mà không cần đầu tư thêm vào cơ sở vật chất hay các nguồn lực trực tiếp. Các khóa học trực tuyến được cho là công cụ thực hiện.

Trong khi các trường đại học tính phí bằng nhau, các chương trình trực tuyến chỉ tốn một phần nhỏ chi phí so với các chương trình trực tiếp. Theo Insider, hoạt động kinh doanh của các OPM khiến nhiều sinh viên phải trả hóa đơn cắt cổ.

Sau khi hợp tác với OPM 2U, số lượng sinh viên đăng ký chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội đã tăng từ 900 sinh viên (năm 2010) lên 2.500 sinh viên (năm 2016). Theo hợp đồng, công ty 2U sẽ nhận được 60% doanh thu từ học phí.

Không chỉ USC, năm 2019, Đại học Grand Canyon (Mỹ) cũng từng bị sinh viên kiện, cáo buộc trường quảng cáo sai các yêu cầu về chương trình đào tạo tiến sĩ trực tuyến và vi phạm cam kết.

Theo zingnews