Ảnh minh họa
Có những cặp yêu nhau tha thiết, điều kiện khách quan (tuổi, học lực, tính tình, gia đình đôi bên) hết sức thuận lợi mà dăm năm sau ly dị. Ngược lại, có cặp do gia đình đôi bên thu xếp, hoàn cảnh khách quan có điểm không thuận lợi mà lại sống với nhau hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn...
Tôi không dám nói mạnh vì ít kinh nghiệm: mới lấy vợ có một lần. Các cụ nói vợ chồng là duyên số mà mình lại không tin bói toán, tử vi.
Năm 1979, tôi gặp lại ở Sài Gòn anh bạn cũ Trường Bưởi sau hai chục năm, một người có “kinh nghiệm” lấy vợ hơn tôi nhiều, 3 lần lấy vợ để rồi tối tối vẫn nằm không. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhưng lòng tôi se lại vì không nhận ra anh: trước kia, anh cao lớn vạm vỡ, bồng bột, nay là một cụ già gầy gò, còng lưng, nói nhỏ nhẹ.
Rủ nhau vào quán cà phê con cóc để tâm sự. Anh thổ lộ, đời sống không đến nỗi vất vả, lương công chức trung - cao, về hưu có cửa hàng tạp hóa, nhưng lao đao về đời sống gia đình.
Ngay từ thuở học trò, anh đã có tính tài tử, thích thể thao, âm nhạc, thích cái gì là đam mê cái ấy. Lấy vợ lần đầu vì đam mê nàng đẹp, chỉ ba tháng làm quen đã cưới nhau, chưa được một năm, bị “cắm sừng”, đành bỏ nhau.
Vào Nam, ít lâu, lại mê một cô gái kém mình đến hơn chục tuổi, biết chơi vĩ cầm. Hơn năm sau đã ly dị vì tính tình không hợp nhau. Lần thứ ba, tuổi trên 40, lại mê một chị góa chồng ngoài 30, vì chị ăn nói có duyên. Ai ngờ chị lại có máu cờ bạc, chịu đựng một năm trời, đành phải ly dị.
Bên tách cà phê, anh than thở oán trách đàn bà nói chung. Anh rất thích thú luận điểm của đại văn hào Thụy Điển Strindberg với tác phẩm dịch "Vợ chồng" mà ngẫu nhiên anh được đọc: Ngay cô vợ có ngoan ngoãn thì trong thâm tâm và trong tiềm thức, đều muốn chế ngự đàn ông để trục lợi cho mình, đoạt hết tiền nong. Đó là một luận điểm bác lại quan điểm của nhà viết kịch Na Uy Ibsen, trong vở "Ngôi nhà búp bê", lên án những ông chồng đề cao người vợ ngoan ngoãn, coi họ như búp bê. Tôi bảo anh bạn: “Xin gác lại việc thảo luận xem hai bên đàn ông, đàn bà, bên nào tìm cách chế ngự bên nào, vì nó đụng đến các lĩnh vực văn hóa ứng xử, tôn giáo, triết học, xã hội học... Có một thực tế là: nói chung, ai cũng muốn lập gia đình, vậy chọn vợ chọn chồng nên như thế nào”?
Trao đổi một lúc, chúng tôi trở lại cái hồi học ban tú tài triết học ở Trường Bưởi, gần bốn chục năm trước. Chúng tôi còn nhớ: thầy dạy triết học là ông Foulon, tính ngông cuồng nhưng rất có nhân cách, tôn trọng văn hóa Việt Nam. Trong chương trình môn Tâm lý học, có nghiên cứu về sự đam mê, đặc biệt về tình yêu. Thầy chẳng giảng gì cả, bắt chúng tôi tự nghiên cứu một chương trong cuốn Tâm lý học, sách giáo khoa to hơn cuốn tự vị.
Anh bạn trầm ngâm một lúc rồi bật lên:
- Ừ, tôi thất bại trong hôn nhân vì tôi quên mất chương sách năm đó, bài học của Stendhal.
Và chúng tôi ôn lại thuyết Kết tinh trong tình yêu của Stendhal mà các bạn trẻ định lấy vợ lấy chồng nên biết. Stendhal, nhà văn Pháp nửa đầu thế kỷ XIX, thuộc thế hệ lãng mạn, nhưng rất hiện thực, đã phân tích một cách khoa học tình yêu trong cuốn "Luận về tình yêu" (1882), cố gắng tìm ra những quy luật của nó.
Theo ông, có bốn loại tình yêu: tình yêu đam mê, tình yêu do hợp khẩu vị, tình yêu nặng về tình dục, tình yêu do hãnh diện khoe khoang. Tình yêu tiến triển theo bảy giai đoạn: ngưỡng mộ, thèm muốn, hy vọng, hình thành, kết tinh lần thứ nhất, nghi ngờ, kết tinh lần thứ hai. Kết tinh (crystalisation) là quy luật tâm lý quan trọng nhất. Khi yêu, người ta không tuân theo logic của lý trí nữa mà theo logic của tình cảm, chủ quan nhận định về đối tượng, thấy cái gì thuộc về người yêu cũng đẹp, cũng hay. Stendhal ví quá trình tiệm tiến này (khác với tình yêu sét đánh, đột xuất) như hiện tượng một cành cây khô vứt vào mỏ muối, vài tháng sau phủ đầy tinh thể trông thật rực rỡ.
Chính vì bị choáng váng bởi hiện tượng "kết tinh", khi yêu chỉ thấy đối tượng là tuyệt vời, nên sau khi lấy nhau, đôi bên mới ngã ngửa người, phát hiện thực tế và đôi khi "kết tinh" ngược lại, chỉ thấy những cái đáng ghét, không ít trường hợp trở nên nhàm chán, bỏ nhau hoặc chịu đựng nhau.
Vậy thì từ yêu đương đi đến quyết định hôn nhân phải tỉnh táo và nghe lời các cụ: "Cái nết đánh chết cái đẹp" có lẽ nên nhắn nhủ những ai chọn vợ chọn chồng: đừng để bị huyễn hoặc bởi những lời âu yếm, sự chăm sóc nâng niu của đối tượng đối với mình, mà xem đối tượng đó thật tốt, cư xử tốt với mọi người. Đó là tiêu chuẩn bảo đảm hôn nhân lâu bền vì rồi sau tình yêu có nhạt đi, vẫn còn cái nghĩa, đối tượng đã tốt với mọi người, ắt cũng sẽ còn tốt với mình.
Chữ Nghĩa của Việt Nam rất hay, vừa là yêu vừa là thương (nên chấp nhận cái xấu của nhau qua lý trí). Do đó, vợ chồng già, tình yêu qua năm tháng nhạt phai nhưng tình thương còn mãi. Muốn được vậy, khi kén vợ chọn chồng phải kiếm người không chỉ tốt với mình mà tốt với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với bố mẹ, anh chị em và bạn mình. Như thế sẽ tránh được sự mê hoặc của thời kỳ "kết tinh" tình cảm vượt khỏi lý trí.
Theo Hữu Ngọc / Thế giới và Việt Nam