Các cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, Bộ Gia đình và Xã hội nước này sẽ đánh giá nhạc pop Hàn Quốc vốn bị các chuyên gia đảng bảo thủ coi là mối đe dọa với thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ. "Bộ đang xem xét các cáo buộc cho rằng Kpop khiến giới trẻ đánh mất giá trị truyền thống, xa rời gia đình và chạy theo lối sống 'tự do giới tính'", tờ Milliyet viết.
Bộ đã liên hệ với đại diện của các nền tảng truyền thông xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc chống lại nội dung trực tuyến độc hại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em, tờ báo này cho biết. Đại diện của một nền tảng (yêu cầu được giấu tên) xác nhận rằng có kế hoạch như vậy trong "tương lai gần".
Bộ dự kiến theo dõi tác động của Kpop đối với giới trẻ Thổ Nhĩ Kỳ sau tin tức về hai chị em gái và một người bạn đã bỏ nhà đi vào đầu tháng này để đến Hàn Quốc. Mẹ của họ cho biết các cô gái là người hâm mộ của làn sóng "Hallyu" - thuật ngữ dùng để mô tả sự phổ biến ngày càng gia tăng của văn hóa Hàn Quốc trên toàn cầu từ phim truyền hình đến mỹ phẩm, âm nhạc và thời trang.
Theo một báo cáo của Twitter được công bố vào tháng 9/2020, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 20 quốc gia mà người dùng sử dụng hashtag Kpop nhiều nhất. Họ bình luận về hàng nghìn bài hát như On - BTS, Obsession - EXO.
"Có hàng triệu người hâm mộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trường hợp ba cô gái ở trung tâm thành phố Istanbul bỏ nhà đi Hàn Quốc không phải xu hướng mà là hiện tượng cá biệt. Tuy nhiên, nó một lần nữa kích động các nhóm bảo thủ đang tìm cách bêu xấu Kpop như một phong trào cổ vũ lối sống LGBT, một xã hội không phân biệt giới tính, khiến giới trẻ tự tử và còn hơn thế nữa", Alptekin Keskin, một học giả nghiên cứu về phong trào chống Kpop ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết.
Vài phút sau khi tin tức về những cô gái bỏ nhà đi xuất hiện, các từ khóa #bankpop và #youcannotbankpop lan truyền mạnh mẽ.
Các tờ báo và nhà bình luận bảo thủ liên tục cáo buộc thần tượng Kpop, đặc biệt là BTS, đã "tạo ra sự hoang mang về bản dạng giới". Bình luận về BTS, họ viết: BTS là nhóm nhạc nam có bản hit Butter đứng đầu bảng xếp hạng mùa hè. Bảy thành viên có vẻ ngoài ốm yếu, nữ tính, đã đến Liên Hợp Quốc vào năm 2018 và có một bài phát biểu ủng hộ giới trẻ nói lên tiếng nói của mình. Trưởng nhóm Kim Nam Joon, hay còn được biết đến với nghệ danh RM, khẳng định: "Không cần biết bạn là ai, đến từ đâu, màu da, bản dạng giới của bạn là gì, chỉ cần nói lên tiếng nói của chính bạn".
BTS biểu diễn Dynamite trên sân khấu Grammy 2021 từ Seoul.
Trong một bài báo có tiêu đề Homosexual armies coming (Dịch: Đội quân đồng tính đang đến), nhà bình luận Ali Osman Aydin của tờ Yeni Akit cáo buộc BTS "hành động như những đứa trẻ sáng sủa, ngoan hiền, yêu động vật và thiên nhiên" nhưng trên thực tế "là một phần của kế hoạch toàn cầu nhằm tạo ra một thế giới không phân biệt giới tính xã hội".
Kênh tin tức ủng hộ chính phủ Ahaber và hãng thông tấn Anadolu của nhà nước đã trích dẫn một cách chọn lọc ý kiến của các nhà tâm lý học và giáo viên, những người tán thành sự phản đối của họ. Chẳng hạn, Goksin Kahraman, một chuyên gia tâm lý học về trẻ em và trẻ vị thành niên, cho biết các ca sĩ "ái nam ái nữ" như BTS có thể "tạo ra sự hoang mang ở những người trẻ có bản dạng giới vẫn đang trong quá trình phát triển".
Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng tuyên bố chống LGBT thường đi đôi với tuyên bố bảo vệ thanh thiếu niên và trẻ em khỏi "lối sống đồng tính". Khi học sinh buộc phải ở trong nhà và học trực tuyến vì đại dịch, một hiệp hội giáo viên khuyến khích học sinh vẽ cầu vồng và treo chúng trên cửa sổ. Cảnh báo trước ý nghĩa của cầu vồng - biểu tượng toàn cầu của phong trào xã hội LGBT - Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp để ngăn chặn chiến dịch này. Cơ quan giám sát truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ, Hội đồng Tối cao Phát thanh và Truyền hình, luôn theo dõi sát sao các nhân vật đồng tính trong loạt phim được trẻ em và thanh thiếu niên xem. Netflix, nền tảng có hơn 3 triệu người đăng ký ở Thổ Nhĩ Kỳ, từng hơn một lần phải nhượng bộ trước áp lực từ hội đồng, thu hồi toàn bộ loạt phim hoặc thay đổi kịch bản để loại bỏ nhân vật đồng tính.
Keskin nói thêm rằng các nhóm nhạc Kpop, đặc biệt là BTS, có hơn 20 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, trong đó fan của họ cũng có rất nhiều người trẻ ở các trường giáo sĩ Hồi giáo - được coi là nơi đào tạo "thế hệ ngoan đạo" của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
"Sự phổ biến này chính xác là một trong những lý do khiến các chuyên gia bảo thủ cảm thấy lo lắng", Keskin nói. "Nhưng những người hâm mộ - với số lượng đông đảo và am hiểu mạng xã hội - có thể đẩy lùi các cáo buộc bằng những từ khóa trên mạng xã hội", ông nói thêm.
"Thực tế sẽ sai nếu mô tả người hâm mộ Kpop là những người ủng hộ lối sống LGBT. Ví dụ, BTS chống lại nam tính độc hại và nói rằng họ tôn trọng tất cả xu hướng tính dục. Trong những cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện với người hâm mộ, họ cảm thấy rằng các thần tượng Kpop đưa ra một thông điệp về tinh thần, về sự tôn trọng", Keskin cho biết.
Nhưng chúng ta nên tránh vẽ một bức tranh quá màu hồng về Kpop, Aylin Sener, một nhà báo theo dõi làn sóng "Hallyu", cảnh báo. Cô chỉ ra rằng thế giới âm nhạc đại chúng Hàn Quốc đang tồn tại một mảng tối trong đó các ca sĩ được đào tạo cực khổ và khắt khe, phải chịu những hạn chế về chế độ ăn uống nghiêm ngặt, hợp đồng dài hạn ràng buộc họ với công ty quản lý - nơi kiểm soát chặt chẽ cuộc sống riêng tư của thần tượng. Ít nhất 7 nghệ sĩ, chủ yếu là phụ nữ, đã tự tử trong ba năm qua.
Theo Ione