Kỷ luật khác trừng phạt
Chị Gia Hân (42 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) - mẹ 3 con - vẫn không hết ám ảnh về việc lúc nhỏ chị từng bị chị họ “vứt” sang vườn nhà hàng xóm vào giữa đêm. “Tôi nhớ mãi năm tôi học lớp Hai, mè nheo chuyện gì với mẹ mà khóc mãi không nín. Thấy vậy, chị con dì ẵm tôi ra tít sau vườn, bỏ tôi lại một mình bên rào nhà hàng xóm. Đêm tối, tiếng chó sủa khiến tôi kinh hãi, tôi càng hoảng hơn vì thường ngày hay bị chó nhà này cắn. Mẹ qua ẵm tôi về, cả đêm tôi giật mình khóc thét vì sợ. Cảm giác này theo tôi mãi đến giờ” - chị kể.
Từ chuyện đó, chị tâm niệm không bao giờ trừng phạt con trẻ như vậy, mà sẽ phân tích cho con hiểu đúng - sai, nên - không trong từng tình huống; cùng thỏa thuận với trẻ về các hình thức thưởng - phạt. Nhờ đó, các con chị tự nguyện làm việc nhà giúp mẹ như phơi đồ, rửa chén, lau nhà… để được mẹ thưởng cho đi chơi vào cuối tuần; ngược lại, chúng “tâm phục, khẩu phục” khi bị “tước quyền” đi chơi, mua quà… nếu phạm lỗi.
|
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền rất dễ hòa nhập với các bạn nhỏ |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh: hành vi của trẻ luôn có mục đích nhất định. Mục tiêu quan trọng nhất của trẻ là muốn được kết nối và thấy mình là quan trọng. Những đứa trẻ hay gây rối thường là trẻ không được động viên, khuyến khích.
Lỗi lầm là cơ hội để học hỏi. Trẻ phải luôn nhận được thông điệp yêu thương từ người lớn. Cần phân biệt kỷ luật với trừng phạt. Kỷ luật là dạy trẻ hành vi đúng, trừng phạt là chấm dứt hành vi sai. Kỷ luật tích cực là kết hợp giữa sự kiên định và tử tế.
Khi trẻ vi phạm, cần áp dụng các cấp độ xử lý, trong đó cần hướng dẫn trẻ nhận ra hành vi sai, có hành vi đúng. Nếu trẻ tiếp tục không tuân thủ thì chuyển sang cấp độ cảnh báo, hướng dẫn lại cho trẻ. Khi trẻ tuân thủ thì khen thưởng và xử phạt nếu trẻ không tuân thủ. Hậu quả hợp lý liên kết với hành vi sai trái.
“Hậu quả chỉ liên kết với hành vi hiện tại, không phải với những hành vi đã qua. Thông báo về hậu quả phải được nói với ngữ điệu bình tĩnh. Trẻ được lựa chọn hậu quả, khi không được lựa chọn, cần nói rõ cho trẻ. Sau đó, tạo điều kiện cho trẻ thực hiện trách nhiệm của mình trở lại. Hành vi lặp lại nhiều lần thì tăng thời gian chịu hậu quả” - tiến sĩ Thu Huyền lưu ý.
Theo tiến sĩ Thu Huyền, ở trường, thầy cô nên khen thưởng học sinh để khuyến khích, động viên, khích lệ các em thực hiện những hành vi tốt. Như khi thấy học sinh cư xử hòa nhã với bạn hay giúp đỡ bạn, thầy cô khen thì các em sẽ tiếp tục hành vi này. Việc khen thưởng giúp các em tự tin hơn, có thể tạo bước ngoặt thay đổi học sinh cá biệt trở thành học sinh tốt…
Chị Quế Anh (ngụ quận 12, TPHCM) kể chị rất vui khi con gái Hải Vân (đang học lớp Sáu, Trường THCS Nguyễn Du) về khoe: “Cô giáo khen con nói chuyện có duyên” với ánh mắt vui tươi, nét mặt rạng rỡ, thể hiện sự hạnh phúc.
“Tôi từng dạy từ các cháu mầm non đến sinh viên cao học và nhận thấy ở lứa tuổi nào, học sinh cũng rất thích được khen thưởng. Qua đó, tạo được bầu không khích tích cực trong lớp học” - tiến sĩ Thu Huyền nhấn mạnh.
Khi khen thưởng học sinh, thầy cô cũng cảm thấy vui. Ngược lại, nhiều thầy cô cho biết họ cảm thấy bực bội, mệt mỏi, mất hứng giảng dạy… khi phàn nàn, la mắng, chê trách học sinh. Khen thưởng, rèn luyện cảm xúc tích cực cho học sinh là thầy cô đang tặng cho các em và cả chính mình món quà.
Khi phê bình, góp ý với trẻ, thầy cô/cha mẹ nên gặp riêng các em, trao đổi kín đáo; còn khen thưởng các em thì cần công khai, rộng rãi. Lời khen đi kèm thái độ, thưởng nên kèm theo khen. Tuy nhiên, ở trường, thầy cô không nên khen thưởng bằng thức ăn, bánh kẹo, vì liên quan vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; không khen thưởng bằng hiện kim vì trẻ có thể chưa bảo quản tốt. Thầy cô có thể tặng học cụ cho các em hay một món quà trị giá vừa phải mà trẻ thích.
|
Thạc sĩ Nhan Thị Lạc An nhấn mạnh việc cha mẹ là “mô hình” cho con bắt chước |
Cần kết nối với trẻ
Thạc sĩ Nhan Thị Lạc An - Phó trưởng khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục nhận thức, hành vi và cảm xúc của trẻ trong gia đình rất quan trọng, mang tính then chốt.
Nhưng ngày nay, nhiều gia đình giao phó việc giáo dục nhận thức, hành vi, cảm xúc của trẻ cho nhà trường. Trẻ trong độ tuổi hình thành và phát triển nhân cách trước hết sẽ học mô hình hành vi, ứng xử từ trong gia đình; từ nhận thức hoàn cảnh đến hành vi, hành động xảy ra trong hoàn cảnh và cảm xúc diễn ra.
Hãy lưu tâm đến nhận thức của con cái trong gia đình; xem cách con nhìn nhận những tình huống, những vấn đề xảy ra như thế nào; có đi lệch với chuẩn mực của xã hội hay không… để kịp thời điều chỉnh nhận thức của trẻ. Bên cạnh đó, quan sát hành vi, cách cư xử của con trẻ trong nhiều môi trường khác nhau: gia đình, bạn bè, môi trường khác… để kịp thời nhắc nhở, hướng trẻ về hành vi đúng và dạy con trẻ nhận biết, quản lý cảm xúc của mình.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Theo thạc sĩ Nhan Thị Lạc An, cách duy nhất để kết nối, tạo dựng mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ với con cái là dành thời gian chất lượng cho con cái; không phải chỉ đơn giản là ở nhà, ở bên con cái (với mỗi người 1 điện thoại, ti vi, máy tính bảng…) mà là thực sự hiện diện trong mối quan hệ với con cái, trò chuyện cùng con, lắng nghe con 100% mà không bị bất cứ điều gì phân tán.
Nếu cha mẹ và con cái thực sự có mối quan hệ tích cực, kết nối thì việc hỗ trợ con trẻ giải quyết các khó khăn trong các mối quan hệ bạn bè, trường học, thầy cô sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, khi trẻ đã đủ nguồn lực hỗ trợ, bản thân trẻ đủ nội lực để có thể tự giải quyết các khó khăn của mình.
Đáng nói, trong nhiều tình huống xảy ra như con trẻ có xung đột với người khác, phụ huynh có xu hướng bỏ ngoài tai mọi ý kiến và chỉ bênh vực con mình, dù chưa rõ ngọn ngành. Điều này sẽ trở thành một mô hình giải quyết vấn đề mà trẻ sẽ học theo - mô hình ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình và dẫn đến đứa trẻ tự xem mình là trung tâm, không quan tâm đến những người xung quanh.
“Trong tình huống như vậy, trước hết, phụ huynh nên lắng nghe cảm xúc của con trước, khoan kết luận gì cả. Sau đó, tìm hiểu sự việc từ các góc nhìn khác nhau, từ đó có cái nhìn khách quan về sự việc diễn ra. Nếu con mình thực sự sai trong suy nghĩ, thái độ, hành vi thì cha mẹ cần uốn nắn trẻ bằng cách giải thích cho trẻ biết trẻ sai như thế nào và cách suy nghĩ, thái độ, hành vi nào là đúng đắn và chuẩn mực” - thạc sĩ Nhan Thị Lạc An khuyến nghị.
Một người cha người nước ngoài đã kiên nhẫn nhắc hơn 50 lần trong 2 tiếng đồng hồ để con gái 2 tuổi của ông phải nhặt chiếc nĩa mà bé vứt dưới đất lên, đồng thời yêu cầu bé xin lỗi cha mẹ về hành động này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi của trẻ. Việc điều chỉnh hành vi không phù hợp của trẻ tốn nhiều thời gian và công sức. Người lớn nên nói ít lại, kiên nhẫn chờ đợi, ôn hòa, tử tế nhưng kiên định, tôn trọng cách trẻ làm và khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến.
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền
|
Trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, phụ huynh cần nhận thức rõ mình là “mô hình” cho trẻ bắt chước. Cách cha mẹ cư xử với nhau, với ông bà, với người xung quanh, với con cái là “tấm gương” để trẻ nhìn vào đó và làm theo. Cha mẹ cũng cần nhìn nhận rõ các con là những cá thể có suy nghĩ, nhận thức, thái độ và cảm xúc riêng; dù ở độ tuổi nào các con cũng có những cái riêng của mình. Nếu cha mẹ biết cách thể hiện sự tôn trọng với trẻ, dành cho trẻ một khoảng “thở” vừa đủ (sự tự do vừa đủ) để trẻ thể hiện cái tôi của mình trong khuôn khổ của gia đình, vừa làm bạn với trẻ, vừa uốn nắn trẻ nhưng không quá hà khắc thì trẻ sẽ phát triển nhân cách một cách khỏe mạnh và hạnh phúc.
Thạc sĩ Nhan Thị Lạc An
- Phó trưởng khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM)
|
Theo phụ nữ TPHCM