Những suy nghĩ vì một tương lai tốt đẹp hơn
Tốt nghiệp kĩ sư công nghiệp thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội bằng giỏi, Thanh Lâm nhận học bổng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để học Thạc sĩ tại trường kĩ sư về Sinh học - Thực phẩm tại Dijon (AgroSup Dijon).
Sau đó anh tiếp tục được nhận làm nghiên cứu sinh 3 năm với học bổng của Viện nghiên cứu quốc gia Nông nghiệp Pháp (INRA). Luận văn nghiên cứu bảo vệ tiến sĩ của Thanh Lâm đạt kết quả xuất sắc. Anh có 5 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng quốc tế (Critical Review in Food Science and Nutrition, Journal of Dairy Science, Biophysical Journal…).
Tiến sĩ 8X chuyên ngành Sinh học - Thực phẩm Lê Đoàn Thanh Lâm
TS Lâm tâm sự, cuộc đời anh đã trải qua nhiều giai đoạn cần có những sự quyết định, ví như quyết định cần phải đi du học, quyết định chọn ngành làm Thạc sĩ, Tiến sĩ hướng về dinh dưỡng-sức khỏe, quyết định không trở về nước ngay sau khi xong Tiến sĩ mà còn ở lại Pháp để xin đi làm một thời gian nhằm học tập thêm cách ứng dụng kiến thức, năng lực trong sản xuất, kinh tế tại đất nước công nghiệp chất lượng cao Pháp.
Ở tuổi 32, khi đã có trong tay tấm bằng tiến sĩ và những tiếp thu về văn hóa, giáo dục chất lượng cao, TS Lâm không quên lời hứa trở về năm xưa. Anh đã không lựa chọn ở lại đất nước Pháp dù có công việc ổn định và yêu thích mà quyết định trở về Việt Nam – về với gia đình và những điều mong muốn chia sẻ cùng mọi người, thông qua những dự án Dinh dưỡng khác nhau.
Khi người tiêu dùng lạc lối giữa “ma trận” thông tin về dinh dưỡng
Tiến sĩ thực phẩm Lê Đoàn Thanh Lâm là người khởi xướng trang thông tin Dinh dưỡng chuẩn (ở địa chỉ www.dinhduongchuan.com), một dự án phi lợi nhuận.
“Sau một thời gian dài sống ở Pháp, tôi luôn băn khoăn tại sao vẫn còn nhiều người Việt Nam, dù điều kiện kinh tế được cải thiện, vẫn chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của dinh dưỡng. Chúng ta bây giờ tưởng chừng có những bữa ăn đầy đủ hơn nhưng vẫn đang nuôi con, chăm sóc gia đình dựa trên những chế độ dinh dưỡng còn nhiều phần lệch lạc, tiếp tục tạo ra một thế hệ tương lai thừa cân, thiếu hụt thể chất. Tôi thấy mình cần phải làm gì đó...”, TS Lâm chia sẻ.
Ngoài ra, có một thực tế hiện nay là người tiêu dùng thường dễ bị hấp dẫn bởi những phương pháp, sản phẩm nói rằng sẽ có được kết quả lớn chỉ với nỗ lực nhỏ và trong thời gian ngắn. Những công cụ marketing hay những tuyên bố kiểu “nửa sự thật” thường dựa vào tâm lý đó để đánh lừa người tiêu dùng. Lợi dụng mong muốn có được những thông tin dinh dưỡng hữu dụng của mọi người, những người tự xưng là “chuyên gia” sẽ có những tuyên bố theo kiểu “sống khỏe mạnh không hề khó, chỉ cần làm điều này/ ăn thực phẩm này/ theo lời chỉ dẫn của tôi/ mua quyển sách của tôi”.
Trên thực tế, những lời khuyên này chỉ đề cập đến một phần của vấn đề hoặc hầu như không hề dựa trên các kết quả khoa học xác thực, cập nhật nhất. Người tiêu dùng hiện nay tin vào một số chế độ giảm cân nhanh detox, mua máy kiểm tra nitrat, hay tăng ăn dầu dừa mà không hề hiểu biết những điều có lợi, có hại thực sự đằng sau mỗi sản phẩm đó.
Trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam đang phải đối mặt hằng ngày với vô vàn nguồn thông tin sai lệch về dinh dưỡng cũng như các thực phẩm không an toàn, dự án Dinh dưỡng chuẩn của vị tiến sĩ 8X sẽ đem đến những thông tin dinh dưỡng chuẩn xác, hữu ích, dễ ứng dụng cho những người quan tâm đến cải thiện dinh dưỡng dù không chuyên.
Dự án Dinh dưỡng chuẩn của tiến sĩ 8X Việt có cách tiếp cận thú vị, dễ hiểu.
Dinh dưỡng, lối sống – vị thuốc quan trọng mà nhiều người bỏ qua
Trong quá trình làm nghiên cứu sinh, TS Lâm cũng đã thấy lí do về sự khác biệt giữa sức khỏe người Việt và người Châu Âu. Người châu Âu ngoài việc có nguồn sản phẩm chất lượng và an toàn, cũng như hệ thống chăm sóc tốt hơn so với Việt Nam hiện nay thì bản thân mỗi người họ có sự nhận thức tự bảo vệ bản thân rất cao (chú ý đến chất lượng dinh dưỡng từng bữa ăn, luôn tận dụng thời gian để có những vận động thể chất hàng ngày).
Người Việt ta có câu “Trăm bệnh do miệng mà ra”, tức là ăn uống không đúng cách sẽ gây ra bệnh tật, thế nên cũng dễ hiểu là hiện nay mọi người quan tâm rất nhiều đến thực phẩm bẩn, độc hại. Tuy nhiên, Hippocrate – ông tổ ngành Y – cũng khuyên chúng ta rằng “Hay coi thực phẩm là vị thuốc đầu tiên của bạn”, ý nói nhấn mạnh việc ăn uống cũng có thể chữa bệnh cho con người.
Đến năm 2020 theo dự đoán của Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư của WHO, Việt Nam sẽ có 160.000 người bị ung thư (tăng 30% so với 2012) và sẽ có thêm 30.000 người chết mỗi năm, đưa tổng số người chết vì ung thư lên con số 125.000 người.
“Trong khi đó chỉ cần ăn nhiều trái cây có thể ngăn ngừa 25% nguy cơ ung thư vòm họng, và 36% số ca ung thư phổi. Chỉ cần giảm uống rượu và béo phì là có thể giảm ung thư gan – loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam với tỉ lệ mắc cao gấp 3 lần tỉ lệ trung bình thế giới. Mỗi năm căn bệnh này lấy đi mạng sống của 23500 người Việt.
Hay hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần có thể giảm 12% số ca mắc ung thư ruột kết và trực tràng, và 12% số ca mắc ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh. Vì vậy đừng đợi ung thư gõ cửa, mới chú ý đến dinh dưỡng và lối sống”, TS Lâm mong mỏi.
Trong khi nghiên cứu mới nhất do trường Y Havard thực hiện, việc không hút thuốc, uống rượu bia điều độ, duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục thường xuyên có thể ngăn chặn hơn một nửa số ca tử vong do ung thư và giảm 40% đến 60% các trường hợp ung thư mới. Nghiên cứu này nằm trong dự án của chính phủ Mỹ để tìm ra cách chữa ung thư, đã được tổng thống Obama tuyên bố nguồn viện trợ 1 tỉ USD trong bài phát biểu thông điệp Liên bang mới nhất tại quốc hội Mỹ.
Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để những thay đổi tích cực về dinh dưỡng, lối sống có sức lan tỏa sâu rộng?”, TS. Lê Đoàn Thanh Lâm nhấn mạnh rằng những dự án về dinh dưỡng muốn thành công ở trên thế giới hay ở Việt Nam đều cần có sự đoàn kết, phối hợp của nhiều người, nhiều tổ chức, thuộc các lĩnh vực khác nhau, có chung mong muốn cải thiện sức khỏe, tuổi thọ cho bản thân và xã hội.
Theo Dân trí