Những ngôi trường vắng học sinh
Trong nhiều thế kỷ, tiếng trẻ em nô đùa trong sân chơi của trường mầm non ở vùng Champorcher, thuộc thung lũng Aosta (Ý) mang đến tia hy vọng cho sự tồn tại của ngôi làng miền núi. Tuy nhiên, vào tháng 9/2022, ngôi trường rơi vào trạng thái im lặng một cách kỳ lạ và buộc phải đóng cửa khi chỉ có 2 học sinh đăng ký đến lớp. Stefania Girodo Grant - Hiệu trưởng của một nhóm trường bao gồm các cơ sở giáo dục tại Champorcher - cho biết: “Khi một trường học đóng cửa, một ngôi làng sẽ chết”.
|
|
Eita và Aoi tham dự lễ tốt nghiệp khóa cuối cùng của Trường THCS Yumoto - Ảnh: REUTERS |
Những chiếc nôi trống tại các khoa hộ sinh đã trở thành biểu tượng ám ảnh về tỉ lệ sinh giảm mạnh ở Ý, nơi số ca sinh đạt mức thấp lịch sử là 393.000 ca trong năm 2022. Giờ đây, các lớp học dần trở nên trống rỗng khi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học gia tăng. Theo dữ liệu từ Tuttoscuola - một hãng tin chuyên về giáo dục - các trường dành cho trẻ nhỏ ở Ý đã giảm 456.408 lượt đăng ký - tương đương với gần 30% số học sinh - trong thập niên qua. Nếu tỉ lệ sinh tiếp tục giảm như hiện tại, nước Ý sẽ có chưa đến 1,4 triệu học sinh trong độ tuổi từ 3-18 vào năm 2034.
Tương tự, tỉ lệ sinh của Nhật Bản đang giảm nhanh hơn dự kiến. Các trường học phải đóng cửa vì thiếu học sinh ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Eita Sato và Aoi Hoshi là 2 học sinh tốt nghiệp duy nhất của Trường THCS Yumoto ở vùng núi phía bắc Nhật Bản trong năm nay và cũng là thế hệ học sinh cuối cùng mà ngôi trường đào tạo. Cơ sở giáo dục 76 năm tuổi này đã đóng cửa vĩnh viễn vào tháng Tư vừa qua. Eita (15 tuổi) chia sẻ: “Chúng tôi đã nghe tin đồn về việc đóng cửa trường học từ vài năm trước, nhưng tôi không tưởng tượng được điều đó sẽ thực sự xảy ra. Tôi đã bị sốc”.
Tình trạng tỉ lệ sinh giảm đang là vấn đề quan trọng tại nhiều nước ở châu Á. Chi phí nuôi dạy con cao là nguyên nhân chính khiến nhiều cặp vợ chồng tại Hàn Quốc và Trung Quốc ngại có con. Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục Trung Quốc, số học sinh mẫu giáo ở Trung Quốc đã giảm 1,8 triệu và hiện còn 46,3 triệu vào năm 2022. Nhiều trường học ở đặc khu Hồng Kông buộc phải hợp nhất hoặc chuẩn bị đóng cửa do tỉ lệ sinh giảm kéo dài 1 thập niên. Một phần nguyên nhân đến từ việc ngày càng nhiều người rời khỏi thành phố. Truyền thông địa phương đưa tin, ít nhất 5 trường học tại Hồng Kông sẽ sớm phải đóng cửa sau khi không tuyển đủ mức tối thiểu 16 học sinh vào lớp Một. Trong khi đó, gần 12.000 giáo viên Hồng Kông đã nghỉ việc kể từ năm 2021.
Các chính sách khuyến khích sinh con chưa thành công
Một số yếu tố góp phần làm giảm tỉ lệ sinh thường gặp ở các nước bao gồm khó khăn của những người trẻ tuổi trong việc tìm một công việc ổn định và việc thiếu hệ thống hỗ trợ chăm sóc trẻ em. Nhiều phụ nữ mang thai buộc phải nghỉ việc vì họ không thể cân bằng giữa công việc với cuộc sống gia đình. Một số thậm chí đã bị sa thải khi họ mang thai. Những người khác chỉ đơn giản là chọn không có con. Giorgia Serughetti - nhà xã hội học tại Đại học Milan-Bicocca - cho biết: “Mô hình làm cha mẹ đã thay đổi. Các tiêu chuẩn chăm sóc không ngừng tăng lên và do đó, mọi người tập trung nhiều vào khoản đầu tư cần thiết để nuôi dạy 1 đứa trẻ, đồng thời cũng lo sợ rằng con cái của họ sẽ phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn”.
Trong 10 năm qua, Ý liên tục đưa ra nhiều chính sách ưu đãi tài chính khác nhau để khuyến khích mọi người lập gia đình. Gần đây nhất là kế hoạch do chính phủ của cựu Thủ tướng Mario Draghi thiết lập nhằm cung cấp cho các gia đình khoản thanh toán hằng tháng từ 50-175 euro cho mỗi trẻ sơ sinh, kéo dài cho đến khi trẻ 21 tuổi. Nhưng tất cả các chính sách cho đến nay đều không mang lại kết quả. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida hứa hẹn sẽ thực hiện “các biện pháp chưa từng có” để giúp tăng tỉ lệ sinh như tăng gấp đôi ngân sách cho các chính sách liên quan đến trẻ em, mở rộng khả năng lựa chọn nghỉ thai sản cho 85% nam giới…
Bên cạnh các chính sách khuyến khích sinh con, nhiều nhà chuyên môn cho rằng hệ thống giáo dục cũng cần thay đổi. Qiao Jinzhong - giáo sư về giáo dục tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc - cho biết, trong tương lai, học sinh sẽ được giảm bớt áp lực thi vào trường “điểm”, trọng tâm giáo dục sẽ chuyển từ lấy điểm cao sang bồi dưỡng kiến thức cho học sinh và nâng cao chất lượng ngành giáo dục nói chung. Theo một nghiên cứu do giáo sư Qiao dẫn dắt, số lượng học sinh tiểu học và THCS vào năm 2035 tại Trung Quốc dự kiến giảm khoảng 30 triệu so với năm 2020. Do đó, để tránh tình trạng đóng cửa trường học số lượng lớn, các cơ quan giáo dục được khuyến khích giảm số lượng học sinh trong mỗi lớp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Theo phụ nữ TPHCM