Maria Teresa Turrion Borrallo được thuê làm bảo mẫu tại gia đình Công nương Kate Middleton và Hoàng tử Anh William.
Maria Teresa Turrion Borrallo là một bảo mẫu tốt nghiệp Trường Cao đẳng Norland - nơi đào tạo vú em cho các gia đình danh giá, nổi tiếng bậc nhất thế giới với các tiêu chuẩn cao về chăm sóc trẻ.
Borrallo được thuê để chăm sóc cho Hoàng tử George - con trai cả của Công nương Kate Middleton và Hoàng tử Anh William từ khi cậu bé mới vài tháng tuổi.
Sống cùng gia đình hoàng gia tại Cung điện Kensington, cô được theo chân họ trong các chuyến đi công tác và kỳ nghỉ riêng tư. Mối quan hệ giữa Công nương Kate và bảo mẫu Borrallo cũng rất gần gũi.
Được biết, mức thu nhập dành cho bảo mẫu như Borrallo khi vừa tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Norland khoảng 22.773 bảng Anh/năm (khoảng 31.600 USD).
Sau 12 tháng kể từ khi các bảo mẫu này nhận bằng tốt nghiệp, thu nhập của họ sẽ tăng lên 40.000 bảng Anh/năm (khoảng 55.500 USD).
Tuy nhiên, đi cùng mức lương hậu hĩnh là hàng loạt các quy tắc nghiêm ngặt mà những bảo mẫu cao cấp đến từ trường Norland phải tuân thủ.
Theo bà Julia Gaskell, một bảo mẫu giàu kinh nghiệm tại trường Norland: “Các bảo mẫu Norland phải là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Vì vậy, họ luôn được yêu cầu phải cư xử đúng mực. Thay vì bắt trẻ học vẹt, nói các từ “làm ơn” hay “cảm ơn”, các bảo mẫu cần thường xuyên sử dụng chúng trong đời sống để trẻ có thể noi theo.
Bên cạnh đó, họ cũng phải chú ý đến việc sử dụng ngôn từ. Từ “kids” (trẻ con) bị cấm sử dụng trong Cung điện Kensington của Hoàng tử William và Công nương Kate. Lý do là bởi, từ này có thể làm giảm sự tự tin đang phát triển trong các thành viên nhí của gia đình Hoàng gia. Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện sự tôn trọng cá nhân với các công chúa, hoàng tử nhỏ tuổi.
Ngoài ra, các bảo mẫu cũng cần hạn chế sử dụng những từ tiêu cực như “nghịch ngợm”, “hư đốn”. Thay vào đó, bảo mẫu có thể khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc của bản thân.
Bảo mẫu Borrallo phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt tại Cung điện Kensington.
Học viên được khuyến khích đánh giá hành vi thay vì toàn bộ tính cách của trẻ. Ví dụ, khi một đứa trẻ nghe thấy từ “hư đốn”, chúng sẽ nghĩ bản thân mình là người như thế.
Vì thế, trong trường hợp bảo mẫu thấy Jonny đánh Charlie, thay vì nói “Jonny nghịch ngợm quá”, họ có thể từ tốn giải thích rằng “Chúng ta không được phép có hành vi đánh nhau trong ngôi nhà này”, đồng thời hỏi Charlie cảm thấy như thế nào nhằm khuyến khích sự đồng cảm giữa hai bên.
Bên cạnh đó, bà Gaskell cũng cho rằng không nên khen ngợi tính cách của trẻ mà hãy cụ thể hóa hành vi. Chẳng hạn, thay vì khen trẻ rằng “Cháu là một người tốt bụng”, hãy nói rằng “Việc cháu làm rất tốt bụng”.
“Một điều khác cần lưu ý là chúng tôi khuyến khích các bảo mẫu của Norland hạn chế sử dụng từ “không”. Thay vào đó, họ có thể diễn đạt theo hướng tích cực hơn, ví dụ gợi ý những thứ khác đứa trẻ có thể làm được”, bà Julia Gaskell nói.
Lớp học đào tạo bảo mẫu tại Trường Cao đẳng Norland.
Trong khi đó, Emily Ward - nhà sáng lập Trường Cao đẳng Norland vào những năm 1800 – đã đưa ra những quy tắc cấm học viên đánh đập trẻ. Trong trường hợp bảo mẫu Norland chứng kiến cha mẹ dùng hành vi trừng phạt thân thể của trẻ, họ có thể từ chối tiếp tục làm việc cho họ.
Bảo mẫu Norland cũng được khuyến khích không cằn nhằn liên tục hoặc nói lặp đi lặp lại một vấn đề, vì trẻ em chỉ lắng nghe vài lần, rồi chúng sẽ chán và bỏ qua. Vì thế, các bảo mẫu Norland được dạy cần cố gắng nhận ra những mặt tích cực của đứa trẻ.
“Bạn cần đưa ra 5 lời nhận xét tích cực cho 1 nhận xét tiêu cực. Điều đó dựa trên lý thuyết rằng bộ não của chúng ta hoạt động theo bản năng để nhận ra những tiêu cực chứ không phải tích cực. Tỷ lệ 5:1 này cũng được cho là góp phần duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc”, bác sĩ John Gottman nói.
Các bảo mẫu của Norland sẽ được trang bị những kỹ năng cần thiết trong trường hợp khẩn cấp để có thể tự vệ, bảo vệ bản thân và những đứa trẻ.
Bên cạnh đó, các bảo mẫu Norland cũng được khuyến khích buộc tóc lại, để móng tay ngắn, không trang điểm quá đậm hoặc xịt nước hoa nồng nặc.
Việc đeo khuyên tai lủng lẳng hay đeo nhiều đồ trang sức cũng không được khuyến khích vì mất vệ sinh, đồng thời trẻ cũng có thể kéo, giật dẫn tới làm hỏng.
Ngoài ra, các bảo mẫu cũng cần nắm được các quy tắc cơ bản về phép lịch sự và cách cư xử trên bàn ăn. Trong thời gian làm việc, họ không được đến các cửa hàng ăn nhanh, đeo tai nghe, nhai kẹo cao su.
“Bởi mỗi cá nhân là một đại diện cho Trường Cao đẳng Norland danh tiếng, do đó, họ cũng phải cẩn thận với những bài đăng trên Facebook hay các trang mạng xã hội khác”, nhà sáng lập Emily Ward nói.
Mới đây, một chương trình đào tạo về chống khủng bố cũng đã được thêm vào chương trình giảng dạy của trường này. Các bảo mẫu của Norland sẽ được trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể tự vệ, bảo vệ bản thân và những đứa trẻ trong trường hợp khẩn cấp.
Theo vietnamnet