Bộ sưu tập giải thưởng
Tiến sĩ Dương Quang Trung (ngồi, bìa phải) cùng nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ xuất sắc của trường Queens cùng các nhà khoa học khác
Tiến sĩ Dương Quang Trung (sinh năm 1979) hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Queen’s University Belfast. Tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Viễn thông vào cuối năm 2012 thì ngay năm 2013, tiến sĩ Trung được nhận vào ngạch Giáo sư của trường Queens mà không phải thông qua giai đoạn hậu tiến sĩ (post-doc).
Sau 3 năm tại trường Queen’s, anh Trung là chủ nhiệm đề tài của 8 dự án. Chỉ tính riêng hai năm vừa qua, tiến sĩ Trung đã được nhận tài trợ cho 4 dự án lên đến 1,3 triệu USD từ các tổ chức ở Anh Quốc. Từ những dự án này, anh xây dựng nên nhóm nghiên cứu Xử lý tín hiệu cho viễn thông tại trường Queen’s, gồm có 3 nghiên cứu viên sau tiến sĩ và 11 nghiên cứu sinh.
Anh Trung cũng là tác giả chính và đồng tác giả của 230 công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành và hội nghị quốc tế (trong đó có 120 công trình thuộc tạp chí danh mục ISI). Anh Trung cũng nhận được rất nhiều giải thưởng trong vòng 3 năm qua: Giải thưởng fellowship của Hội khoa học hoàng gia Anh Quốc từ năm 2016 đến năm 2021 (cả Vương quốc Anh chỉ có 8 người và anh Trung là người duy nhất thuộc lĩnh vực ICT). Giải thưởng công trình nghiên cứu xuất sắc nhất (Best Paper Award) của hai hội nghị hàng đầu về viễn thông: Hội nghị IEEE GLOBECOM 2016 tổ chức tại Washington DC năm 2016 và Hội nghị IEEE ICC 2014 tổ chức tại Sydney, Úc (số lượng công trình nộp là gần 3.000, chỉ có khoảng 35% được chấp nhận đăng).
Nhờ những thành tích vượt trội về nghiên cứu khoa học có sức ảnh hưởng tới xã hội và cộng đồng, tiến sĩ Trung tiếp tục được trường Queens vinh danh là Nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất năm 2016, vượt qua 2.500 giáo sư và nhà khoa học khác.
Mới đây, Hội nghị về Thách thức toàn cầu, tập hợp 60 nhà khoa học trẻ (dưới 45 tuổi) trên toàn thế giới (đến từ 28 quốc gia khác nhau) bàn về các vấn đề cấp bách toàn cầu: năng lượng, ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững, kết nối con người... Hội nghị do Hội Khoa học kỹ thuật Hoàng gia Anh Quốc tổ chức từ ngày 21 đến 23.11 dưới sức ép nóng bỏng của tình hình thế giới. Anh Trung đã vinh dự được làm chủ tọa một trong bốn phiên ban của hội nghị - Phiên ban "Kết nối con người".
Nếu được đầu tư, nhà khoa học Việt không thua kém thế giới
Nói về môi trường nghiên cứu khoa học trong nước, tiến sĩ Dương Quang Trung nhìn nhận: “Chúng ta đã bắt đầu sử dụng các chuẩn mực quốc tế để đo lường khoa học. Việt Nam có một số nhà khoa học rất giỏi, nếu có sự đầu tư đúng đắn thì sẽ không thua kém so với các giáo sư ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn tổng thể tại các trường ĐH, đa phần các tiến sĩ vẫn phải đi dạy nhiều, quỹ thời gian dành cho nghiên cứu vẫn chưa phù hợp và chúng ta đang chỉ nói đến lượng nhiều hơn là chất”.
Theo tiến sĩ Trung, ở nước ngoài, nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học đến từ Chính phủ và các công ty. Ngoài ra, còn có nhiều quỹ tư nhân khác cũng rất dồi dào. Vấn đề quản lý quỹ nghiên cứu cũng khá quan trọng. Nhà khoa học sẽ không phải lo vấn đề này mà chính cơ quan chủ quản sẽ lo từ A đến Z. Ví dụ ở trường Queen’s, sau khi một đề án được chấp nhận thì nhà trường sẽ thay mặt nhà khoa học kí hợp đồng với đơn vị cấp quỹ và đứng ra chịu trách nhiệm nguồn quỹ sẽ được chi tiêu minh bạch. Người chủ nhiệm đề tài (Principle Investigator) sẽ không được trực tiếp “chạm” đến quỹ. Cơ quan chủ quản (ví dụ trường Queen’s sẽ cử người hỗ trợ vấn đề này. Mọi vấn đề tài chính rất đơn giản và gọn nhẹ cho nhà nghiên cứu).
Cần nhận thức đúng về nghiên cứu khoa học
Để kích thích vấn đề nghiên cứu trong nước, tiến sĩ Trung cho rằng: “Việc cần nhất là minh bạch quá trình phản biện đề tài, giảm nhẹ các thủ tục hành chính để nhà khoa học được “rảnh tay” tập trung nghiên cứu. Các đề tài được chấp nhận hay từ chối thì cũng phải có lời phản biện để các ứng viên có thể biết để rút kinh nghiệm lần sau, kể cả có cơ hội trả lời phản biện vì nhiều khi phản biện viên độc lập cũng chưa chắc đã hoàn toàn chính xác. Rất nhiều quỹ nghiên cứu trong nước đã bỏ qua giai đoạn quan trọng này. Ứng viên không biết lý do tại sao mình lại bị từ chối đề tài”.
Đặc biệt, theo tiến sĩ Trung, cần có chính sách hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, tạo ra các chương trình “học bổng nghiên cứu” (fellowship) để các nhà khoa hoc trẻ có điều kiện xây dựng nhóm nghiên cứu riêng của mình.
TS Dương Quang Trung (trái) cùng với đồng nghiệp trong một chuyến công tác
“Vấn đề quan trọng nữa là nhận thức đúng đắn của xã hội về nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu hàn lâm (trong các trường ĐH và Viện nghiên cứu) khác với tạo ra cái máy cải tiến của “anh Hai Lúa”. Xã hội cần những cải tiến của “anh Hai Lúa”, nhưng những nghiên cứu (cả khoa học lý thuyết và thực tế) là tối quan trọng. Cũng có hiện tượng không làm khoa học thực sự nhưng lại được nhận được tài trợ lớn như báo chí phản ảnh... Chính vì thế chúng ta rất cần một môi trường minh bạch trong khoa học”, tiến sĩ Trung đánh giá.
Theo Thanh niên