Thủ khoa tiếp sức gen Z: Làm 'Anh' khó lắm, phải đâu chuyện đùa
Cập nhật lúc 16:33, Thứ năm, 20/04/2023 (GMT+7)
Làm "Anh" khó lắm phải đâu chuyện đùa và các vấn đề hay gặp phải trong bài thi môn tiếng Anh, là chủ đề mà Trương Huệ Như, thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM 2022, muốn chia sẻ với thí sinh trong video chương trình "Thủ khoa tiếp sức gen Z" hôm nay.
Chia sẻ trong chương trình "Thủ khoa tiếp sức gen Z", Huệ Như chỉ ra lỗi sai đầu tiên mà thí sinh hay gặp trong bài thi tiếng Anh thường ở những dạng bài tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa.
"Ngoài việc không hiểu được nghĩa của từ đó trong câu, thì cũng có những trường hợp mình hiểu được nghĩa nhưng vẫn làm sai. Vì trong tiếng Anh có rất nhiều từ có nhiều nghĩa và ở nhiều bối cảnh khác nhau. Nên trong quá trình ôn, khi các bạn tra từ điển thì nên học hết các nghĩa của một từ mà trong từ điển có liệt kê. Các bạn nên lưu ý tìm từ đồng nghĩa sao cho khi thay thế vào thì câu vẫn giữ nguyên nghĩa, và phải xem từ đó có hợp hoàn cảnh và vị trí trong câu hay không", Như chỉ ra.
Lỗi thứ 2 trong dạng bài này cũng là lỗi mà Như cho biết từng mắc phải rất nhiều lần. Đó là đề bài ra tìm những câu trái nghĩa, nhưng đọc không kỹ đề nên đi tìm những câu đồng nghĩa. Lỗi do chủ quan nhưng sẽ gây nên sự mất điểm đáng tiếc. Vì thế Như khuyên thí sinh khi làm bài thì gạch chân kỹ đề bài, để không bị nhầm lẫn.
Lỗi sai tiếp theo cần lưu ý là ở dạng bài cụm động từ và thành ngữ. "Với mình, đây là dạng bài khó nhất trong đề thi, vì thành ngữ và cụm động từ trong tiếng Anh nhiều vô kể, và mình không thể nào học trúng hết được. Cách để giải quyết vấn đề này là trong lúc giải đề, nên ghi chú lại những cụm động từ, thành ngữ mới vào một cuốn sổ để sau này xem lại nhiều lần", cô nàng thủ khoa lưu ý.
Lỗi sai nữa là ở dạng bài phát âm, nhấn trọng âm. Như cho biết: "Thông thường nhiều bạn sẽ khoanh đáp án theo kiểu đọc và thấy từ này thuận miệng, cảm giác từ này đọc như vậy nên chọn. Nhưng trong tiếng Anh có rất nhiều từ như vậy nhưng phát âm lại không phải vậy. Nên khi giải đề, các bạn cần lưu ý từ nào thật sự lạ thì nên ghi lại cách phát âm, nhấn trọng âm của nó để sau này ôn lại".
Thí sinh cùng theo dõi các video "Thủ khoa tiếp sức gen Z" trên các nền tảng: Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên và tại thanhnien.vn. Mỗi ngày 2 lượt phát sóng (sáng: 9 giờ; chiều: 14 giờ). |
Như cũng lưu ý thí sinh cần phải nhớ về phần phát âm đuôi. Vì theo Như, kiến thức này có khả năng ra đề thi rất cao. Bên cạnh đó, Như khuyến khích thí sinh có thể lên Google và tìm kiếm một số mẹo của bài trọng âm. Có rất nhiều mẹo hay và các bạn có thể đọc, ghi nhớ để áp dụng.
Theo Thanh niên