Chụp ảnh kỷ niệm với diễn viên



Nói đến chèo người ta thường tưởng tượng ra sự í ới gọi nhau ra sân đình "này chị em ơi, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ". Chèo thường để phục vụ cho dân trong những ngày làng có hội và sau vụ gặt hái, đình làng đêm trăng sáng là sân khấu biểu diễn. Có thời, vua cấm chèo biểu diễn trên sân khấu cung đình vì coi đó một nghệ thuật dân dã, không thuộc tầng lớp quý tộc. Sau này, chèo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật không chỉ ở đình làng mà được tôn vinh trên sân khấu toàn quốc và giờ đây chèo đã vượt biên giới sang tận thủ đô Paris tráng lệ.

Với khát vọng đưa văn hóa Việt ra thế giới, Hội Aurore Ánh Sáng do nhà văn Trần Thu Dung làm Chủ tịch và Hội Phong trào những người Pháp gốc Việt (MCFV) do ông Vũ Ngọc Cẩn làm Chủ tịch đã mạnh dạn kết hợp cùng Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp giới thiệu nghệ thuật chèo với người Pháp và Việt kiều tại Paris nhân dịp kỷ niệm 45 năm hợp tác Pháp - Việt.

                                                     Một cảnh anh Nô và Thị Màu

Buổi biểu diễn được tổ chức ở khu Đại Học Xá Quốc tế, Nhà Brésil, thành phần tham dự đa dạng không chỉ có bà con Việt kiều mà còn cả bạn bè thế giới. Do thời gian chuẩn bị gấp gáp, hoạt động quảng cáo có phần hạn chế nhưng khách mời đến xem chật kín dù trời đã vào đông se lạnh. Tại buổi biểu diễn, ông Vũ Ngọc Cẩn, Chủ tịch Hội MCFV và nhà văn Trần Thu Dung, Chủ tịch Hội Aurore Ánh Sáng đã bày tỏ lòng cảm ơn tới khách mời tham dự.

Sau lời giới thiệu đơn giản mộc mạc của hai vị Chủ tịch, trống đàn vang lên, hình ảnh Việt Nam hiện ra với những thiếu nữ duyên dáng xinh đẹp qua tà áo dài thướt tha nghiêng nghiêng trong chiếc nón bài thơ. Các nghệ sĩ đã đưa khán giả đi từ đồng bằng Bắc bộ đến miền núi Việt Nam, những cao nguyên qua các điệu múa và nhạc dân tộc. Các nhạc công với những cây đàn, cây sáo, làm từ ống tre nứa đơn giản, cùng những chiếc nón lá, quạt khiến khán giả như lạc vào tiên động giữa thiên nhiên đầy tiếng chim, tiếng công, tiếng thú rừng gọi tình giữa mùa xuân.

Đặc biệt, khán giả Pháp chìm đắm và ngạc nhiên trước tiếng đàn bầu du dương của Nghệ sĩ Minh Đức. Những tưởng đàn bầu một dây nổi tiếng Việt Nam chỉ chơi được những làn điệu luyến láy ai oán, không ngờ lại chơi được cả những bản nhạc Phương Tây rất tuyệt vời như bài "Tuyết rơi", một bài hát quen thuộc ở châu Âu.

Đặc thù của chèo là những tích chuyện, lời đối đáp thông minh vui nhộn gây cười. Muốn hiểu chèo phải hiểu tiếng Việt. Đó chính là khó khăn và hạn chế của chèo khi ra sân khấu thế giới.

Tuy nhiên để thu hút khán giả chủ yếu là người nước ngoài, đoàn chèo Nhà hát Việt Nam đã linh hoạt giảm đi nhiều chất chèo mà xen lẫn quan họ Bắc Ninh, múa đương đại. Chỉ có tiết mục duy nhất thực sự chèo là trích đoạn "Thị Màu lẳng lơ cùng anh Nô" với chủ đề về sự phân chia giai cấp và khát vọng tự do luyến ái vốn luôn mang tính thời đại.

Hơn nữa, với một tác phẩm giàu tính nhân văn, nhưng đoàn kịch lại thiếu thốn trang thiết bị màn hình hiện đại để có thể dịch lời ra tiếng Pháp, nếu điều kiện tốt hơn chắc chắn tác phẩm nghệ thuật này sẽ hấp dẫn hơn với khán giả Pháp và tôn vinh ngôn ngữ chèo của Việt Nam.

Kết thúc chương trình, màn hầu đồng vui vẻ thu hút khán giả. Nữ nghệ sĩ hầu đồng vào giá cô gái thượng ngàn tự nhiên như mùa xuân Tây Bắc, vui múa hát trong nhạc điệu rừng núi đầy tươi trẻ làm khán giả lưu luyến mãi không muốn về. Tất cả khán giả xin lên chụp ảnh kỷ niệm.

Đêm lạnh Paris bỗng ấm lên giữa không gian đầy tiếng nhạc quê hương. Việt kiều xa quê thấy như trở về quê hương trong mùi khói hương, tiếng nhị, tiếng sáo, tiếng đàn bầu khi trong khi đục. Lời thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy được phổ nhạc do ca sĩ ưu tú Thanh Ngoan trình diễn như cứa vào tim những người con tha hương xa xứ.

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ... mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng.

Chính những tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa đã nuôi phần hồn, làm sống lại hồn tuổi thơ. Mẹ chính là quê hương. Những người Việt tha hương luôn nhớ về quê mẹ. Nhớ những ngày lớn lên giữa những điệu dân ca của mẹ. Chính vì thế, Hội Phong trào những người Pháp gốc Việt và Hội Aurore Ánh Sáng dù bận rộn cũng cố gắng tổ chức buổi biểu diễn để không chỉ giới thiệu văn hóa cho người Pháp và để thế hệ Pháp mang dòng máu Việt hiểu về cội nguồn mà cũng giúp cho người con lưu lạc dịu đi những năm tháng xa quê.

Những tràng vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình và xin chụp ảnh kỷ niệm của khán giả như lời hẹn hò với các nghệ sĩ đoàn chèo cùng giám đốc Nguyễn Thị Bích Ngoan. "Này chị em ơi! Việt kiều mãi mãi "Nhìn về quê mẹ xa xăm…" và chờ đợi những làn điệu chèo trở lại Paris với những tiết mục đương đại thấm đượm chất chèo quê hương, cùng những cái liếng đa tình đáng yêu của nàng thị Màu lúng liếng".

Trần Thu Dung (từ Paris, Pháp)

Theo Quehuongonline.vn