Đinh Hoài Xuân từng là thủ khoa cello tại Học viện Âm nhạc Huế năm 2005 và tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ biểu diễn cello tại Học viện Âm nhạc Việt Nam năm 2012. Nữ nghệ sĩ được biết đến khi phát hành CD-DVD Khúc phiêu du một đời gồm 8 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Cộng Sơn và đặc biệt là phim ca nhạc Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương) nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội gây được tiếng vang lớn...
11 giờ mỗi ngày
Để trở thành một nghệ sĩ nhạc trẻ nổi tiếng không phải là chuyện dễ dàng, nhưng để trở thành nghệ sĩ cổ điển nổi tiếng thì gian nan hơn gấp nhiều lần. Xác định vậy nên Đinh Hoài Xuân tự nhủ với bản thân chỉ có con đường học và mở mang kiến thức mới giúp cô thực hiện hoài bão của chính mình.
Cô đã vượt qua ba ứng viên nước ngoài rất nặng ký để có được Học bổng toàn phần Tiến sĩ biểu diễn tại Romania. Để đáp ứng được yêu cầu của khóa học, cô phải làm việc 6-11h mỗi ngày không chỉ vì say mê cây đàn cello mà còn muốn khẳng định hình ảnh đẹp về du học sinh Việt Nam.
Đinh Hoài Xuân kể, suốt ba năm qua sinh sống ở Romania, nhưng gần như cô chỉ biết đến ba con đường: một là con đường tới Đại sứ quán để nhận học bổng hàng tháng, hai là đường đến trường và ba là con đường đến siêu thị để mua thực phẩm. Riêng tập đàn, mỗi ngày phải mất ít nhất 4 tiếng và chuẩn bị biểu diễn phải mất 8 tiếng và nhiều khi cô chơi đến trầy cả đầu ngón tay. Thế nhưng, nữ nghệ sĩ không cảm thấy mệt mỏi. Ngược lại, cô lại cảm thấy hạnh phúc được sống đúng những gì mình mơ ước và đón nhận các cơ hội đi biểu diễn ở Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Hy Lạp...
Nội dung luận văn tốt nghiệp sắp tới của cô là “Biểu diễn và phổ biến cây đàn cello tại Việt Nam”. Thầy cô tại Đại học Âm nhạc Quốc gia Bucharest rất ủng hộ và giúp đỡ cô khi thực hiện đề tài này. Với cô, khó khăn nhất là luận văn phải bằng tiếng Anh, trong khi học tại trường là tiếng Romania. Bởi vậy, cô không chỉ học tiếng bản địa tốt và phải trau dồi tiếng Anh, tự học và tự dịch tài liệu cho mình.
Nói về Đinh Hoài Xuân, Giáo sư Razvan Suma tại Đại học Âm nhạc quốc gia Bucharest (Romania) – người đã hai lần trở về Việt Nam biểu diễn cùng cô luôn dành cho cô học trò Việt Nam những tình cảm và ấn tượng tốt đẹp. Đinh Hoài Xuân cũng chia sẻ thế mạnh của cô là cảm xúc và nhạc cảm. Bởi vậy, bên cạnh tính chuyên môn, nữ nghệ sĩ coi trọng nhất là tiếng đàn của mình có làm người nghe rung cảm hay không.
Vì tình yêu mà lao tâm
Sáng lập từ năm 2016, hòa nhạc giao hưởng CELLO Fundamento chính là niềm đam mê và tình yêu của Đinh Hoài Xuân dành cho cây trung hồ cầm và nhạc cổ điển. Qua CELLO Fundamento, cô muốn muốn mang đến cho khán giả không chỉ là một chương trình hòa nhạc đỉnh cao, mà còn là một góc nhìn mới về văn hóa thưởng thức âm nhạc cổ điển tại Việt Nam.
Mỗi năm về quê hương tổ chức hòa nhạc là khoảng thời gian nữ nghệ sĩ phải đau đầu với bài toán về kinh phí. Tuy nhiên, khi nói về khó khăn này cô vẫn vô tư cười: “Nợ rồi sẽ trả dần, nhưng cái nợ này cũng xứng đáng bởi tình yêu mà mình lao tâm sẽ có ngày được bù đắp”.
Ở Việt Nam, ai cũng nghĩ âm nhạc giao hưởng khó gần nhưng tôi nghĩ sắp hết khó gần rồi để giúp mình có động lực hơn. Tôi hy vọng, 5-10 năm nữa sẽ xuất hiện thêm nhiều nhân tài cello. Và một ngày không xa, Việt Nam sẽ có giải cello quốc tế... |
Năm ngoái, Đinh Hoài Xuân đã mời được 4 nghệ sĩ Romania về lưu diễn tại ba học viện âm nhạc của Việt Nam. Năm nay, chương trình hòa nhạc của cô có sự tham dự của 8 nghệ sĩ quốc tế đến từ Romania, Thụy Sỹ, Litva, Trung Quốc, Đức... Đặc biệt, tại những chương trình hòa nhạc này, cô luôn có những lựa chọn một số tác phẩm tiêu biểu âm nhạc Việt Nam để các nghệ sĩ quốc tế cùng khám phá và biểu diễn chung.
“Người Việt còn ít biết đến cello, trong khi trên thế giới cây đàn này được yêu thích hơn những nhạc cụ khác vì âm sắc trầm đặc biệt. Ở Việt Nam, ai cũng nghĩ âm nhạc giao hưởng khó gần nhưng tôi nghĩ sắp hết khó gần rồi để giúp mình có động lực hơn. Tôi hy vọng, 5-10 năm nữa sẽ xuất hiện thêm nhiều nhân tài cello. Và một ngày không xa, Việt Nam sẽ có giải cello quốc tế...”, cô chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ biểu diễn, Đinh Hoài Xuân cho biết cô tiếp tục hoạt động nghệ thuật cả trong và ngoài nước và sẽ có thêm những dự án ở bệnh viện, trường học và cộng đồng để cello được lan tỏa nhiều hơn. Cô xác định sẽ cống hiến cả đời cho cello và coi Cello Fundamento là đứa con tinh thần nên sẽ quyết tâm tổ chức chương trình thường niên với chất lượng ngày càng tốt hơn.
Nữ nghệ sĩ cello mong muốn hoài bão của mình sẽ nhận được sự ủng hộ và cộng hưởng của những người xung quanh. Và trong hành trình ấy, cô đã góp phần làm cây cầu nối các nghệ sĩ quốc tế với Việt Nam, cũng như đưa âm nhạc Việt Nam đến với thế giới.
Theo Thế giới và Việt Nam