Phương Dung làm rõ chuyện “tương tư” của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân và ca sĩ Trúc Mai - ẢNH: BTC
Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt, sinh năm 1939. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1958 với ca khúc đầu tiên là Trăng quê hương. Sau đó, nam nhạc sĩ ghi dấu ấn bằng hàng loạt tác phẩm như Cho vừa lòng em, Ngày xuân vui cưới, Chuyện buồn tình yêu, Mùa Xuân cưới em, Em về với người, Trả lại anh, Một lần dang dở, 10 bài hát Tương tư… Ngay từ chính nghệ danh của Mặc Thế Nhân nếu ai không hiểu sẽ nghĩ là “mặc kệ thế gian”. Thế nhưng bút danh này được ông giải thích là “góp giọt mực cho đời".
Mặc Thế Nhân lấy vợ từ năm 24 tuổi (1963) và có 8 người con. Vào đầu thập niên 1970, ông viết 4 bài Tương tư, trong đó nổi tiếng nhất là Tương tư 4 với câu hát “Phải chi em đừng có chồng và anh còn đơn côi”. Đây là bài hát viết về mối tình đơn phương của nam nhạc sĩ và ông cũng cho rằng cuộc tình đẹp nhất không chỉ là tình dang dở như người ta thường nói, mà còn có tình đơn phương. Nữ ca sĩ được đồn đoán trong bài hát là ca sĩ xinh đẹp Trúc Mai, người đã lên xe hoa theo chồng từ năm 1965.
Chân dung nhạc sĩ Mặc Thế Nhân - tác giả của loạt ca khúc nổi tiếng như Cho vừa lòng em, Em về với người, Tương tư... - ẢNH: BTC
Trong chương trình Chân dung cuộc tình, danh ca Phương Dung cho biết mối quan hệ giữa nhạc sĩ Mặc Thế Nhân và ca sĩ Trúc Mai chỉ là anh em thân thiết. “Nhạn trắng Gò Công” tiết lộ: “Chính chị Trúc Mai cũng khẳng định hai người không có tình yêu, chỉ là anh em thân thiết. Chúng ta nghĩ nhạc sĩ phải yêu nhiều thì mới đủ cảm xúc mãnh liệt để viết nhạc. Nhưng với tiếng hát tuyệt vời của danh ca Trúc Mai, ông đã đủ cảm hứng viết ra những bài hát. Cả hai người thân thiết trên cả tình yêu trai gái và có sự tôn trọng, ngưỡng mộ”. Theo khách mời, người nhạc sĩ luôn gắn với một nữ ca sĩ, một nàng thơ trong âm nhạc, như Phương Dung luôn thể hiện những bài hát của hai nhạc sĩ Huỳnh Anh, Mạnh Phát.
Nữ danh ca tiết lộ thêm: “Nhạc sĩ chuyên viết tình ca thường có những phút xao lòng, những đoạn tình “ngoài chồng ngoài vợ” như một cách để duy trì cảm hứng sáng tác. Có trường hợp, nhạc sĩ yêu cô A nhưng sẽ mượn hình ảnh của ca sĩ B, bởi vì cô B hát, bài mới vang, đúng ý và thể hiện được tâm hồn của ông. Tâm hồn nhạc sĩ phong phú, luôn cần gì đó mới mẻ để có cảm hứng sáng tạo, nhưng họ biết điểm dừng sau những chuyến phiêu lưu cảm xúc. Tình cảm đó như lớp sương mờ bí ẩn giữa những nàng thơ. Mặc Thế Nhân tâm sự không có nhiều cảm hứng sáng tác đến từ vợ nhưng ông trân trọng những gì bà đã hi sinh cho gia đình, trở thành hậu phương vững chắc để ông chuyên tâm sáng tác”.
Danh ca Thái Châu tái hiện ca khúc Tương tư 4 trên sân khấu Chân dung cuộc tình - ẢNH: BTC
Trong chương trình, nhà báo Minh Đức tiết lộ cách đây nhiều năm anh có dịp gỡ nhạc sĩ Mặc Thế Nhân. Thời điểm đó, ông vẫn còn khỏe, chưa bị tai biến. Mặc Thế Nhân từng kể sau khi có gia đình, ông quen biết một cô gái gốc Huế, giữa họ là những tình cảm, rung động của người nghệ sĩ với một hình ảnh, bóng hồng xinh đẹp. Hai bên đều biết họ không thể tiến xa. Đến một ngày, ông nhận được tấm thiệp báo hỷ từ người con gái ấy. Mặc Thế Nhân sau đó đã sáng tác Em về với người và được sự đón nhận của công chúng. Mấy tháng sau, ông tiếp tục viết Cho vừa lòng em.
Phương Dung cũng bỏ ngỏ thêm, bà sống trong một gia đình Huế truyền thống: “Nếu ai rung cảm với người con trai, con gái xứ Huế, thì tình cảm đó sẽ khó dứt vì chính tôi là người có tình yêu với người con trai Huế. Mỗi đêm tôi đi hát, đều thấy người yêu, chính là chồng tôi sau này ngồi ở dưới đợi. Ông mang đến cho tôi sự rung động, tôi là người “chết lên chết xuống” vì mối tình Huế đó”.
Ngoài những chia sẻ của danh ca Phương Dung, khán giả còn được lắng nghe những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân qua chất giọng của danh ca Thái Châu (Tương tư 4), Họa Mi (Tương tư 3), Hà Vân - Huỳnh Thật (Cho vừa lòng em), Xuân Nghi (Em về với người)... Chương trình Chân dung cuộc tình dự kiến lên sóng ngày 28.7 trên THVL1.
Theo thanhnien