Bức Chân dung cô Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ đang giữ kỷ lục về giá tranh Việt trên sàn quốc tế
Một thị trường “miễn nhiễm” COVID-19
Trong khi dịch COVID-19 làm rung chuyển nhiều ngành công nghiệp trong đó có âm nhạc, điện ảnh thì với thị trường tranh, ngoại trừ hoạt động trưng bày, còn lại gần như ít hoặc không bị tác động. Các thương vụ mua bán tranh vẫn diễn ra sôi động, thậm chí có phần tích cực hơn trong thời điểm dịch bệnh.
Với thế giới, các sàn đấu giá tranh vẫn đang diễn ra bằng nhiều hình thức khác nhau và không thiếu những con số khiến dư luận ngạc nhiên. Giữa tháng 5/2021, bức Marie-Therese của Picasso (hoàn thành năm 1932), đã được chốt ở mức hơn 100 triệu USD, vượt xa dự đoán ban đầu là 55 triệu USD. CNN đánh giá, thị trường tranh thế giới đang nhộn nhịp mặc dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.
Gần đây, tranh của tác giả Việt cũng liên tục lên sàn đấu giá quốc tế và tạo được tiếng vang. Trong đó, tại phiên đấu giá của nhà Sotheby’s Hồng Kông hôm 18/4 vừa qua, bức Portrait de Mademoiselle Phuong (tạm dịch: Chân dung cô Phương) của họa sĩ Mai Trung Thứ đạt mức 24.375.000 HKD (khoảng hơn 3,1 triệu USD) - nắm kỷ lục về giá tranh Việt trên sàn công khai quốc tế.
Ngày 24/5 mới đây, nhà Christie’s Hồng Kông mở phiên đấu giá và bốn bức của ba danh họa người Việt gồm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh tạo ra cuộc đua gay cấn. Trong đó, bức Thiếu nữ choàng khăn của Lê Phổ được bán với giá cao nhất 8.650.000 HKD (hơn 1,1 triệu USD).
Tại Việt Nam, thời gian qua, mặc dù dịch bệnh, các hoạt động trưng bày, triển lãm tranh, khai trương các gallery vẫn được tổ chức nhộn nhịp tùy quy mô, thời điểm. Thị trường mua bán tranh cực kỳ sôi động.
“Thị trường tranh vẫn hoạt động trong hai năm đại dịch. Các sàn đấu giá vẫn chuyển động. Tranh Việt thời gian qua tăng giá đều, ai cũng bán được tranh. Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn có nhiều tranh được bán với giá cao hơn qua từng năm, và điều này cũng đúng với hàng trăm họa sĩ Việt khác”, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết ngay tại triển lãm của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.
Theo ông Lý Đợi, những đối tượng dịch COVID-19 ít tác động đến là giới siêu giàu. Họ xem tranh như một hạng mục đầu tư và quan trọng hơn, họ hiểu giá trị tinh thần mà tranh mang lại.
Hoạ sĩ Ngô Đồng tại không gian Ngõ Art Gallery
Họa sĩ Ngô Đồng cho biết: “Khi dịch bệnh xảy ra, nghệ thuật có vai trò quan trọng, làm vực dậy tinh thần, khiến tâm trạng con người tươi sáng hơn. Ngoài ra, đại dịch như một đòn giáng vào cảm xúc của những họa sĩ, buộc họ giãi bày bằng tranh. Bên cạnh đó, giới siêu giàu không biết đi đâu nên tìm đến tranh để giải tỏa tâm trạng. Vì thế trong dịch, hội họa vẫn sống, thậm chí sức sống còn mạnh mẽ hơn”.
Thị trường tranh Việt: Tiềm năng thấy rõ
Tại TP.HCM, giới họa sĩ vừa có thêm một địa điểm để gửi gắm đứa con tinh thần của mình khi Ngõ Art Gallery khai trương trong tháng Năm vừa qua. Họa sĩ Hứa Thanh Bình và Ngô Đồng có tranh trưng bày tại Ngõ đều nói rằng phải hàng chục năm rồi, họ mới đưa tranh đến một gallery thay vì chỉ tiếp vài vị khách thân đến nhà chiêm ngưỡng.
Theo họa sĩ Ngô Đồng, các gallery hiện tại gần như do người trẻ điều hành, và họ đang dần chuyên nghiệp hóa các hoạt động, tạo cho thị trường tranh tính hệ thống, nên đủ thuyết phục nhiều họa sĩ gửi tranh.
Về sự thay đổi hoạt động của các gallery hiện tại, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết một chiến lược mới: “Suốt thời gian dài, thị trường tranh Việt Nam chỉ là thị trường sơ cấp. Trong những năm gần đây mới có tín hiệu thứ cấp. Lâu nay, các gallery Việt Nam chỉ bán tranh, không mua lại tranh mình đã bán. Nhưng gần đây, việc này diễn ra thường xuyên và góp phần nâng giá tranh”, ông nói.
Hầu hết các họa sĩ, nhà nghiên cứu, sưu tầm đều khẳng định, sự tham gia của một thế hệ những doanh nhân trẻ, có học thức đang khiến thị trường sôi nổi hơn. Nhà nghiên cứu Lý Đợi nói tại Việt Nam, hiện có rất nhiều nhà sưu tầm tranh từ thế hệ 8X trở về sau hay còn gọi là thế hệ sưu tầm thứ năm. Họ xem tranh như một hạng mục đầu tư bên cạnh chứng khoán, đất đai, nhà cửa, xe cộ… để giảm rủi ro, tăng độ an toàn cho số tài sản hiện có.
Giới nghệ sĩ Việt đang rất hào hứng với thị trường tranh như ca sĩ Tùng Dương, Thanh Lam, Ngô Thanh Vân, Huy Tuấn, Đức Trí… cũng đã có những động thái gia nhập.
Những triển lãm tranh tại Việt Nam vẫn diễn ra giữa thời điểm dịch bệnh với quy mô nhỏ gọn.
Ông Đào Danh Đức (69 tuổi), nhà sưu tập tranh, cổ vật thuộc thế hệ thứ hai tại Việt Nam cho biết, hiện trên thị trường, mỗi nhà sưu tập có định hướng mua tranh khác nhau. Ông có hứng thú với tranh của những họa sĩ thuộc thế hệ trước, đặc biệt dòng tranh mỹ thuật Đông Dương. Đây cũng là dòng tranh luôn được mọi nhà sưu tập nhắm tới vì có thương hiệu, có giá trị cao và được quốc tế săn lùng. Hiện đã có nhiều doanh nhân trẻ tham gia thị trường tranh, và họ sẵn sàng chi rất mạnh cho các bức được đánh giá là tiềm năng.
Thị trường tranh Việt Nam đã có các mắt xích cơ bản như giao dịch thứ cấp, có sự nhập cuộc của các doanh nghiệp tài chính, có sàn đấu giá, có đơn vị bảo hiểm tranh… Dù mọi thứ chỉ đang ở mức sơ khởi nhưng không thể phủ nhận tiềm năng không nhỏ của thị trường tranh Việt.
“Nhiều nước trên thế giới mất khoảng thời gian dài để hoàn thiện khâu bảo hiểm tranh và chế tài. Thị trường tranh Việt Nam chỉ đang ở mức gần hoàn thiện, tuy nhiên, chúng ta có điểm thuận lợi là thị trường tăng trưởng rất tốt, năm sau luôn cao hơn năm trước, nên tiềm năng là điều thấy rõ”, nhà nghiên cứu Lý Đợi nói thêm.
Theo phunuonline